Quay cuồng vì nắng hạn

“Cổng trời” kêu... trời
Quay cuồng vì nắng hạn

Hết thảy ao hồ, khe suối ở nhiều vùng miền trên cả nước đều đang khô cạn, thời tiết nắng nóng khiến hàng vạn người dân đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

“Cổng trời” kêu... trời

Ở khu vực nằm trên con đường Lìa nối từ quốc lộ 9 sang tận biên giới nước bạn Lào mà người dân địa phương quen gọi “cổng trời”, những đồi sắn, cà phê vốn trù phú xanh tươi đã bắt đầu ngả sang màu vàng úa chờ chết. Chị Hồ Thị Chanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hàng ngày người dân 6 xã ở vùng Lìa phải đi dọc các con suối tìm từng can nước. Khoảng 10 ngày nữa nếu không mưa, lòng sông và suối khô cứng không biết lấy đâu ra nước sinh hoạt”.

Ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: Vùng Lìa là nơi cư trú của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, đời sống còn rất nhiều khó khăn nên khi hạn đến, khó lại chồng khó. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Hồ Văn Vinh, cho hay: “UBND huyện đã bổ sung kinh phí 550 triệu đồng để sửa chữa đường ống cấp nước sạch cho vùng Lìa, hỗ trợ người dân đào giếng, cải tạo, xây mới các bể lọc để có nước sạch sinh hoạt”.

Thế nhưng, khoảng một tháng trở lại đây, Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh hoạt động cầm chừng khiến cuộc sống hàng vạn người dân bị đảo lộn. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh, cho biết, công suất của đơn vị đạt 3.000m³/ngày nhưng vì nguồn nước lấy từ đập Đại Thủy cạn kiệt nên các máy bơm chỉ hoạt động mỗi ngày được vài giờ, không thể đảm bảo cấp nước đủ cho 3.450 hộ dân ở thị trấn Khe Sanh và các xã xung quanh. Trong thời gian chờ mưa, xí nghiệp đang thực hiện việc phân vùng, cấp nước luân phiên cho các thôn, xã.

Phụ nữ xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dùng can nhựa lấy nước ứ đọng ở khe suối về nhà sinh hoạt.

Miền Trung cấp bách chống hạn

Trong hai tuần qua, tại Quảng Bình nắng nóng dữ dội xuất hiện trên diện rộng. UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, nắng nóng kéo dài sẽ gây ra hạn hán nghiêm trọng, 45.000 người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Hiện địa bàn có 39 công trình hồ đập thủy lợi đang khô cạn dần. Trong khi đó trên sông Gianh, 11 cồn nổi giữa dòng sông này thuộc thị xã Ba Đồn, người dân sống giữa bốn bề nước mặn vây bủa, họ sống nhờ vào nước mưa dự trữ bằng chum, lu, nay đã cạn kiệt, nên phải mua nước ngọt mỗi khối lên đến 100.000 đồng.

Ngành nông nghiệp các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước tưới để làm đất, xuống giống hơn 10 vạn hécta lúa hè thu do hạn hán kéo dài. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, ngoài việc triển khai phương án chống hạn với phương châm tiết kiệm nguồn nước, địa phương chuyển đổi khoảng 10.000ha đất trồng lúa tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Đakrông sang trồng bắp và đậu xanh. Trước mắt, đơn vị đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác trên đất lúa chuyển đổi, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về tình hình hạn hán và sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết bất thường.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, từ ngày 20-5 nông dân Quảng Nam bước vào gieo sạ 44.000ha lúa hè thu, trong đó có gần 9.000ha phải sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng và hoạt động của bốn nhà máy thủy điện gồm Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, A Vương và Sông Kôn 2 ở thượng nguồn thiếu ổn định đã khiến dòng chảy trên hệ thống sông này thấp hơn mức bình thường.

Trước tình hình đó, Sở này đã làm việc với đại diện các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, yêu cầu tăng lượng nước xả để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đại diện các nhà máy thủy điện đều cho rằng rất khó đáp ứng được việc xả nước này vì hoạt động của các nhà máy phụ thuộc lịch điều độ của hệ thống điện quốc gia. Riêng việc không xả nước về sông Vu Gia như cam kết trước đó của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4, Sở NN-PTNT yêu cầu BQL dự án phải mở các cống xả đáy ở đập tràn theo như cam kết ban đầu là phải đạt tối đa 25m3/giây. Tuy nhiên, đại diện BQL dự án thủy điện Đăk Mi 4, lại cho rằng hiện lượng nước hồ chỉ còn 85 triệu m3 so với thiết kế tiêu chuẩn là 300 triệu m3. Nếu tiến hành xả cũng chỉ được 5-10m³/giây, lượng nước này không thấm vào đâu và cũng chẳng giải quyết được gì.

Tại Khánh Hòa, mực nước tại các công trình thủy lợi và sông suối trên địa bàn đang ở mức rất thấp khiến nhiều diện tích nông nghiệp bị thiếu nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán; trong đó, hơn 3.700ha đất trồng lúa thiếu nước, hiện có 2.900ha lúa phải dùng bơm tưới, nhưng lượng nước tại các hồ đập gần như cạn đáy nên thiếu nước trầm trọng. Theo thống kê sơ bộ, Khánh Hòa hiện có 133ha lúa mất trắng do nắng hạn. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị, xã thành phố, đơn vị quản lý các công trình thủy lợi triển khai phương án phòng chống hạn cho vụ hè thu năm nay.

Công trình thủy lợi Sông Sắt (tỉnh Ninh Thuận) cạn kiệt nước

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, Chi cục Thủy lợi tỉnh đang triển khai gói hỗ trợ 15 tỷ đồng của UBND tỉnh cho người dân vùng hạn. Trong đó, khoan 16 giếng ở cụm xã Tân Hà, Tân Thắng, Thắng Hải (huyện Hàm Tân) trị giá khoảng 480 triệu đồng; hỗ trợ mua máy bơm và đầu tư xây dựng tuyến ống bơm nước từ hồ Sông Dinh 3 về Nhà máy nước Tân Nghĩa với kinh phí 1 tỷ đồng (dự kiến thời gian thi công 15 ngày); hỗ trợ mua 2 máy bơm khoảng 40 triệu đồng nhằm bơm tận dụng lượng nước tại hồ Sông Phan cấp nước cho Nhà máy nước Sông Phan. Còn huyện Hàm Thuận Bắc, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng tuyến ống lấy nước trực tiếp từ cuối kênh Châu Tá để bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Hồng Liêm - Hồng Sơn với chiều dài khoảng 3km, kinh phí 1,3 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành trong 15 ngày). Riêng tại huyện Tuy Phong, từ nay đến cuối tháng 6, tỉnh sẽ trích ngân sách khoảng 1,2 tỷ đồng để mua nước sinh hoạt cho các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân.

Đông Nam bộ: Mua nước từ 40.000 - 70.000 đồng/m³

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tại các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài, thời điểm này hầu hết các giếng đào đã cạn nước, giếng khoan chỉ ưu tiên dùng cho việc ăn uống, mọi sinh hoạt như tắm, giặt, người dân địa phương phải nhờ đến hồ, sông, suối. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải mua nước từ các xe bồn với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/m³. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hạn hán đã làm thiệt hại 36.000ha cây trồng, trong đó phần lớn là lúa, bắp, rau, đậu... Ước thiệt hại của ngành nông nghiệp tỉnh lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Dương gần 130.000ha cao su lá rụng đầy gốc có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Công ty Cao su Dầu Tiếng đã phải dùng máy cắt cỏ cải tiến gắn thêm cánh quạt cỡ lớn để thổi lá khô khỏi gốc cây cao su, đề phòng hỏa hoạn. Cũng vì nắng nóng kéo dài nên tất cả vườn cây cao su của nông dân ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đang phải ngừng khai thác.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay cánh rừng vào Núi Cậu - Dầu Tiếng buộc phải đóng cửa, cấm mọi người vào rừng hái củi, bắt ong để đề phòng bị cháy. Những ngày này, tình hình phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh hết sức cam go.
ĐBSCL: Hạn, mặn gây nhiều thiệt hại

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, vụ đông - xuân năm nay, toàn tỉnh Bến Tre có gần 700 ha lúa bị mất trắng do nước mặn đến sớm và tình trạng nắng hạn gay gắt hơn các năm trước. Bên cạnh đó, hơn gần 1.500 ha lúa bị giảm năng suất khoảng 50%. 

Trong khi đó, tại Trà Vinh, hàng chục ngàn hec ta lúa hè thu vẫn chưa thể xuống giống vì hạn, mặn, trễ lịch thời vụ từ 15 đến 20 ngày. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, vụ lúa hè thu năm nay địa phương có kế hoạch xuống giống trên 86.000 ha. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới xuống giống được hơn 70.000 ha và có khoảng 15% diện tích phải gieo sạ lần 2. Các huyện bị ảnh hưởng hạn, mặn nhiều nhất là Trà Cú, Cầu Ngang và một phần của huyện Châu Thành. Trong đó phần lớn diện tích của huyện Trà Cú vẫn chưa thể xuống giống được vì nồng độ mặn trên các nhánh sông còn ở mức cao.

Theo UBND huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) từ tháng 3 đến nay, toàn huyện có gần 1.600ha nghêu của trên 170 hộ ngư dân bị chết hàng loạt gây thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Đáng quan tâm là có 10 sân nghêu ở huyện Gò Công Đông bị chết với tỉ lệ thiệt hại trên 80% nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Nhiều diện tích hoa màu tại Ninh Thuận chết cháy do nắng hạn.Ảnh: Văn Ngọc

Sắp có đợt nắng nóng 40-42° C

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong tuần này và cho tới đầu tháng 6, có khả năng xảy ra một đợt nắng nóng kỷ lục tính từ đầu năm 2015 đến nay tại miền Bắc và miền Trung. Dự báo nhiệt độ có thể lên tới 40-42°C tại khu vực từ Thanh Hóa đến Nam Trung bộ. Ngoài ra, trong tháng 6-2015 cũng sẽ liên tục có các đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ ở mức cao. “Trên thực tế đã từng có những đợt nắng nóng 40-42°C”- ông Lê Thanh Hải nói. Điều đáng lo ngại là theo dự báo quan trắc mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, với xác xuất khoảng 70%, trong mùa hè và mùa thu năm nay sẽ xuất hiện một đợt El Nino gây ảnh hưởng tới thời tiết nước ta. Chiều hướng của El Nino là có số lượng cơn bão ít hơn, nhưng cũng vì vậy mà gia tăng thêm nguy cơ thiếu nước và hạn hán trên diện rộng. Các khu vực như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi... tiếp tục thiếu nước nghiêm trọng. 

Còn tại Bắc bộ, từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 4-2015 không hề có một trận mưa nào. Tại nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng, mặc dù nước cho sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo đủ, nông dân trồng lúa vẫn được mùa bội thu nhưng tại nhiều vùng bán sơn địa ngay ở ngoại thành Hà Nội, người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Tuy nhiên, ngày 25-5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết đang có một đợt lũ tiểu mãn tại Bắc bộ do lượng mưa được tăng cường trở lại trong những ngày vừa qua, hầu như các hồ thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà... đều đảm bảo đủ lượng nước tích trữ để phát điện và cung cấp cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du. Do vậy, cơ bản các địa phương ở miền Bắc không lo về nguồn nước tưới.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục