Tăng tốc giảm nghèo

Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, TPHCM tăng thêm 3 quận không còn hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, nâng tổng số quận hoàn thành mục tiêu này lên con số 8. Dự kiến đến cuối năm nay, có thêm 6 quận, 80 phường đạt mục tiêu trên và đô thị năng động của cả nước sẽ kết thúc Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014 - 2015). 
Tăng tốc giảm nghèo

Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, TPHCM tăng thêm 3 quận không còn hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, nâng tổng số quận hoàn thành mục tiêu này lên con số 8. Dự kiến đến cuối năm nay, có thêm 6 quận, 80 phường đạt mục tiêu trên và đô thị năng động của cả nước sẽ kết thúc Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014 - 2015). 

“Mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân khá lên”

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, nói như vậy khi trao đổi về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 trên địa bàn quận. Bà Thảo cho biết, trong công tác giảm nghèo, việc khảo sát nắm chắc tình hình đời sống hộ nghèo rất quan trọng bởi có khi qua một đêm, tình hình đã khác. Có hộ đã vượt nghèo nhưng qua một đêm, sáng ngủ dậy, một lao động chính trong gia đình bị tai biến và cả gia đình lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, một trong những kinh nghiệm của quận là nắm bắt nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ nghèo, đề ra các giải pháp giúp hộ nghèo tăng thu nhập. Quận đảm bảo vượt nghèo phải thực chất, không để cho người nghèo bị sụt giảm mức sống.

Các bạn thanh niên phường 8, quận 8 nấu cơm tặng cho người nghèo.

Những ngày này, phường 13, quận 6 tiếp tục rà soát các hộ gia đình khó khăn đang sống trong nhà cũ để lên kế hoạch sơn lại nhà. Đây là việc làm nhằm giúp các hộ có nhà đẹp hơn, có môi trường sống tốt hơn nhân dịp đón mừng 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bà Trần Thúy Hằng, Chủ tịch UBND phường 13, cho biết, để giúp con em hộ nghèo an tâm học hành, phường vận động mạnh thường quân chăm lo học bổng đều hàng tháng (500.000 đồng/tháng/em), song hành nhiều năm cho đến khi các em học hết lớp 12. Em nào thi đậu đại học, mạnh thường quân chăm lo tiếp.

Về việc cho vay vốn, tạo việc làm ổn định giúp các hộ nghèo, bà Trần Thúy Hằng cho hay, phường 13 xây dựng mô hình cho vay không lấy lãi trong các tổ tự quản giảm nghèo. Toàn quận 6, gần 150 lao động có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo các nghề giản đơn theo nhu cầu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn quận với hình thức vừa học vừa làm nhằm giúp các em có thêm cơ hội học nghề và tìm việc làm dễ dàng hơn. Đặc biệt, Phòng LĐTB-XH quận kết hợp với 14 phường liên hệ các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu lao động để “gửi” 360 người lao động nghèo, giúp họ có việc làm ổn định.

Còn tại quận Bình Tân, Câu lạc bộ hướng nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ 10 phường thường giới thiệu gia công các mặt hàng cắt chỉ quần áo, gọt củ năng, lột tỏi, se nhang… tới hội viên phụ nữ nghèo. Bằng cách này, 679 hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, vượt chuẩn nghèo của thành phố. Hội phụ nữ phường Bình Hưng Hòa B còn thành lập 1 tổ xe honda tự quản gồm 15 chị, có thu nhập đều đều nhờ đưa đón học sinh và người lớn tuổi.

Vào giai đoạn nước rút

Cùng với quận 6, Bình Tân là các quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống. Đặc biệt, thành phố có 5 phường (Thảo Điền quận 2 và các phường 9, 10, 11, 13 quận 5) đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo có thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015 đang bước vào giai đoạn nước rút. Trong tổng số 83.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,2% tổng hộ dân của thành phố) ở đầu chương trình, đến nay hơn 53.300 hộ đã có thu nhập tăng lên, vượt chuẩn nghèo. Qua phân tích nguyên nhân giúp các hộ có thu nhập tăng lên thì thấy 24% số hộ là do được vay vốn sản xuất kinh doanh, 19% do lao động có việc làm, gần 42% hộ do tự tổ chức dịch vụ làm ăn...

Ông Xê đánh giá, có được kết quả trên là do thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ người nghèo. Trong đó, quan trọng nhất là tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các chính sách đảm bảo về an sinh xã hội. Điều đó có nghĩa là thành phố tăng cường tác động bằng chính sách để người nghèo tăng tính chủ động, phát huy ý thức vươn lên của người nghèo; chỉ một bộ phận các trường hợp đặc biệt khó khăn do tuổi cao sức yếu, neo đơn, bệnh tật… không thể tự vươn lên thoát nghèo thì mới hỗ trợ trực tiếp. Từ đầu giai đoạn 4 đến nay, tổng nguồn vốn ưu đãi và tín dụng nhỏ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay là 2.835 tỷ đồng. Thành phố đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 2.600 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho gần 11.200 lao động. Ngân sách thành phố hỗ trợ 11,5 tỷ đồng để miễn giảm học phí cho hơn 18.800 học sinh con em hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Sản xuất mãng cầu đóng hộp xuất khẩu tại xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TPHCM.Ảnh: KIM NGÂN

 Đến đầu tháng 4-2015, TPHCM chỉ còn chưa đầy 30.000 hộ nghèo (chiếm 1,4%). Dự kiến, cuối năm 2015 sẽ có thêm 15.000 hộ vượt chuẩn nghèo, qua đó, hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn TP xuống còn dưới 1% tổng hộ dân và kết thúc Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015.


MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục