Niềm vui ngày đặc xá

Hôm nay 31-8, tại Trại giam An Điềm (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), Ban giám thị trại giam tổ chức trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân lễ Quốc khánh 2-9 cho 203 phạm nhân. Những đêm rồi, có nhiều người ở đây dường như không ngủ...
Niềm vui ngày đặc xá

Hôm nay 31-8, tại Trại giam An Điềm (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), Ban giám thị trại giam tổ chức trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân lễ Quốc khánh 2-9 cho 203 phạm nhân. Những đêm rồi, có nhiều người ở đây dường như không ngủ...

Thao thức ngày về

Trại giam An Điềm nằm giữa màu xanh của núi rừng xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Nơi đây, có những con người một thời lầm lỗi đang chấp hành hình phạt tù. Mỗi phạm nhân một hoàn cảnh khác nhau. Con đường sa ngã không giống nhau nhưng họ cùng chung niềm vui được trở về trước thời hạn sau những năm tháng cải tạo sau song sắt. Sự hồi hộp và vui sướng đang ánh lên trong từng ánh mắt, nụ cười của những phạm nhân khi ngày cuối cùng ở trại giam của họ đang dần khép lại.

Các phạm nhân tại Trại giam An Điềm được đào tạo nghề trước khi được đặc xá. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Anh N.V.B. (20 tuổi, quê Quế Thọ, Hiệp Đức, Quảng Nam) vốn là thanh niên hiền lành, chăm chỉ, nhưng một phút nông nỗi, anh phải lãnh bản án 4 năm tù về tội hiếp dâm. Thời gian trong trại, B. chuộc lại lỗi lầm bằng cách tích cực lao động, chấp hành nghiêm các quy định của trại. Trong thời gian cải tạo, tình cảm của gia đình qua những lá thư động viên là sợi dây gắn kết anh với cuộc sống bên ngoài. Những thay đổi trong anh cũng bắt đầu từ mong đợi của người thân. Đến nay, B. đã được giảm án 1 năm 6 tháng. Anh B. tâm sự: “Mấy ngày qua tôi mừng muốn khóc. Không đêm nào ngủ được. Qua thời gian ở đây, tôi có khái niệm rõ ràng về cuộc sống, tương lai của mình. Ở đây, tôi nhận được sự động viên của Ban giám thị, quản giáo trại giam. Mẹ tôi thường động viên để tôi cải tạo cho tốt”.

Anh Đ.N.Â. (26 tuổi, quê thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thụ án 8 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Bốn năm trong nhà giam, anh nhận rõ lỗi lầm của mình. Chính điều đó giúp anh nỗ lực cải tạo tốt để hôm nay được trở về với đời sống tự do, với mái ấm gia đình. Anh Â. nấc nghẹn: “Hôm nay được lăn tay rồi, ngày mai tôi thành người tự do rồi”. Anh được giảm án nhờ cải tạo, lao động tốt. Anh không thể quên vào một ngày giữa tháng 7 vừa qua, anh được cán bộ quản giáo thông tin mình được nằm trong danh sách xét đặc xá đợt này. Rồi cuối tháng 8, khi danh sách những người được đặc xá dán lên, anh vỡ òa cảm xúc, ôm mặt khóc nức nở khi thấy tên mình.

Đường về bớt gập ghềnh

Để các phạm nhân sớm hòa nhập cộng đồng, trước những ngày đặc xá, nhiều đơn vị đã phối hợp tổ chức các lớp học cung cấp những kiến thức cần thiết cho phạm nhân. Trong 3 tháng, các đơn vị đã tổ chức thành công được 2 lớp đào tạo nghề cho những phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Với hình thức dạy tập trung tại trại giam, các giáo viên đã nhiệt tình truyền đạt những kiến thức cơ bản về đọc, hiểu bản vẽ thi công công trình xây dựng dân dụng, quy trình thi công; kiến thức liên quan đến kết cấu nền móng, kết cấu công trình... Ngoài ra, các phạm nhân còn được trang bị các kỹ năng phục vụ quá trình làm việc trong nghề thợ hồ; giúp các phạm nhân có một công việc khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Qua 3 tháng, hầu hết các học viên đã thực hiện được các công việc của nghề thợ hồ như xây gạch, đá, lát, ốp, gia công, lắp dựng và tháo dỡ cốp pha, giàn giáo, sử dụng được các loại máy móc, dụng cụ và một số thiết bị chuyên dùng trong nghề nề hoàn thiện... Với sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên và học viên, kết quả có 60/60 học viên được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, trong đó có 14 học viên đạt loại giỏi, 46 học viên đạt loại khá.

Là một học viên của lớp nghề, anh P.P.P. đã bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ trại giam, các thầy giáo đã quan tâm chăm lo đến những người lầm lỗi như các anh, tạo điều kiện cho các anh sớm ổn định cuộc sống khi trở về hòa nhập cộng đồng. “Tôi thấy mình may mắn khi trước lúc ra trại lại có trong tay cái nghề. Từ những kinh nghiệm được học, sau này tôi sẽ áp dụng vào sản xuất, lao động làm việc nuôi sống bản thân, làm người có ích cho xã hội”, anh P. tâm sự.
Đại tá Trương Công Trĩ, Giám thị Trại giam An Điềm cho rằng, lớp đào tạo nghề là sự quan tâm của cộng đồng xã hội, là sự mong muốn của các phạm nhân cũng như sự mong đợi của thân nhân gia đình họ. Qua những lớp học này sẽ giúp các phạm nhân có nhận thức, hiểu biết về nghề nghiệp, từ đó mỗi phạm nhân sau khi hòa nhập cộng đồng sẽ làm tròn trách nhiệm của một công dân.

Anh Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh Niên tỉnh Quảng Nam, tâm sự: “Chúng tôi không chỉ đưa các bạn qua sông bằng một lần đò mà chúng tôi còn có thể tiếp tục đưa thêm những chuyến khác nếu như các bạn gặp những khó khăn, trắc trở về nghề nghiệp, việc làm trong cuộc sống sau này. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là khi được trở về với cộng đồng, các bạn phải tránh xa các tệ nạn xã hội, không để xảy ra tình trạng “ngựa quen đường cũ”, không tái phạm tội. Và các bạn cũng cần biết rằng, chúng tôi cũng như các tổ chức, cá nhân đã gắn bó với sự tiến bộ của các bạn, luôn dõi trông, luôn hy vọng và luôn tin tưởng các bạn”.

Trong ngày vui Quốc khánh 2-9, quê hương, người thân và cộng đồng xã hội đã mở rộng vòng tay nhân ái đón những người con một thời lầm lỡ trở về.

Trại giam An Điềm hiện có tổng cộng gần 2.000 phạm nhân, già có, trẻ có và đa phần xuất thân từ nông thôn. Từ khi bước vào trại, các phạm nhân được giáo dục bằng sự nghiêm khắc và tình thương của những cán bộ trại giam. Mỗi ngày ở trại giam là một ngày các phạm nhân nhận thêm bài học về cuộc sống, nghiêm khắc nhìn lại những lỗi lầm của chính mình. Hàng tuần, các phạm nhân lao động, học tập 40 giờ; được bố trí học nghề phù hợp. Qua thời gian chấp hành án phạt tù, mỗi phạm nhân được trại trang bị một nghề để có thể sống lương thiện.

QUANG QUỲNH - NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục