Lính cứu hỏa vật lộn với ngập

Kịp thời di chuyển 1.230 xe máy, gần 120 ô tô, tránh hư hỏng; cứu giữ hàng trăm tài sản giá trị tiền tỷ; bơm tiêu hàng ngàn mét khối nước tại 44 điểm ngập từ 1 - 2m, không để sự cố đáng tiếc, thương vong về người xảy ra… là những chiến công mà những người lính cứu hỏa TPHCM đã lập được trong việc hỗ trợ người dân đối diện với trận mưa lịch sử, gây ngập cục bộ những ngày qua. Để làm được vậy, không ít chiến sĩ đã phải nhịn ăn, dầm nước làm việc thâu đêm…
Lính cứu hỏa vật lộn với ngập

Kịp thời di chuyển 1.230 xe máy, gần 120 ô tô, tránh hư hỏng; cứu giữ hàng trăm tài sản giá trị tiền tỷ; bơm tiêu hàng ngàn mét khối nước tại 44 điểm ngập từ 1 - 2m, không để sự cố đáng tiếc, thương vong về người xảy ra… là những chiến công mà những người lính cứu hỏa TPHCM đã lập được trong việc hỗ trợ người dân đối diện với trận mưa lịch sử, gây ngập cục bộ những ngày qua. Để làm được vậy, không ít chiến sĩ đã phải nhịn ăn, dầm nước làm việc thâu đêm…

Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ bơm tiêu nước chống ngập tại một nhà hàng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận

Trắng đêm chống ngập

19 giờ tối 26-9, trời vẫn mưa lớn, đường Phan Xích Long qua hai phường 2 và 7 (quận Phú Nhuận) nước ngập sâu gần nửa mét. Trên đường, xe chết máy nằm la liệt. Tại các tòa nhà Đức Nhân, nhà hàng Chú Lùn, Ngân hàng Vietbank…, nước từ trên đường mấp mé vạch ngăn nước xuống hầm. Nhận tin báo, 41 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Bình Thạnh tức tốc có mặt tại hiện trường. Dưới sự chỉ huy của Thượng tá Huỳnh Văn Tâm,  Phó phòng, hàng chục chiến sĩ nhanh chóng chia thành nhiều tổ, người di chuyển xe máy ra khỏi hầm, người khiêng vác máy móc, tài sản có giá trị lên các tầng trên; một tổ khác khởi động máy bơm, nhóm còn lại kéo ống nối từ hầm đến các vị trí chưa bị ngập.

Ở tòa nhà Đức Nhân, khi tổ hỗ trợ di chuyển tài sản vừa đưa hết xe máy ra khỏi hầm cũng là lúc nước trên đường tràn xuống hầm như thác. Trong chốc lát, tầng hầm rộng hàng chục mét vuông biến thành hồ nước. Lúc này, các chiến sĩ lại hì hục bơm nước, kéo ống. Đến 20 giờ 30, tầng hầm ở các trụ sở doanh nghiệp, nhà hàng nói trên nước ngập gần cả mét, có nơi gần 1,5m và có khả năng ngập sâu hơn, dù lực lượng cứu hộ vẫn tích cực bơm tiêu nước. Trước tình hình trên, 30 cán bộ, chiến sĩ thuộc hai Phòng Cảnh sát PCCC quận 3 và quận Gò Vấp được Cảnh sát PCCC TPHCM tăng cường đến hỗ trợ bơm tiêu nước. Đến 22 giờ, khi lượng nước trong các tầng hầm giảm hơn 2/3, nhiều chiến sĩ mới nghỉ mệt, lót dạ bằng bánh mì.

Tại quận Bình Tân, đến 1 giờ sáng 27-9, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC quận này vẫn liên tục vật lộn với nước ngập. Lính cứu hỏa vừa dùng bao tải ngăn nước chảy từ quốc lộ 1A xuống hầm chui Tân Tạo vừa bơm tiêu nước ra khỏi hầm. Trực tiếp chỉ đạo cứu hộ tại đây, Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, cho biết: “Việc bơm tiêu nước gặp rất nhiều khó khăn do các tuyến đường xung quanh đều ngập nặng, không có nơi thoát. Trong hầm rác thải nhiều, máy bơm liên tục bị nghẹt. Dù vậy, cán bộ, chiến sĩ vẫn nỗ lực bơm nước suốt đêm để hút toàn bộ nước ra khỏi hầm, tránh nguy hiểm cho người qua lại trong đêm. Việc bơm tiêu nước sạch trong hầm diễn ra đến rạng sáng 27-6 để đến sáng giao thông trên quốc lộ 1A qua khu vực này không bị ùn ứ, kẹt xe, vì vào giờ cao điểm có hàng ngàn công nhân qua lại hầm để làm việc ở Khu công nghiệp Tân Tạo và Công ty Pouyuen”.

Không để tai nạn xảy ra

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết đến hết ngày 27-9, công tác cứu hộ chống ngập trong trận mưa lịch sử ngày 26-9 của các đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM mới kết thúc. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, việc cứu hộ chống ngập không kém phần quan trọng như chữa cháy, vì ở đó luôn phát sinh nhiều mối nguy hiểm, nếu lực lượng cứu hộ không can thiệp, hỗ trợ kịp thời, các sự cố, tai nạn đáng tiếc như đuối nước, điện giật… có thể xảy ra và hậu quả rất khó lường. “Ý thức được mối nguy hiểm rình rập người dân như vậy nên lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu, không cho phép mình để xảy ra bất cứ một sai sót nào. Khi nhận tin, ngoài việc xuất xe, di chuyển nhanh, lực lượng cứu hộ cũng đã tỉnh táo ứng phó khéo léo, hợp lý trước các tình huống. Ở tầng hầm các tòa nhà cao tầng và nhà dân bị ngập, khi tiếp cận, lính cứu hộ kịp thời phong tỏa nguồn điện, nguồn nhiệt, di chuyển các tủ điện, ổ điện ra khỏi khu vực ngập. Nhờ vậy, tai nạn không xảy ra, thiệt hại được kéo giảm”, Đại tá Lê Tấn Bửu nói.

 Xử lý nước ngập tầng hầm, nhà hàng

Từ thực tế công tác cứu hộ tại 5 điểm ngập (tầng hầm nhà cao tầng, nhà hàng) trên đường Phan Xích Long, Đại tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh, lưu ý chủ nhà dân, đặc biệt đơn vị quản lý, khai thác các tòa nhà cao tầng thường xuyên bị ngập khi có mưa, triều cường cần lắp đặt thiết bị ngăn nước di động để giảm ngập; không để các tủ điện, ổ điện dưới tầng hầm để tránh bị chạm chập điện, điện giật, cháy nổ xảy ra; không để tài sản có giá trị dưới tầng hầm, cần trang bị máy bơm, họng tiêu thoát nước để giảm ngập. Đặc biệt phải chủ động di dời tài sản ra khỏi hầm, kho khi thấy nhà có nguy cơ ngập…


TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục