Nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên

Tại Hội nghị tìm các biện pháp khôi phục rừng Tây Nguyên diễn ra vào cuối tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm là do chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang rừng trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích theo quy hoạch của địa phương như xây dựng công trình hạ tầng. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép xảy ra nghiêm trọng. 

Năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 6.034 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014 (tăng 8,3%), tức mỗi ngày có gần 16 vụ vi phạm. Một số hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái phép; lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép; khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật… Dù hình thức vi phạm có khác nhau nhưng hậu quả thì rừng ngày càng bị tàn phá, diện tích ngày càng bị thu hẹp.

Tình hình rừng ở Tây Nguyên cũng là tình hình chung ở các rừng tự nhiên trong cả nước. Các vụ phá rừng diễn ra thường xuyên và không ít lần được phản ánh trên báo chí, mà gần đây nhất là vụ chặt nhiều cây gỗ pơ mu ở Quảng Nam. Ở một số nơi, có hiện tượng rừng bị phá từ bên trong, dần lan rộng ra; ở nhiều nơi khác, với danh nghĩa cải tạo rừng, người ta ngang nhiên phá rừng và diện tích rừng bị phá gần như không bao giờ được trồng rừng đúng nghĩa. Hay trên danh nghĩa xây dựng các công trình thủy điện, xây dựng hạ tầng giao thông…, việc phá rừng cũng diễn ra công khai. Ngoài ra, còn nhiều hình thức lợi dụng khác như trồng rừng, dọn dẹp rừng, mua gỗ đấu giá, trồng cao su… để phá rừng một cách hợp pháp. Những thủ đoạn đó làm diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường sống của các loài động thực vật mà còn tác động tiêu cực đến khí hậu, thời tiết và một số hiện tượng thiên nhiên.

Để bảo vệ các khu rừng, nhất thiết phải đóng cửa tất cả rừng tự nhiên trong cả nước như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý tốt các rừng tự nhiên trên địa bàn. Các hành vi xâm phạm cần phải được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc, nhất là với các hoạt động phá rừng ở quy mô lớn. Nếu quản lý tốt, trong 5 - 10 năm, hệ sinh thái trong các rừng tự nhiên sẽ phục hồi và phát triển tốt. Song song đó, cần có giải pháp trồng và khai thác rừng hợp lý. Việc quy hoạch đất rừng cần được thực hiện nghiêm túc, hợp lý và có biện pháp chế tài đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, với đồng bào ở xung quanh khu vực rừng, cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp để họ không phá rừng, có cuộc sống không phụ thuộc vào rừng tự nhiên mà có thể thu lợi từ việc trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng và rừng tái sinh.

Để rừng thực sự đóng kín cửa, các lực lượng chức năng phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, có những phương án, biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp; thực sự triệt để chống các hành vi tiêu cực, sai trái, tiếp tay cho hoạt động phá rừng. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải thực sự làm gương trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm của rừng, như sử dụng gỗ quý trong xây dựng nhà cửa, nội thất, ăn thịt thú rừng…, để góp phần tác động đến nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.

Bảo vệ rừng là một trách nhiệm khó khăn, nặng nề nhưng cũng hết sức quan trọng. Đã có chủ trương của Chính phủ, cần thiết cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách nghiêm túc.

Trịnh Minh Giang

Tin cùng chuyên mục