Để những ngày tết còn đọng lại

Nhịp sống công nghiệp khiến cảnh tượng những đứa trẻ quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói đã lùi vào dĩ vãng ở nơi phố thị. Ngày nay, những dịch vụ tiện lợi cho ngày xuân đã hỗ trợ rất nhiều cho người phụ nữ hiện đại trong việc đón tết. Nhưng nhiều người không khỏi băn khoăn, khi những ngày tết qua đi, điều gì sẽ còn đọng lại trong ký ức của trẻ nhỏ?
Để những ngày tết còn đọng lại

Nhịp sống công nghiệp khiến cảnh tượng những đứa trẻ quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói đã lùi vào dĩ vãng ở nơi phố thị. Ngày nay, những dịch vụ tiện lợi cho ngày xuân đã hỗ trợ rất nhiều cho người phụ nữ hiện đại trong việc đón tết. Nhưng nhiều người không khỏi băn khoăn, khi những ngày tết qua đi, điều gì sẽ còn đọng lại trong ký ức của trẻ nhỏ?

Xuân muôn màu 

Những ngày giáp tết, trên mạng xã hội, người ta thấy không ít phụ nữ trẻ than thở về áp lực ngày tết, thậm chí nhiều người còn muốn “trốn tết”, một số gia đình trẻ còn lên kế hoạch trước đó cả tháng để đi du lịch. Những người hoài cổ thì nuối tiếc không khí tết xưa, những ngày tết cổ truyền đang bị phôi pha. Thế nhưng, trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, dù khá bận rộn nhưng có rất nhiều người đã chọn được cho mình những ngày tết vui và có ý nghĩa. Chị Lê Như Mai (quận 3, TPHCM) chia sẻ, hai vợ chồng chị đều là dân thành phố, nên tết nào cũng quanh đi quẩn lại thăm hỏi bà con, bạn bè, năm nào dư giả thì đi du lịch xa. Năm nay cháu lớn nhà chị vào đại học, nhà trường tổ chức đi “Xuân tình nguyện” ở vùng sâu vùng xa. Ban đầu chị định không cho con đi, nhưng nghĩ lại mọi năm cứ nghe con than tết chán, nên chị đồng ý. Chị kể: “Con bé đi về  líu lo cả ngày, bảo đi tình nguyện vui lắm, được học gói bánh chưng, bánh tét, ngồi canh bánh chín rồi  ca hát, tổ chức trò chơi cho các bé thiếu nhi, phát quà từ thiện cho đồng bào nghèo và cháu thấy tết ý nghĩa và thú vị hơn rất nhiều. Nhìn lại, tôi cũng thấy từ hồi dọn vào nhà mới ở chung cư gia đình tôi cũng không còn gói bánh nữa, bọn trẻ kêu “tết chán” cũng là do mình một phần”.

Các bạn trẻ tham gia gói bánh chưng trong chương trình “Xuân tình nguyện”

Bên cạnh chương trình “Xuân tình nguyện” còn nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được tổ chức trong dịp tết này, như chương trình “Nhà sạch đón tết” do Lãnh sự quán Nam Phi tổ chức và Công ty Bảo hiểm Viễn Đông tài trợ chi phí thực hiện, với sự tham gia tình nguyện của hàng ngàn sinh viên đến từ các trường Đại học HUFLIT, Đại học Kinh tế, Đại học Mở TPHCM…  Các bạn trẻ tham gia công việc dọn vệ sinh nhà cửa để đón xuân cho các hộ dân neo đơn. Chương trình “Gói bánh - Gói trọn yêu thương” của nhóm thiện nguyện Ươm mầm tương lai cũng được tổ chức 6 năm qua với 1.000 chiếc bánh chưng tặng người nghèo trong tết này.

Gắn kết và sẻ chia

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết đến là “cuộc chiến” giữa người giúp việc nhà và chủ nhà trở nên căng thẳng, nhiều gia đình phải chấp nhận trả công cả triệu đồng một ngày để níu người giúp việc ở lại mấy ngày tết. Ngoài ra, các dịch vụ cho ngày tết như dọn dẹp nhà cửa, giữa trẻ em, trông người già, nấu mâm cỗ cúng… cũng khá đắt khách.

 

 TS Lê Thị Ngọc Điệp, Phó trưởng khoa Văn hóa học (Đại học Khoa học - xã hội và Nhân văn TPHCM), cho rằng, ngày nay người phụ nữ không đơn độc trong các hoạt động xã hội cũng như công việc gia đình với nhiều dịch vụ tiện ích giúp cho việc nhà trở nên dễ dàng hơn. Nhưng có một việc mà không máy móc hay công ty nào thay thế được đó là vai trò liên kết gia đình, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống của người phụ nữ. Họ có thể lựa chọn các dịch vụ hoặc yêu cầu sự chia sẻ từ chồng, con. Chính người phụ nữ sẽ là người quyết định lựa chọn những điều phù hợp nhất với gia đình mình nhưng vẫn giữ được mối dây liên kết của các thành viên, của niềm vui sum họp và cái hồn của tết.

 

Thế nhưng, rất nhiều gia đình vẫn khéo thu xếp để giữ được nếp truyền thống xưa. Chị Nguyễn Thị Hải Âu, công tác tại HTVC Phim cho biết, ngày tết hai vợ chồng chị đều bận rộn với công việc cơ quan, cộng thêm việc buôn bán online nhưng chị vẫn không nhờ đến dịch vụ tết vì “chị có con gái”. Chị chia sẻ: “Mình có con gái, nên muốn con được nhìn thấy, tập làm những công việc ngày tết, biết ý nghĩa của việc tỉa từng chiếc lá, từng cành hoa chưng trên bàn thờ, biết niềm vui của việc cả nhà cùng nhau lau dọn nhà cửa, quét sân, để bé sống trong không khí gia đình đầm ấm của những ngày tết”. Chị Mai Hoa (quận Phú Nhuận), có con gái từng du học về, khoe: “Năm nay mình rất bất ngờ với con gái. Những tết trước mọi việc đều do mẹ lo, còn năm nay cháu chủ động lên kế hoạch tết cho mọi thành viên trong gia đình: khi nào cùng dọn dẹp nhà cửa, khi nào thì đi thăm nội ngoại. Cháu còn rất khoa học viết một danh sách, kể cả việc chọn quà để biếu ông bà”. Tết này, vợ chồng diễn viên Gia Bảo - Thanh Hiền chỉ có ba ngày 27, 28, 29 để đón tết, vì từ mùng 1 cả hai đã kín lịch biểu diễn. Chị Hiền cho biết: “Bạn bè cũng giới thiệu cho tôi nhiều dịch vụ ngày tết tiện lợi nhưng nhiều năm nay, cứ đến tết là cả nhà tôi lại quây quần bên nhau dọn nhà, gói bánh, lau dọn bàn thờ, đi chợ, nấu ăn, cúng ông bà… dần thành nếp rồi. Mình cũng muốn các con có một ký ức đẹp về tết cổ truyền nên dù vất vả một chút nhưng cả nhà cùng san sẻ cho nhau thì cũng xong và mọi người đều có một cái tết đầm ấm”.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục