Ăn cơm ở làng đại học

TPHCM có hàng triệu sinh viên (SV) đang theo học, tập trung đông SV nhất là khu làng đại học (ĐH) Thủ Đức (giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TPHCM và huyện Dĩ An, Bình Dương). Đây cũng là nơi mà bữa ăn hàng ngày của SV luôn là câu chuyện thời sự.
Ăn cơm ở làng đại học

TPHCM có hàng triệu sinh viên (SV) đang theo học, tập trung đông SV nhất là khu làng đại học (ĐH) Thủ Đức (giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TPHCM và huyện Dĩ An, Bình Dương). Đây cũng là nơi mà bữa ăn hàng ngày của SV luôn là câu chuyện thời sự.

Chỉ 12.000 - 15.000 đồng/suất cơm bao no ở làng đại học

Cơm giá rẻ, bao no

Ở khu vực làng ĐH có trên 50 quán ăn, khoảng 11 giờ 30 mỗi ngày, các quán đều chật ních SV. Nhìn sơ qua, những khay thức ăn ở đây khá bắt mắt, được chế biến với nhiều gia vị. Điều đáng nói, cơm bao no, thức ăn đa dạng nhưng lại có giá rất rẻ. Hầu hết các quán ăn đều niêm yết giá 15.000 đồng và suốt 5 năm nay không hề tăng giá, so với quán ăn bình dân trên phố và so với giá cả thị trường thì quả là siêu rẻ. Chúng tôi đã đi thực tế, cùng ăn, cùng trò chuyện SV về những bữa cơm các bạn ăn hàng ngày.

Ghé vào tiệm cơm M.N. ở ấp Tân Lập (Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi gọi cơm đùi gà và cá nục sốt cà, chủ quán báo giá 15.000 đồng. Dĩa cơm đưa ra được phủ kín thức ăn với một chiếc đùi gà khá to, 2 con cá, rau xào, canh và da heo chiên giòn. Vừa ăn chúng tôi nhận ra ngay mùi của đồ ăn kém tươi. Thịt gà dù được chiên vàng, nhưng bên trong thịt rất bở, xương đã ngả màu nâu đen. Trong khi đó con cá cũng mất bụng, chỉ còn phần lưng và đuôi.

Tại quán cơm T.H. gần ký túc xá ĐHQG cũng đồng giá 15.000 đồng/suất, chúng tôi gọi dĩa cơm có 1 miếng sườn nướng, 2 miếng chả thịt chiên, vài miếng đậu hũ sốt cà, rau luộc, canh bí, nhìn rất hấp dẫn. Thế nhưng, vừa đưa miếng chả lên miệng thì thấy có mùi ngai ngái, khi ăn có vị chua. Thấy chúng tôi nhăn mặt, một nam sinh tên Hải (SV ĐH Khoa học Tự nhiên) ngồi kế bảo: “Chắc chị không phải SV nên mới thấy cơm khó ăn. Những quán ăn ở làng ĐH này như nhau cả, đồ ăn không tươi và còn bị tái chế nhiều lần, tụi em ăn riết cũng quen. SV nghèo tụi em ăn cốt cho no chứ đâu đòi hỏi ngon được”.

Chỉ vào dĩa cơm có thịt quay, chả cá, đùi ếch kho nghệ, canh, rau và trái cây tráng miệng, Hải giới thiệu cơm của cậu chỉ có 12.000 đồng/suất. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cậu cho biết đây là “cơm quân sự”. Hải giải thích: “Gọi là “cơm quân sự” vì đặt theo tháng, mỗi bữa chỉ 12.000 đồng, đặt ngày 1 hoặc 2 bữa tùy ý nhưng nấu sao ăn vậy. Thay bằng đầu tháng ăn cơm, cuối tháng ăn mì gói thì tụi em đặt cơm ở đây để cả tháng đều có cơm ăn, tuy không được ngon nhưng no và rẻ là được”.

Lân la hỏi thăm chị Tiên, chủ quán cơm P.Đ. có thâm niên 12 năm bán cơm ở làng ĐH, chị cho biết: “Mỗi ngày tui bán được khoảng 400 suất cơm ăn tại quán và 130 suất đặt “cơm quân sự” theo tháng mà chẳng ai phàn nàn về đồ ăn. Ở đây cứ đồ ăn nhiều, bao cơm, giá rẻ là tụi nhỏ ưng hết”.

Vì sao có giá siêu rẻ?

Chúng tôi tiếp xúc với P.T.M.C., SV ĐH Khoa học Tự nhiên và cũng là nhân viên phục vụ tại quán M.N. Theo C., không riêng tiệm cơm M.N. mà thực phẩm tại các quán cơm quanh làng ĐH đều có mối từ các chợ chiều, người làm hàng cơm thường gọi là “hàng lạnh”. Với rau, củ, chủ nhà sẽ trực tiếp đi chợ đầu mối để gom những loại rau củ dập nát về cắt gọt lại để xài. Còn thực phẩm sẽ do tiểu thương ngoài chợ giao tận nơi, họ gom hàng tồn trong ngày để giao vào buổi tối hoặc ướp đá để 2 ngày giao một lần, tùy thực đơn của quán cơm.

Thông qua C., chúng tôi gặp chị Trân, bán gà làm sẵn tại chợ khu chợ tự phát trên đường Lê Văn Chí (quận Thủ Đức). Buổi sáng Trân bán tại chợ Thủ Đức, chiều về chợ tự phát. 6 năm nay, ngoài ngồi chợ, Trân còn đi gom hàng ế của bạn hàng và đem bỏ mối cho các quán ăn, giá chỉ bằng 1/3 giá ngoài chợ. Đến nay Trân chuyên bỏ mối cho 5 quán cơm tại làng ĐH.

Nghe nói chúng tôi muốn mở quán cơm SV, Trân đon đả quảng cáo với chúng tôi rằng, thực phẩm của mình giao giá siêu sẻ nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến chất lượng. Trân còn tiếp thị thêm cả lòng gà với giá mà theo Trân là rẻ như cho, đem về kho hoặc xào, được ưa chuộng lắm. Thấy chúng tôi nói sợ lòng gà cuối ngày thì có mùi, Trân xua tay nói không có vấn đề vì có cách hết, chả thứ gì còn mùi nếu biết “mẹo”. Gặng hỏi mẹo gì, Trân nói khi nào mua về làm hàng thì chỉ, quán ăn mà không có mấy chất này “làm bùa” thì chỉ có mà dẹp tiệm sớm. Thấy chúng tôi chưa tin tưởng, Trân bảo: “Ra chợ mua bịch SO2 về thì cái gì chả tươi, lo hoài. Mà pha một xíu thôi nhé, pha nhiều có làm sao thì tôi không chịu trách nhiệm đâu”.

Thấy chúng tôi bảo cần tìm thêm nguồn thịt heo, cá, tôm, Trân nhận luôn: “Em yên tâm, cứ thịt, tất cả các loại thịt từ heo, gà, vịt, ếch là chị lo cho em được hết, có kiểm dịch đàng hoàng, giá chị lấy sát vốn luôn, chỉ lời chút xíu xăng xe thôi. Ví dụ thịt gà hôm nay nhé, tại chợ chị bán 55.000 đồng/kg đùi gà nhưng giao quán ăn chị chỉ lấy 21.000 đồng/kg thôi, giá thị trường tăng giảm thì chị em mình lại tính với nhau, thoải mái chưa?”. Trân dắt chúng tôi sang vựa cá phía bên kia đường gặp một người tên Hiền. Chị này đọc số điện thoại cho chúng tôi rồi bảo: “Em lưu số điện thoại của chị lại, cần cá, tôm cứ gọi, loại nào cũng có, cuối buổi chợ chị giao cho. Giá cả thì em khỏi lo, chị chỉ lấy đủ vốn nhưng nói trước là cá chỉ hơi tươi tươi thôi nhé, hàng xế mà”. 

Cứ như vậy, những thực phẩm từ chợ sáng dạt sang chợ chiều rồi đích đến của hàng ế là dạt vào các quán ăn. Ai cũng rỉ tai nhau cơm ở làng ĐH là nhiều nhất, rẻ nhất và tất nhiên, chất lượng của nguồn thực phẩm mà những quán cơm này lấy vào cũng tỉ lệ thuận với giá họ bán ra.

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục