Sẽ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về lũ lụt ở Quảng Ninh

Vụ bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn: Trước chuyến đi công tác ở Mỹ, chưa đủ bằng chứng
Sẽ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về lũ lụt ở Quảng Ninh

(SGGPO).– Tối 31-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ  Nguyễn Văn Nên đã chủ trì họp báo Chính phủ và trả lời báo chí một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

- Phóng viên: Ngân hàng Thế giới (WB) công bố nợ công Việt Nam đến cuối năm 2014 là hơn 110 tỉ USD, vượt xa con số mà Bộ Tài chính trình trước Quốc hội. Hiện mỗi người dân Việt Nam đang gánh hơn 1.200 USD (hơn 26 triệu đồng) nợ công. Vì sao có sự khác biệt như vậy? Con số nợ công chính thức của Việt Nam là bao nhiêu?

>> Ông Nguyễn Văn Nên: Thay mặt Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014, tương đương khoảng 110 tỷ USD. Số liệu nợ công mà WB công bố cũng chính là số liệu do Bộ Tài chính cung cấp. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn theo quy định của Nghị quyết Quốc hội.

Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi, trong khi đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi, khiến người dân phải chịu thiệt hại. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc này?

Mục đích của gói 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ cho vay đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp.

Sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31-5-2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỷ đồng.

Vừa qua, báo chí phản ánh về tình hình một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh để xử lý nghiêm các vi phạm.

- Cử tri và người dân ở TP Biên Hòa, Đồng Nai tiếp tục cho biết, dự án lấn sông Đồng Nai đến giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định hiện “vẫn phải chờ kết luận của Thủ tướng”. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết vụ việc này?

Đối với dự án này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác liên ngành, tổ chức khảo sát thực địa, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan, kiểm tra toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án.

Qua kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng báo cáo đánh giá tác động của dự án, nhất là tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai cần được bổ sung, thẩm định lại. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là các tác động của dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý đối với dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét thành lập Hội đồng để thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 diễn ra ngày 31-7, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về nhều vấn đề xã hội cần chú ý. Gần đây nhất là sự mất mát của người dân Quảng Ninh qua cơn lũ lịch sử 50 năm mới có khiến nhiều người chết và mất tích. Thiệt hại ước tính lên đến 1.500 tỷ đồng. Hiện nay Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trực tiếp có mặt ở Quảng Ninh để chỉ đạo khắc phục hậu quả của tỉnh Quảng Ninh.

Sẽ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về lũ lụt ở Quảng Ninh ảnh 1

Dọn dẹp vệ sinh sau lũ ở Quảng Ninh

Chính phủ hết sức chia buồn với những mất mát, thiệt hại của người dân Quảng Ninh. Trước mắt Chính phủ chỉ đạo lo tập trung hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục thiệt hại. Sau đó phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bài học kinh nghiệm của vụ việc này”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Phan Thảo


Vụ bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn:
Trước chuyến đi công tác ở Mỹ, chưa đủ bằng chứng

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời báo chí về vụ việc bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn mà dư luận đang quan tâm.

Theo đó, ngày 19-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105 về việc cho thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công thương. Ông Sơn từng kinh qua nhiều vị trí trong tập đoàn, từng là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Cổ phần Đại Dương (OceanBank) khi Tập đoàn Dầu khí còn góp vốn trong ngân hàng này. Ngày 21-7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can và bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn vì những sai phạm khi nắm vai trò là Tổng giám đốc OceanBank.

Liên quan đến vụ bắt ông Nguyễn Xuân Sơn, báo chí chất vấn Quy trình bổ nhiệm cán bộ có vấn đề hay không, khi mà không phát hiện ra sai phạm, nhất là trước khi bị bắt vài tuần, ông Sơn vẫn tháp tùng Tổng Bí thư đi công tác tại Mỹ?

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, công tác bổ nhiệm cán bộ có những quy định khá đầy đủ để quản lý cán bộ. Để bổ nhiệm một cán bộ lên tới chức vụ cao như ông Sơn, quy trình khá chặt chẽ, có nhiều khâu, từng bước, có nhận xét, xem xét, thẩm định, đánh giá các tiêu chuẩn… Tức quy trình công khai, minh bạch, dân chủ, có ý kiến của nhiều tổ chức cũng như thẩm định của cơ quan chức năng. Nhưng quá trình đó đã không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một con người. “Không phát hiện hay không thể phát hiện, hay phát hiện nhưng không làm, điều đó sẽ được cơ quan điều tra làm rõ”, ông Nên cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, với trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn, dù quy trình chặt chẽ như vậy nhưng đã để lọt, hay nói cách khác là làm mà không có kết quả. Sai phạm chỉ phát hiện khi cơ quan điều tra thực hiện nghiệp vụ của mình. “Vụ việc của ông Nguyễn Xuân Sơn dù qua những quy trình chặt chẽ nhưng cuối cùng vẫn trót lọt. Còn tại sao ông Sơn vẫn đi công tác ở Mỹ, thì theo cơ quan điều tra, phải khi có đủ bằng chứng chứng minh sai phạm thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Trước khi đi Mỹ chưa đủ bằng chứng để ngăn chặn nên ông Sơn vẫn đi Mỹ bình thường”, ông Nên nói.

PHAN THẢO

- Vụ bắt ông Nguyễn Xuân Sơn không ảnh hưởng đến hoạt động của PVN

- Khởi tố, bắt giam cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn

Tin cùng chuyên mục