Con hư tại ai?

Hầu hết mọi đứa trẻ đều hiếu động, một số lại khá bướng bỉnh. Nhiều phụ huynh thường cho rằng, trẻ bướng bỉnh hay nghịch phá là hư. Tuy nhiên, một đứa trẻ không vâng lời chưa hẳn là đứa trẻ hư và có nhiều trường hợp đến lúc con hư thực sự bố mẹ mới ngỡ ngàng, không hiểu trẻ đã vượt xa vòng tay mình từ lúc nào.
Con hư tại ai?

Hầu hết mọi đứa trẻ đều hiếu động, một số lại khá bướng bỉnh. Nhiều phụ huynh thường cho rằng, trẻ bướng bỉnh hay nghịch phá là hư. Tuy nhiên, một đứa trẻ không vâng lời chưa hẳn là đứa trẻ hư và có nhiều trường hợp đến lúc con hư thực sự bố mẹ mới ngỡ ngàng, không hiểu trẻ đã vượt xa vòng tay mình từ lúc nào.

Vì đâu nên nỗi

Có quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, ý chỉ sự nuông chiều khiến đứa trẻ ham chơi, hay đua đòi.  Đã có lúc dư luận đổ lỗi cho sự chồng chéo giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nhân cách trẻ đang bị thoái hóa. Theo TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn tội phạm học, Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TPHCM, độ tuổi vi phạm pháp luật được ghi nhận ở trẻ bắt đầu từ 14 tuổi, tức trùng khớp với giai đoạn dậy thì khi trẻ phải chịu tác động bởi những biến đổi vượt bậc về thể chất và tinh thần. TS Lê Nguyên Thanh cho rằng: “Sự xa rời giữa các thành viên trong gia đình là yếu tố đầu tiên. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên mâm cơm tối hay cùng nhau chuyện trò thực sự đã trở nên hiếm hoi trong đời sống hiện đại. Tôi đã chứng kiến những gia đình không có thời gian ngồi cùng nhau lấy 30 phút. Nếu có thì mẹ xem tivi, bố ôm máy tính, con thì smart phone. Nhiều gia đình không xem trọng việc chia sẻ với nhau những việc họ đã làm trong ngày, những khó khăn đang mắc phải, thậm chí cả những điều không vừa ý với các thành viên trong gia đình. Khi những nỗi buồn, vướng mắc tích tụ lại lâu ngày dễ hình thành nên việc muốn giải quyết theo hướng tiêu cực”.

Sau yếu tố gia đình, chuyên gia cho rằng ở thời đại của truyền thông đại chúng như hiện nay bất cứ vấn đề gì cũng được đưa lên mạng, trong khi trẻ lại là đối tượng thường xuyên sử dụng và ít khả năng sàng lọc thông tin đúng sai, tốt xấu. Thêm vào đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng sống. Hầu hết trẻ khi phạm tội đều không nghĩ và không biết đến hậu quả. Nhiều trẻ nghiện game, sống trong thế giới ảo và không phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo.

Đừng vội trách phạt khi trẻ không vâng lời mà hãy trò chuyện, chia sẻ cùng con

Cùng con vượt qua khủng hoảng

Trẻ em vốn được xem là tờ giấy trắng, lúc mới lọt lòng mọi đứa trẻ đều trong sáng như nhau. Bắt đầu từ khi trẻ khám phá thế giới xung quanh bằng nhận thức non nớt của mình sự phát triển của trẻ đã phản ánh những gì trẻ thu nạp được. Tạm phân trẻ hư thành hai nhóm: Trẻ không vâng lời hay phản kháng với bố mẹ thầy cô, gây hấn với bạn bè, dễ bị cuốn vào những mâu thuẫn nghiêm trọng và nhóm trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt cho đến khi trẻ hành xử cực đoan với một vấn đề bất chợt gặp phải. Để giúp những “tờ giấy trắng” được vẽ lên gam màu tươi sáng của cuộc sống gia đình được xem là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong sự phát triển nhân cách cũng như bảo vệ trẻ khỏi những tác động xấu từ bên ngoài và giúp trẻ xử lý khủng hoảng.

 

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007-2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 trẻ vi phạm pháp luật hình sự. Điều đáng nói, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, không ít những vụ án gây rúng động dư luận do những người trẻ có học thức và nhân thân tốt thực hiện.

 

 Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân: “Trẻ không vâng lời là một biểu hiện bình thường của tính độc lập, tự chủ cao và thái độ cương quyết đến cùng. Không phải trẻ muốn cãi lời bố mẹ mà vì điều trẻ cho là đúng lại đi ngược với quan điểm của phụ huynh. Trẻ em hay bắt chước và làm theo người lớn, vì thế những điều trẻ đã từng trông thấy cha mẹ làm khác hẳn với điều trẻ được dạy, khiến những trẻ bướng bỉnh hay phản ứng. Từ cách hành xử và dạy con thiếu nhất quán này phụ huynh dễ mất đi lòng tin của con trẻ”. Ngoài ra, những phản kháng với người lớn có thể xuất phát từ nguyên nhân trẻ muốn gây chú ý với bố mẹ vì cảm thấy mình không được quan tâm.

Bắt đầu từ 3 tuổi hay còn gọi là khủng hoảng tuổi lên 3 các bậc phụ huynh nên đặc biệt chú ý đến những biểu hiện bướng bỉnh của trẻ, tìm ra nguyên nhân để khắc phục thay vì la mắng. Ngay cả khi con bạn là một đứa trẻ ngoan biết vâng lời thì việc dành thời gian chia sẻ, làm bạn cùng con cần được đưa vào danh sách những việc bắt buộc phải làm hàng ngày. Hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị một hành trang kiến thức, kỹ năng sống và mối dây liên kết bền chặt giữa con với các thành viên trong gia đình. Đó chính là lớp vỏ bảo vệ an toàn giúp trẻ chống chọi với những yếu tố xung quanh khi bước vào vòng quay phát triển tự nhiên của lứa tuổi. Ở giai đoạn dậy thì, khi trẻ ham thích khám phá bản thân và những điều mới lạ, bị thu hút bởi người khác giới, giảm gắn bó với bố mẹ và thích kết giao với bạn bè đồng trang lứa, khi ấy nếu được chuẩn bị tốt trẻ vẫn đủ khả năng để nhận biết những việc cần và không nên làm, đủ tin tưởng và sáng suốt để tìm sự giúp đỡ đúng người khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.

PHAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục