Cha, con và chuyện học

MINH MINH

Cuối tuần rồi, tôi nghe Thúy Anh, bạn của con gái tôi gọi điện báo tin: “Con đã được trường X nhận vào rồi cô ạ!”. Tôi nghe mà thấy nhẹ cả người. Mấy bữa nay, nghe tin các bạn đã được trường này trường kia chấp nhận, mặt con bé cứ buồn rười rượi.

Là Chi hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của lớp 12 song ngữ một trường chuyên của thành phố, tôi thường được phụ huynh và cả học sinh chia sẻ nhiều nỗi niềm. Vào những tháng cuối năm học, khi con trẻ lo chọn trường, chọn nghề, thì rất nhiều phụ huynh cũng hoang mang, lo lắng.

Thúy Anh nhiều lần đến tìm tôi tâm sự, cháu có khả năng về các môn khoa học nên rất thích sau này sẽ học ngành sinh hóa, nhưng gia đình lại kiên quyết muốn con theo học ngành kinh tế, dù tính cách cháu nhút nhát, hoàn toàn không phù hợp với chuyện kinh doanh. Thúy Anh nhờ tôi tác động tới cha mẹ cháu. Sau buổi họp phụ huynh học sinh học kỳ 1, tôi đã gặp cha mẹ Thúy Anh. Mẹ cháu thương và ủng hộ con nhưng lại không dám bảo  vệ quan điểm của mình. Còn cha Thúy Anh thì cương quyết: “Chọn ngành sinh hóa, sau này chỉ có mà đói. Phi thương bất phú, con tôi cứ phải học ngành kinh tế”. Ngày nộp hồ sơ chọn trường đi du học, Thúy Anh cứ lưỡng lự, lúng túng giữa hai nguyện vọng, mục đích đi học không rõ ràng, hồ sơ bị trả đi trả về nhiều lần. Cuối cùng thì cháu cũng được một trường ở tốp cuối đồng ý chấp nhận.

Báo tin đi du học cho tôi mà Thúy Anh không vui. Cháu bảo: “Năm nay con vẫn đi du học ngành kinh tế theo nguyện vọng của gia đình, nhưng hết năm thứ nhất con sẽ tìm cách chuyển trường để được học đúng với khả năng của con”. Tôi đã từng cùng hai con trải qua những năm tháng khá khó khăn khi chuẩn bị cho các con chọn trường, chọn nghề, chuẩn bị hành trang để bước vào đời. Và tôi cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp như của Thúy Anh. Vì những ước nguyện của gia đình, của người thân mà nhiều em đã phải mất nhiều thời gian, đi một con đường vòng rất xa, cuối cùng mới đến được đích mà chính các em mong muốn và lựa chọn.


MINH MINH

Tin cùng chuyên mục