Ngại sinh con

TPHCM nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Thực trạng này cho thấy một thế hệ phụ nữ trẻ ở đô thị đang ngại sinh con. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tâm lý này? Xu hướng
Ngại sinh con

TPHCM nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Thực trạng này cho thấy một thế hệ phụ nữ trẻ ở đô thị đang ngại sinh con. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tâm lý này?

Xu hướng

Trước đây, nước ta vẫn tự hào với cơ cấu “dân số vàng”. Theo thống kê năm 2011, nhóm dân số trẻ từ 10-24 tuổi chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Điều này đem lại lợi thế về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thế nhưng những năm gần đây tỷ lệ sinh lại giảm nhanh, đặc biệt là ở các đô thị. Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở TPHCM là 1,48, rất thấp so với ngưỡng bình thường, đưa TPHCM nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ số sinh thấp nhất trong cả nước.

Lý giải về thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ hiện đại đang có xu hướng trì hoãn sinh con. Theo số liệu của Tổng cục Dân số, năm 1999, mức sinh cao nhất ở phụ nữ lứa tuổi 20-24. Sau 10 năm, mức sinh cao nhất đã chuyển sang nhóm tuổi muộn hơn (25-29 tuổi) và kết thúc sinh khá sớm, trước 35 tuổi. Nhiều cặp vợ chồng tại TPHCM hiện nay chỉ sinh một con. Đó là điều đáng lo ngại bởi tỷ lệ sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số: Tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi nhóm dân cư trên 65 tuổi ngày càng tăng.

TPHCM có tỷ lệ sinh con thấp.

Ở các đô thị như TPHCM, tâm lý ngại sinh con được cho là do phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện ngoài xã hội, nhiều phụ nữ muốn thăng tiến, muốn dành thời gian nhiều hơn cho bản thân để đi du lịch, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nâng cao hiểu biết. Và tâm lý “già cậy con” cũng không còn được duy trì bởi nhiều người có thu nhập ổn định, có bảo hiểm cũng như tích lũy cho tuổi già nên họ không cần phải sinh thêm con để khi về già nhờ con chăm sóc.

Thiếu tự tin

Chị Đỗ Thị Kim Liên (quận 7) tâm sự: “Trước đây tôi làm việc ở một công ty liên doanh. Trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực, tôi sinh con. Sau khi nghỉ sinh, tôi trở lại làm việc thì bị cho nghỉ việc mà không được hưởng khoản trợ cấp nào. Cầm đơn đi phỏng vấn ở một số công ty khác, mọi người đều khuyên tôi đừng nói mình có con nhỏ. Giờ con tôi đã được 4 tuổi, thu nhập gia đình đã ổn định hơn, ông bà động viên sinh thêm đứa nữa nhưng nghĩ đến cảnh mất việc nên vợ chồng tôi đành gác lại”. Khác với chị Kim Liên, chị Thái Kim Oanh (quận 8) may mắn có công việc ổn định tại một trường tiểu học gần nhà, tuy nhiên chị cho biết, với đồng lương ít ỏi, gia đình lại đơn chiếc, ông bà nội lớn tuổi ở tận Thủ Đức, nên chị buộc phải gửi con về quê cho nhà ngoại trông giúp. Chị Oanh chia sẻ: “Gia đình mình không đủ khả năng thuê người trông trẻ, lại không dám gửi con vào nhà trẻ tư nên dù cháu đã được 2 tuổi nhưng vẫn phải để ở quê cho ông bà ngoại trông, có khi bận việc mấy tuần hai vợ chồng mới có thời gian về chơi với con được hai ngày nghỉ rồi lại phải về đi làm ”
.
Hiện nay để nuôi một đứa con học hành đến nơi đến chốn ở các thành phố lớn không hề đơn giản, với nhiều nhu cầu về dinh dưỡng cao hơn, con được học hành chất lượng tốt hơn, hưởng mức sống cao hơn đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ  cảm thấy áp lực và ngại sinh thêm con. Thêm vào đó, khi người phụ nữ hiện đại ngày càng có vai trò quan trọng bên ngoài xã hội, đồng nghĩa với việc họ phải gánh trên vai trách nhiệm với gia đình và công việc. Trong khi đó, xã hội mới chỉ tạo một phần điều kiện để họ phát huy vai trò ở bên ngoài, còn việc giảm gánh nặng ở gia đình vẫn còn bỏ ngỏ. Chưa kể, cuộc sống đô thị khiến nhiều phụ nữ có thu nhập ở mức trung bình không dám sinh thêm con vì phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là bị mất việc làm. Vợ chồng diễn viên Gia Bảo - Thanh Hiền cùng hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Chia sẻ về những khó khăn mà vợ mình đã trải qua, Gia Bảo cho biết: “Cũng như nhiều nữ nghệ sĩ khác, sau khi sinh con vợ tôi gặp rất nhiều khó khăn để trở lại với nghề diễn. Trong khi tôi tung hoành ngang dọc trên sân khấu thì vợ tôi lại lặng lẽ ở nhà chăm con và kiên trì tập thể dục để lấy lại vóc dáng. Đã có lúc vợ tôi nản lòng khi có đạo diễn mời cô ấy vào vai chính và trong khi vợ tôi đang hăng say luyện tập để nhanh chóng bắt tay vào công việc thì người ta lại lặng lẽ thay vai vợ tôi bằng một người khác”…

Để có thể cải thiện được vấn đề này ở các đô thị, giúp người phụ nữ tự tin trong chuyện sinh con và nuôi dạy con cái, ngoài các chế độ chính sách, còn cần rất nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng cũng như trong chính từng gia đình .


PHAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục