Gỡ ưu tư của người dân về bảo hiểm xã hội

Gỡ ưu tư của người dân về bảo hiểm xã hội

Hiếm có lĩnh vực nào liên quan mật thiết, đồng hành với người dân từ khi họ sinh ra đến lúc bước sang thế giới khác như chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong khi đó, quá trình thực hiện các chế độ, chính sách cũng còn nhiều vướng mắc, trở ngại; có nơi có lúc người dân, doanh nghiệp còn gặp phải phiền hà khi làm thủ tục nộp và hưởng. Mong muốn san sẻ một phần khó khăn với người dân, tạo cầu nối giải đáp và góp phần giải quyết trực tiếp thắc mắc, vướng mắc của người dân, từ tháng 10-2015, Báo SGGP và BHXH TPHCM đã mở chuyên mục Hỏi - đáp chính sách BHXH. Ngay lập tức, chuyên mục được đông đảo bạn đọc Báo SGGP quan tâm theo dõi.

Người dân đến làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội TPHCM

Bằng thư tay truyền thống, email hay điện thoại trực tiếp, bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP hơn 600 câu hỏi, tâm tư, bức xúc và cả chất vấn, kiến nghị về các vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Trong việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình - một chủ trương thực hiện từ năm 2016, những khó khăn của người dân gặp phải mà chưa văn bản pháp luật nào tính đến như các thành viên trong gia đình bất hòa, “trời không chịu đất, đất không chịu trời” thì mua chung BHYT hộ gia đình ra sao? Rồi các thành viên vì mưu sinh có khi phải đi làm ăn xa, gia đình chia năm xẻ bảy mỗi người một nơi sẽ mua BHYT theo hộ gia đình như thế nào cho tiện? Đặc thù đất nước trải qua 2 cuộc kháng chiến, hàng chục bạn đọc đã liên lạc với chuyên mục để trao đổi về thời gian phục vụ trong quân đội được tính toán hưởng chế độ BHXH như thế nào? Trong bối cảnh hội nhập, người dân đi làm việc ở nước ngoài đóng BHXH ra sao và ngược lại, người nước ngoài ở Việt Nam có phải tham gia BHXH không? Nhiều người lao động lại nhảy việc, làm việc nhiều nơi, hay có khi tự ý nghỉ việc, cũng có khi chủ doanh nghiệp không chấp thuận cho nghỉ và cả tình trạng doanh nghiệp ở TPHCM nợ BHXH lên đến gần 3.000 tỷ đồng thì người lao động cần lấy sổ BHXH, chốt sổ thế nào để đảm bảo quyền lợi cho mình? Khi về già, giữa lấy BHXH một lần và hưởng lương hưu, đằng nào có lợi hơn, lương hưu có tính trượt giá không và nếu không may qua đời khi đang hoặc chưa kịp lãnh lương hưu thì ai được thừa kế lương hưu?... Tất cả những chủ đề trên đăng trong mục hỏi - đáp không chỉ dừng lại ở việc giải đáp bằng dẫn luật còn chỉ dẫn cặn kẽ, hướng dẫn người dân nên làm như thế nào cho thuận tiện và có lợi nhất.

Qua mục hỏi - đáp, nhiều vướng mắc mà người dân gặp phải đã được kiểm tra, giải quyết ngay. Mới đây, chị Hồng Loan (quận Gò Vấp, TPHCM) quay trở lại công ty cũ nhờ chốt sổ thì không được công ty cũ hỗ trợ, dẫn đến công ty hiện tại cũng không chốt sổ cho chị được. Nhận câu hỏi Báo SGGP chuyển tới, BHXH TPHCM đã tra cứu hồ sơ của chị Loan, thông tin và hướng dẫn chị cách chốt sổ. Tin tưởng chuyên mục, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ quận 12, TPHCM) phản ánh về việc nhân viên bán BHYT ở UBND phường Trung Mỹ Tây (quận 12) làm khó vợ ông, yêu cầu phải có bản chính thẻ BHYT của các thành viên đã có thẻ thì mới bán BHYT hộ gia đình cho người còn lại. Vừa hướng dẫn vợ ông Tư không cần phải trình bản chính thẻ BHYT của các thành viên, Giám đốc BHXH TPHCM vừa cho kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng các đại lý cấp phường, xã, thị trấn phát sinh thêm thủ tục khi bán BHYT hộ gia đình.

Trong khi đó, cũng có nhiều câu hỏi của người dân mà mục hỏi - đáp chưa thể trả lời cụ thể ngay được, vì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về vấn đề câu hỏi đặt ra, như có được đóng BHXH tự nguyện một lần không, hay vì sao đến giữa năm 2016 vẫn chưa được tăng lương hưu như dự kiến? Những trường hợp này, chuyên mục đều thông báo lý do, hứa sẽ cập nhật và giải đáp ngay với bạn đọc Báo SGGP khi có chủ trương. Thực tế đúng như thế. Ngày 4-4, ngay khi có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc người dân được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng ngay lương hưu, Báo SGGP là một trong những tờ báo đã thông tin sớm nhất tới bạn đọc về chủ trương này. Cũng qua mục hỏi - đáp, nhiều kiến nghị của người dân được cơ quan BHXH ghi nhận, kiến nghị Trung ương có hướng giải quyết, như trường hợp bà Ngọc Anh phản ánh về việc chị em ruột không được thừa hưởng tiền tuất khi người thân chết trước năm 2016.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục