Chăm lo nhiều hơn cho người cao tuổi

Chăm lo nhiều hơn cho người cao tuổi

Hiện nay, tốc độ già hóa của dân số nước ta diễn ra nhanh hơn so với các nước. Điều này đặt ra nhiều thách thức về các mặt kinh tế, xã hội và văn hóa.

Nhiều con cái hoặc không muốn sống với bố mẹ hoặc vì điều kiện sinh sống, không thể sống cùng hoặc sống gần bố mẹ để tiện chăm sóc. Người cao tuổi khi đó rất dễ rơi vào tình trạng sống cô đơn vì chỉ có hai vợ chồng già. Phần lớn người cao tuổi có nhu cầu cao về giao tiếp, giải trí, thụ hưởng văn hóa với những hình thức phù hợp. Trong khi hiện nay ở nước ta, các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, nhất là hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí. Tổng thư ký Liên hiệp quốc từng cảnh báo: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn tác động lan tỏa tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng được biết đến” (UNFPA, 2012).

Đo loãng xương cho người cao tuổi. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L

Tôi xin nói ở khía cạnh tích cực của người cao tuổi. Khi có chính sách an sinh xã hội phù hợp thì người cao tuổi vẫn khỏe mạnh và vẫn có thể tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình. Trong chuỗi chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, tôi xin đề cập đến vấn đề quyền được hưởng thụ văn hóa, giải trí phù hợp cho người cao tuổi. Cụ thể là hình thành các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cho người cao tuổi. Trong đó, thiết kế nhiều loại hình văn hóa phù hợp cho phụ nữ người cao tuổi, vì tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam cao hơn 5 năm so với nam giới, điều này cũng đồng nghĩa là số người cao tuổi là phụ nữ sẽ đông hơn người cao tuổi là nam.

Theo tôi biết, ngoài tỉnh Bến Tre thì chưa tỉnh, thành nào trong cả nước có nhà văn hóa dành riêng cho người cao tuổi, trong khi nhu cầu xã hội là có thật và rất lớn. Đặc biệt tại TPHCM, nơi có đông người cao tuổi sinh sống. Vì vậy, nhà văn hóa sẽ là nơi mà người cao tuổi có thể tìm thấy những nét văn hóa truyền thống, ở đó người cao tuổi mới tự tin tham gia sinh hoạt các loại hình văn hóa phù hợp với lứa tuổi, sở thích của mình. Đó cũng là nơi để người cao tuổi có thể học hỏi, trang bị thêm một số kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Hoặc đến nhà văn hóa chỉ là nhằm thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ bạn già để trò chuyện, giao lưu... Được tham gia các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa sẽ giúp cho người cao tuổi có cuộc sống tinh thần vui vẻ, làm chậm quá trình lão hóa về tư duy, di chuyển linh hoạt hơn, giảm bớt bệnh tật phát sinh do tuổi già, giảm áp lực chăm sóc cho với con cháu, đặc biệt là giảm gánh nặng cho xã hội đối với các chi phí dịch vụ khác liên quan đến sức khỏe.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ KHÁNH TÂM
(Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức TPHCM)

Tin cùng chuyên mục