Người trưởng ấp tận tụy

Công tác tại công an xã suốt 13 năm, vì lý do gia đình, anh xin nghỉ việc. Sau đó về làm cán bộ văn hóa xã, rồi cũng vì việc gia đình, anh xin thôi công tác. Tại địa phương, bà con tín nhiệm bầu anh làm Trưởng ấp. Từ đó, anh Võ Thành Tâm, Trưởng ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM miệt mài với công tác dân vận, từ việc vận động bà con góp tiền xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo hiếu học đến hiến đất mở đường, xây đường, xây cầu, làm cống thoát nước…
Người trưởng ấp tận tụy

Công tác tại công an xã suốt 13 năm, vì lý do gia đình, anh xin nghỉ việc. Sau đó về làm cán bộ văn hóa xã, rồi cũng vì việc gia đình, anh xin thôi công tác. Tại địa phương, bà con tín nhiệm bầu anh làm Trưởng ấp. Từ đó, anh Võ Thành Tâm, Trưởng ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM miệt mài với công tác dân vận, từ việc vận động bà con góp tiền xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo hiếu học đến hiến đất mở đường, xây đường, xây cầu, làm cống thoát nước…

Men theo con đường lát đá, chúng tôi đến ngôi nhà của chị Lê Thị Mỹ Liên, thuộc ấp 1, xã Tân Nhựt. Vừa nhìn thấy anh Võ Thành Tâm, mọi người trong nhà mừng rỡ ra chào đón. Ngôi nhà mọc lên giữa những cánh đồng mênh mông của vùng nông thôn mới là kết quả quá trình vận động xây nhà tình thương của anh Tâm cho gia đình chị Liên hồi tháng 6-2013. “Chồng Liên bỏ nhà đi từ 10 năm trước, một mình Liên nuôi 2 đứa con trai, tiền ăn cũng không có nói chi là xây nhà”, bà Phan Thị Ba, 65 tuổi, mẹ chị Liên, kể.

Anh Võ Thành Tâm (bên phải) thăm hỏi gia đình được hỗ trợ xây nhà tình thương

“Mỗi lần mưa gió là con với em và mẹ chạy qua nhà hàng xóm trú, sợ mưa to, gió giật làm nhà bị sập. Có hôm mẹ đi làm, nhà chỉ có 2 anh em, con sợ quá chừng mà không biết làm sao”, cháu Võ Minh Hiếu, con chị Liên, học sinh lớp 11 Trường THPT Tân Túc, tâm sự. Ngôi nhà trước đây chị Liên sống được mẹ ruột cho đất, cất lên cái chòi tạm vỏn vẹn 30m², chỉ để vừa một chiếc giường với vài món lặt vặt nấu bếp. Chị Liên làm công nhân tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, ban ngày tần tảo đi làm, ban đêm về chăm lo 2 đứa nhỏ còn chưa xuể. Năm này qua tháng nọ, cái chòi nhỏ dần xuống cấp, mẹ con chị Liên không biết làm gì ngoài việc chịu đựng. Từ ngày được anh Tâm vận động 40 triệu đồng xây dựng nhà cửa khang trang, chị Liên cũng an tâm đi làm kiếm sống. Bà Ba, mẹ chị Liên xúc động: “Gia đình tôi biết ơn chú Tâm lắm! Nhờ có chú Tâm mà nhà cửa, cuộc sống được ổn định”.

Nhờ anh Võ Thành Tâm thường xuyên gần gũi bà con để vận động thuyết phục, nên nhiều gia đình tự nguyện hiến đất mở các tuyến đường Trương Văn Đa, đường Bà Tỵ, đê bao chống lũ 124, đê bao chống lũ 126 để xã tiến lên xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, nhận thấy đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, suốt 4 năm qua, anh Tâm thường xuyên vận động chủ nhà trọ trong địa phương giữ vững giá thuê phòng, giá điện, giá nước đúng quy định nhà nước để đời sống công nhân bớt phần cơ cực. Chị Nguyễn Bé Thảo, 23 tuổi, quê ở Cà Mau lên TPHCM làm công nhân được 6 năm cho hay, nhờ mức chi phí thuê phòng trọ được bình ổn nên gia đình chị cũng đỡ vất vả hơn, mỗi tháng chị còn có thể tích góp tiền nuôi con nhỏ và gửi về gia đình ở quê. Ông Nguyễn Văn Tiến, 79 tuổi, chủ dãy nhà trọ tại địa chỉ A5/140 ấp 1, xã Tân Nhựt, nhận xét: “Tâm là một cán bộ tình cảm, được nhân dân tín nhiệm, tuổi nhỏ nhưng làm việc đúng đắn, giúp ích rất nhiều cho bà con trong vùng”.

Chia sẻ về quá trình của mình, anh Võ Thành Tâm tâm sự, thuở nhỏ gia đình rất nghèo, hiểu được tình cảnh khốn khổ của những hộ dân hoàn cảnh đặc biệt nên anh cố gắng dốc sức mình, hỗ trợ bà con đỡ khó khăn phần nào thì hay phần đó mà thôi. Bà Phan Thị Ba, mẹ chị Lê Thị Mỹ Liên, quả quyết: “Sau này chú Tâm có “về hưu”, người dân tụi tui cũng không cho nghỉ đâu, phải bắt chú Tâm làm trưởng ấp hoài để chúng tôi được chăm lo tận tụy”.

KHIẾT NHUNG

Tin cùng chuyên mục