Bài 6: Nhận diện yếu kém để có giải pháp đột phá về giao thông

Để giải quyết có hiệu quả các vấn đề về giao thông hiện nay của TPHCM cần phải nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó có giải pháp thật sự đột phá. Còn nếu xây dựng các giải pháp như cũ, chung chung, không có gì mới thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đây là nhận định chung của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông TP về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Đặt trong bối cảnh TPHCM hội nhập quốc tế sâu như hiện nay, bài toán giao thông TPHCM nên giải quyết như thế nào để đáp ứng nhu cầu, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Bài 6: Nhận diện yếu kém để có giải pháp đột phá về giao thông

Đột phá - Bắt đầu từ đâu?

Để giải quyết có hiệu quả các vấn đề về giao thông hiện nay của TPHCM cần phải nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó có giải pháp thật sự đột phá. Còn nếu xây dựng các giải pháp như cũ, chung chung, không có gì mới thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đây là nhận định chung của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông TP về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Đặt trong bối cảnh TPHCM hội nhập quốc tế sâu như hiện nay, bài toán giao thông TPHCM nên giải quyết như thế nào để đáp ứng nhu cầu, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? 

Thanh niên xung phong tham gia điều tiết, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Việt Dũng

* TS-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, Chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đô thị: Kết hợp phát triển giao thông với phát triển kinh tế và đô thị

Giao thông TPHCM hiện nay rất hỗn loạn, không tuân theo luật lệ, không đồng bộ và ít thuận tiện. Thực tế này đã kìm hãm sức phát triển của TPHCM về nhiều mặt. Cụ thể là tình trạng tắc nghẽn giao thông trong và ngoài giờ cao điểm tại các tuyến giao thông huyết mạch, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Giao thông TPHCM hiện lệ thuộc quá nhiều vào giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy; trong khi việc phát triển giao thông công cộng đang bị bế tắc vì hiện trạng và vì thiếu vốn. Trước kia, nguồn lực đầu tư dựa vào nguồn đổi đất lấy hạ tầng, nhưng khi nguồn đất dần cạn thì các dự án phải làm sao tạo được hiệu quả kinh tế nhằm tạo nguồn vốn từ đó, để phát triển giao thông. Việc lập và thực hiện kế hoạch phát triển đô thị phải song hành với phát triển giao thông để có thể có giải pháp thu hồi vốn đầu tư hạ tầng, xoay vòng vốn nhằm tái đầu tư cho các khu vực lân cận khác, tạo sức mạnh lan tỏa phát triển.

Sắp tới, cần kết hợp phát triển giao thông với phát triển đô thị và phát triển kinh tế. Hiện nay, hệ thống giao thông TPHCM được tổ chức còn chắp vá, thiếu kết nối để tạo giá trị cộng hưởng. Ví dụ, cầu và đường cao tốc làm xong lại chưa sử dụng được vì thiếu đường dẫn vào, hoặc khu đô thị mới thiếu kết nối với các trung tâm, các khu đô thị hiện hữu lân cận để làm tăng giá trị dự án. Hệ thống giao thông thiếu sự tích hợp và chuyển tiếp thuận tiện giữa các loại hình giao thông đường  bộ, công cộng, đường thủy và hàng không. Tất cả các vấn đề này cần phải được đặt ra nghiên cứu, tính toán, xử lý. Cần phát triển giao thông có kế hoạch tạo hiệu quả kinh tế. Nên phát triển các khu đô thị khu ngoại vi trước, kết nối tốt với khu nội ô, nhằm chuyển áp lực giao thông ra khỏi khu trung tâm. TPHCM cần được sự tự chủ về quản lý và được giao ngân sách cao hơn, đủ để phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, ít phụ thuộc hơn vào chính quyền trung ương về mặt quản lý đô thị và quản lý giao thông. 

* Ông LÂM THIẾU QUÂN, đại biểu HĐND TPHCM: Giải phóng lòng lề đường sẽ giải quyết đáng kể kẹt xe

Trong lúc chờ thực hiện các giải pháp lớn, việc có thể làm ngay, theo tôi nghĩ là giải quyết tình trạng buôn bán, đậu xe chiếm dụng lòng lề đường. Nếu giải quyết tốt tình trạng chiếm dụng lòng lề đường đang tràn lan sẽ giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM.

Việc lập lại trật tự lòng lề đường đang bị chiếm dụng, có 2 vấn đề chính cần giải quyết: Thành phố có trên 6 triệu xe máy, nhu cầu đậu xe là thiết yếu. Quan điểm không thu phí để dành toàn bộ vỉa hè để đi bộ là không thực tế. Cần quy hoạch từng con đường để đảm bảo hành lang đi bộ, sau đó cho phép một số diện tích còn lại để đậu xe có thu phí. Chúng ta cần lập bản đồ số theo dõi phạm vi thu phí, gắn trách nhiệm của chủ nhà với việc sử dụng và trả phí cho diện tích vỉa hè trước mặt nhà, tăng thẩm quyền cho lực lượng trật tự đô thị kiểm tra xử phạt nghiêm minh. Thứ hai, hiện các chỉ tiêu về trật tự văn minh đô thị của chính quyền phường, xã được đặt thứ yếu so với thu ngân sách, vô hình trung gây tình trạng một số địa phương nhắm mắt làm ngơ việc chiếm lòng lề đường để kinh doanh. Đã đến lúc chúng ta cần cải tiến mô hình, đặt chỉ tiêu trật tự đô thị ngang với thu ngân sách. Việc thu phí sử dụng vỉa hè giải quyết cùng lúc hai mục tiêu này, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội giữ đường thông, hè thoáng. Việc đặt mức thu hợp lý ban đầu, sau đó tăng dần theo thời gian sẽ làm cho việc chiếm dụng vỉa hè giảm dần, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Tiền thu cần được công khai, để phường xã sử dụng phần lớn cải thiện cảnh quan địa phương mình, còn lại tạo quỹ phát triển giao thông công cộng, làm cho thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Giải pháp và các quy định pháp luật đã có sẵn, vấn đề chỉ chờ quyết tâm của chính quyền thành phố.

* Ông TRANG VĂN HOÀNG, cử tri quận Tân Phú: Lấy vận tải khách công cộng làm trung tâm đột phá

Việc xây dựng chương trình đột phá giải bài toán giao thông của TPHCM hiện nay phải đặt trong bối cảnh giao thông TP đang diễn biến phức tạp để thấy được hết các nguy cơ của nó. Đó là tình trạng tăng dân số cơ học chưa kiểm soát được. Người dân có xu hướng chuyển từ xe 2 bánh sang xe 4 bánh ngày càng nhiều. Thực tế này có thể thấy, trước đây ô tô lưu thông chiếm 1 làn đường, xe máy 2 làn đường, nay lượng ô tô chiếm 2 làn đường, chỉ còn 1 làn đường cho xe máy. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, TPHCM đã xuất hiện loại xe khách dịch vụ Uber - sử dụng phần mềm để kết nối với xe nhàn rỗi đưa ra vận chuyển phục vụ khách, nên lượng xe ra đường ngày càng nhiều hơn. Cũng cần nói thêm, quản lý nhà nước không thể cấm các loại hình dịch vụ này vì thêm dịch vụ sẽ tạo thêm sự lựa chọn cho người dân. Ngoài ra, kinh tế phát triển, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng cũng tăng. Trong nội thành, nhà cao tầng tiếp tục mọc lên, các khu dân cư mới tiếp tục phát triển… Phải nhìn thấy được tất cả những vấn đề này để thấy nguy cơ số lượng xe tăng lên trong thời gian tới khi giải quyết bài toán giao thông của TPHCM.       

Câu hỏi đặt ra là giải quyết giao thông TPHCM từ đâu? Từ kinh nghiệm các nước và thực tiễn tình hình TPHCM, thì TP phải đột phá từ vận tải khách công cộng xe buýt. Trong  đó, nội lực xe buýt phải thay đổi, gồm: chất lượng xe; chất lượng phục vụ; mở rộng luồng tuyến, bến bãi; tính toán cách thức trợ giá có xem xét đối tượng… Tất cả những cải tiến phải nhằm hướng đến mục tiêu tăng tính tiện ích cho người dân. Cuối cùng, TP phải tăng diện tích mặt đường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tăng như thế nào? Tuyến đường nào mở rộng? Theo các chuyên gia, phải ưu tiên đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường Vành đai 2; mở rộng đường phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa của cảng Cát Lái, Hiệp Phước; tập trung xây dựng tuyến metro số 2 - tuyến mang tính chiến lược...

Tất cả các giải pháp này khi được thực hiện đồng bộ cũng sẽ góp phần hạn chế được xe cá nhân.

* Cử tri TRANG VĂN HOÀNG: Một trong những yêu cầu đầu tiên đối với xe buýt là phải đúng giờ. Để đạt được tất cả yêu cầu trên, đòi hỏi TPHCM phải xây dựng được một trung tâm điều hành hiện đại, kiểm soát được các vấn đề liên quan đến xe buýt, như: lượng xe, giờ giấc phục vụ, chất lượng phục vụ… Đặc biệt, vấn đề trợ giá xe buýt cần phải tính toán lại sau cho hiệu quả. Cán bộ công chức phải là đối tượng đầu tiên vận động sử dụng xe buýt có trợ giá. Muốn cán bộ công chức sử dụng xe buýt thì phải giải quyết được bài toán xe đưa đón học sinh. Công tác đấu thầu khai thác luồng tuyến cũng phải tính toán lại, đấu thầu hay đấu giá?

VÂN ANH

>> Bài 5: Bỏ cách làm “đầu voi đuôi chuột”

>> Bài 4: Chỉnh trang để phát triển

>> Bài 3: Nhận diện cơ hội và thách thức

>> Bài 2: Cải cách hành chính - Cần những việc làm thiết thực, phục vụ dân

>> Bài 1: Xóa điểm nghẽn về đào tạo nghề

Tin cùng chuyên mục