Chính quyền điện tử

Áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh, tiết kiệm - đây là thước đo sự hài lòng của người dân. UBND quận 1 (TPHCM) đã xác quyết nhiệm vụ như vậy khi triển khai xây dựng chính quyền điện tử.
Chính quyền điện tử

Áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh, tiết kiệm - đây là thước đo sự hài lòng của người dân. UBND quận 1 (TPHCM) đã xác quyết nhiệm vụ như vậy khi triển khai xây dựng chính quyền điện tử.

Ghi nhận ở nơi khởi đầu

Quận 1 không chỉ là địa phương đi đầu trong chương trình cải cách hành chính, mà còn là nơi khởi đầu xây dựng chính quyền điện tử. Tháng 10-2011, dư luận bất ngờ trước sự kiện Chủ tịch UBND quận 1, lúc bấy giờ là ông Trần Vĩnh Tuyến, gửi thư xin lỗi dân khi cán bộ thuộc quyền giải quyết hồ sơ hành chính không đúng hẹn. UBND quận 1 còn thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân bằng việc đề nghị người dân nhấn nút cho điểm đánh giá trình độ, thái độ làm việc của cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ khi đến UBND quận để làm các dịch vụ hành chính công. Luồng gió mới trong cải cách hành chính đã bắt đầu thổi mát. 

Người dân đến làm thủ tục hành chính ở UBND quận 1, TPHCM.

Chúng tôi vừa trở lại UBND quận 1, quan sát ở khu vực giải quyết các thủ tục hành chính. Quả là không quá lời, khi nói nơi đây như một khu lễ tân của một khách sạn hạng sang. Ngoài trời nắng nóng gắt, nhưng trong phòng mát mẻ do có máy lạnh, tạo cảm giác dễ chịu cho mọi người. Thấy một cụ ông chừng 70 tuổi vừa bước vào ngồi bên cạnh, chúng tôi hỏi chuyện. Cụ cho biết tên là Lâm Hữu Nghĩa, nhà ở quận 8, đến đây làm thủ tục tư pháp, trích lục giấy khai sinh. Gia đình đã có tin nhắn hẹn, nên đi đúng giờ. Quả nhiên mới trò chuyện được mấy câu, đã nghe thông báo mời cụ đến quầy số 7 để làm việc. Thật thù vị, chỉ khoảng 2 phút sau, cụ đã xong việc và ra về.

Việc cải cách hành chính và xây dựng mô hình chính quyền điện tử đã được quận 1 áp dụng rộng rãi từ quận đến các phường. Trong đó, cách làm sáng tạo ở phường Bến Thành có nhiều nét độc đáo, rất đáng được nhân rộng. Những tiến bộ về công nghệ thông tin được ứng dụng và khai thác hiệu quả. Người dân trong phường chỉ một lần  mang hồ sơ, giấy tờ liên quan của gia đình đến phường để sao lưu, bảo quản trên hệ thống dữ liệu chung. Mỗi khi có việc cần giải quyết thủ tục hành chính, người dân chỉ cần khai tên hay dùng dấu vân tay để giao dịch, làm thủ tục, chứ không cần ôm theo chồng giấy tờ, sổ sách như mọi lần. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân không chỉ nhanh gọn, minh bạch mà khỏe cho cả người dân lẫn cán bộ.

Sức sống của một chương trình lớn

Từ sự khởi đầu đầy thuyết phục và hiệu quả ở quận 1, nay cải cách hành  chính, xây dựng chính quyền điện tử  đã trở thành chương trình lớn của TPHCM. Với mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, chính quyền điện tử đã mang lại nhiều lợi ích, đối tượng được hưởng lợi không chỉ người dân mà cả chính quyền. Hiệu quả mang đến cho người dân là rút ngắn thời gian, thực sự minh bạch, hạn chế nhũng nhiễu. Chương trình đáng chú ý là việc cấp đổi giấy phép lái xe thông qua tổng đài điện tử mà Sở Giao thông Vận tải áp dụng. Tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe qua tổng đài điện tử trên đường Lý Chính Thắng (quận 3), những người làm thủ tục không chỉ có hộ khẩu ở TPHCM, mà còn ở nhiều tỉnh - thành khác.

Trước đây, khi xin cấp đổi giấy phép lái xe, người dân phải đi lại, chầu chực nhiều ngày, nay khi có nhu cầu thì chỉ cần thông qua tổng đài để hẹn ngày giờ đến làm thủ tục. Cách làm mới không chỉ tiện ích cho người dân mà còn giảm áp lực đối với cán bộ, nhân viên xử lý hồ sơ, cấp giấy phép. Tình trạng người dân tập trung đông, chen lấn đã chấm dứt. Nạn cò cấp đổi giấy phép lái xe, lừa lọc người dân làm giấy tờ cũng giảm hẳn.

TPHCM đang triển khai thực hiện chuyển văn bản, công văn giấy tờ qua mạng điện tử thay cho thư từ theo đường bưu điện truyền thống. Trước đây, văn bản công văn chỉ đạo từ UBND TP xuống các sở, quận -huyện hay báo cáo từ dưới lên, nếu chuyển nhanh thì mất cả ngày, còn chậm phải cả tuần. Việc chuyển công văn qua đường bưu điện không những chậm, mà còn tốn kém giấy mực. Chỉ trong một thời gian ngắn, với chương trình mới, UBND TP đã nối kết với 177 đơn vị đầu mối, từ các sở, quận, huyện đến các ngành, công ty liên quan. Theo số liệu từ UBND TP, đến tháng 7-2014 đã có trên 500.000 văn bản được trao đổi thông qua mạng điện tử.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục