Sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Nên trao cho người lao động quyền lựa chọn

Không ngoài dự kiến, phiên họp toàn thể của Quốc hội về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vào ngày 27-5 đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), mặc dù tuyệt đại đa số đều bày tỏ tán thành đề nghị của Chính phủ trao cho người lao động quyền lựa chọn hoặc nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu.
Sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Nên trao cho người lao động quyền lựa chọn

Không ngoài dự kiến, phiên họp toàn thể của Quốc hội về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vào ngày 27-5 đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), mặc dù tuyệt đại đa số đều bày tỏ tán thành đề nghị của Chính phủ trao cho người lao động quyền lựa chọn hoặc nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu.

Quyền lựa chọn không có nghĩa là đã chọn

Về Điều 60 Luật BHXH năm 2014, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng không cần phải sửa Điều 60, vì “có sai mới sửa”, trong khi ĐB nhận thức rằng “Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn”. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, trong điều kiện hiện tại, yêu cầu của người lao động (NLĐ) về việc được nhận BHXH một lần là có thật và chính đáng và đề xuất giải quyết vướng mắc này bằng một nghị quyết của Quốc hội. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết, nếu thấy thực sự cần điều chỉnh thì mới sửa luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu: “Tôi chưa thấy ai đòi bỏ Điều 60; điều này đúng, nhưng chưa đủ. NLĐ phản ứng là vì luật tước bỏ quyền lựa chọn hợp pháp của họ. Tôi xin nhấn mạnh là quyền lựa chọn, chứ chưa có nghĩa là NLĐ đã chọn hướng đó. Công tác xây dựng pháp luật phải quan tâm đến lợi ích của cả những cộng đồng thiểu số. Trong khi đó, số người phản ứng quy định này lên đến hàng trăm ngàn người trên 5 tỉnh, thành miền Nam chứ không phải “nhóm rất nhỏ”. Các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) và nhiều ĐB khác đều có chung quan điểm đề nghị Quốc hội trao cho NLĐ quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu hàng tháng. “Tôi thấy khi xem xét điều luật này với tư cách một ĐBQH, tôi đã thiếu thực tiễn, chưa hiểu hết hoàn cảnh của mọi đối tượng chịu tác động của luật”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn tự phê bình.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường.

Mong “bấm nút” Luật Biểu tình vào kỳ họp cuối

Đó là tâm nguyện của nhiều vị ĐBQH khi cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Biểu tình vào kỳ 10, thông qua tại kỳ 11”. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cũng phát biểu: “Tôi hoàn toàn tán thành đưa vào chương trình dự án Luật Biểu tình. Luật này đưa ra càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, người dân rất muốn biểu lộ ý chí, nguyện vọng một cách hợp pháp”. 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng pháp luật. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) lưu ý, cần tránh tình trạng “dồn” quá nhiều dự án luật vào một cơ quan, như Nguyễn Văn Tuyết dẫn chứng năm 2016, theo chương trình dự kiến, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phải nghiên cứu, thẩm tra đến 6 dự án luật, chắc chắn sẽ quá tải.

Nên trao một số quyền điều tra cho Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán

Sáng 27-5, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương với 75 điều. Trong đó, đáng lưu ý là việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, ngay trong cơ quan thẩm tra cũng vẫn còn hai loại ý kiến. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Trong khi đó, một số ý kiến lại nhất trí với đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này…

ANH THƯ

Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Huỳnh Thành Lập:
Phải xét đến đặc trưng lao động nước ta

Trước hết phải khẳng định Điều 60 Luật BHXH là tiến bộ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước chăm lo cho người lao động (NLĐ) lâu dài, nhằm thực hiện chủ trương an sinh xã hội. Tuy nhiên ở các tỉnh phía Nam, một bộ phận NLĐ - tôi nghĩ rằng cũng không nhỏ đâu - có kiến nghị bổ sung thêm trong Điều 60 quyền lựa chọn của NLĐ được lĩnh BHXH một lần khi họ nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện về tuổi đời, chưa đủ điều kiện về đóng BHXH để có thể lĩnh lương hưu.

Phải thấy rằng đặc trưng của NLĐ phía Nam là gắn bó rất sâu sắc với đồng ruộng, nông thôn. Những năm khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, nhiều NLĐ không có việc làm, trở về làm nông; đến khi tình hình nền kinh tế khá lên họ trở về làm việc. Cũng có những người tuổi trẻ, 18 - 20 tuổi lên TP làm việc; 7 - 8 năm sau về quê lập gia đình, ổn định cuộc sống ở nông thôn bằng nghề nông; họ muốn có một số tiền nhỏ để khi về quê mở một cửa hàng, một tiệm may, hoặc chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống gắn bó với nông thôn. Đặc trưng của các tỉnh phía Nam là vậy. Bây giờ nếu không giải quyết cho những đối tượng này nhận BHXH một lần thì giả sử mới 25 tuổi, người ta phải đợi đến 30 năm nữa mới có thể nhận được một khoản tiền nhỏ.

Cho nên phải nói chính xác như thế này: chúng ta bổ sung vào Điều 60 quyền lựa chọn của NLĐ và chính bản thân họ sẽ tính toán xem cách nào có lợi nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình để quyết định. Không nên nói rằng NLĐ phản ứng vì “không hiểu được lợi ích lâu dài”, mặc dù vẫn cần tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Còn sửa bằng cách nào? Tôi nghĩ Quốc hội có thể ban hành nghị quyết, trong đó bảo lưu nội dung được lĩnh BHXH một lần như luật hiện đang còn hiệu lực.

Thực tế Quốc hội cũng đã từng làm tương tự, đó là ban hành nghị quyết cho phép TPHCM tạm thời giải quyết số người nghiện ma túy lang thang, không có địa chỉ rõ ràng vào các cơ sở cai nghiện tập trung.

ANH PHƯƠNG (ghi)

Oan sai là do cán bộ điều tra

Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tán thành sửa đổi luật này với nhiều quan điểm tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân như tinh thần của Hiến pháp mới, tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng, cần hết sức thận trọng trong nhiều quy định. Vì Bộ luật Tố tụng hình sự là để đưa Bộ luật Hình sự vào cuộc sống, nếu không thận trọng có thể gây tác động xấu đối với cuộc sống. “Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 vẫn tương đối ổn định. Đành rằng sửa luật để phù hợp với Hiến pháp, tuy nhiên phải cân nhắc. Hiện có khoảng 130.000 đối tượng có hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì vậy phải đặt vào tâm trạng của người dân mỗi khi ra đường sợ hãi số đối tượng này. Nếu bó tay bó chân các cơ quan tố tụng hình sự thì sẽ khiến tội phạm lộng hành. Tuy nhiên cũng không thể để oan sai”, ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu. Mặt khác, nếu vì một số ít vụ có thể oan sai mà không đề cao mục tiêu giữ bình yên cho xã hội thì lại đi ngược lại với chủ trương pháp trị. Vậy nên, sửa luật phải đảm bảo không được oan sai, nhưng cũng không được để cho tội phạm lộng hành.

ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) cho rằng, những gì còn ổn định nên giữ; những gì vi phạm quyền con người cần phải sửa. Theo ĐB Lê Đông Phong, nguyên tắc cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh tội phạm là xuyên suốt. Oan sai là do cán bộ điều tra làm sai nguyên tắc đó. Thực tế có những cán bộ nóng lòng, suy nghĩ lệch lạc về vụ án đó. Bị can chưa nhận tội nhưng cán bộ điều tra cho rằng đã chứng minh được tội phạm, vì vậy dẫn đến oan sai. Đó là do cán bộ. Vì vậy đừng vì một vài vụ oan sai mà phủ nhận sạch trơn, chỉ nên tiếp thu để chỉnh sửa những gì tiến bộ.

Trên tinh thần đó, cả hai ĐB Đỗ Văn Đương và Lê Đông Phong đều cho rằng, với quy định thực hiện ghi âm, ghi hình trong hỏi cung cần cân nhắc hết sức thận trọng theo hướng không nhất thiết lúc nào cũng phải ghi âm, ghi hình. “60% tội phạm là chứng cứ đầy đủ, không cần phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung. Còn nếu quy định ghi âm, ghi hình để tránh bức cung thì điều tra viên không dại gì ghi âm, ghi hình khi họ bức cung. Quy định này là rườm rà, không cần thiết, tốn kém, lãng phí, thêm thủ tục. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là cái tâm của điều tra viên. Sở dĩ có bức cung, nhục hình chủ yếu là bệnh thành tích, nôn nóng hoặc lỡ tay. Nếu có thì phải xử lý nghiêm”, ông Đỗ Văn Đương nêu.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, luật không nên quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bởi vì nó không cần thiết với tất cả các trường hợp. Ví dụ nhiều trường hợp bắt quả tang, nhận tội rồi thì không cần ghi. Chỉ nên ghi đối với một số trường hợp như tù chung thân, tử hình, chính trị hoặc trường hợp cần thiết khác. ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cũng chung quan điểm này.

NGỌC QUANG - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục