Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Điều 60 Luật BHXH

Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Điều 60 Luật BHXH

(SGGPO).- Sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 và Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Cho ý kiến về Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, không cần phải sửa Điều 60, vì “có sai mới sửa”, trong khi ĐB nhận thức rằng “Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, yêu cầu của người lao động (NLĐ) về việc được nhận BHXH một lần là có thật và chính đáng. Bà Thúy đề xuất giải quyết vướng mắc này bằng một nghị quyết của Quốc hội, mở ra cho NLĐ quyền lựa chọn. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết, nếu thấy thực sự cần điều chỉnh thì mới sửa luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu ý kiến tại phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Có cùng quan điểm với ĐB Thúy, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đề xuất Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng thực hiện Điểm a Điều 60; kéo dài thời hạn thực hiện luật cũ; tiến hành khảo sát, nghiên cứu đối với từng ngành nghề cụ thể để nâng dần tiêu chuẩn được nhận BHXH 1 lần…

Phát biểu về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói rõ: “Tôi chưa thấy ai đòi bỏ Điều 60; điều này đúng, nhưng chưa đủ. NLĐ phản ứng là vì Luật tước bỏ quyền lựa chọn hợp pháp của họ. Tôi xin nhấn mạnh là quyền lựa chọn, chứ chưa có nghĩa là NLĐ đã chọn hướng đó. Công tác xây dựng pháp luật phải quan tâm đến lợi ích của những cộng đồng dù là thiểu số. Trong khi đó, số người phản ứng quy định này lên đến hàng trăm ngàn người trên 5 tỉnh, thành miền Nam chứ không phải “nhóm rất nhỏ”. Tôi cho là không phải họ hành động vì thiếu hiểu biết”.

Tất nhiên, ĐB Nghĩa nói thêm, ông cũng thống nhất phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động, nhưng “không có tuyên truyền nào bằng việc chúng ta phải làm cho nền kinh tế phát triển hơn nữa, phát triển theo hướng để NLĐ thấy rằng nhận lương hưu là thực sự có lợi hơn”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu ý kiến tại phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) và nhiều ĐB khác đều có chung quan điểm đề nghị Quốc hội trao cho NLĐ quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu hàng tháng.

Phân tích cặn kẽ những khác biệt căn bản về tình hình thực tế và chính sách pháp luật của một số nước đã có quy định tương tự như Điều 60, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho biết: “Singapore không cho lãnh BHXH một lần thật, nhưng mỗi người đều có sổ riêng, hàng năm được tính lãi và không bị trừ chi phí quản lý nào cả. Nếu có lý do chính đáng, NLĐ được vay tiền từ quỹ này với lãi suất thấp. Còn ở Việt Nam, phí quản lý BHXH lớn”. Ông Tùng cũng thiên về phương án đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để bổ sung quyền lựa chọn của NLĐ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục