Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt

Ngày 22-7, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TP đã trình dự thảo xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân TP, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP về phương án giá nước sạch từ nay đến năm 2020.

(SGGPO).- Ngày 22-7, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TP đã trình dự thảo xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân TP, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP về phương án giá nước sạch từ nay đến năm 2020.

Trên cơ sở xây dựng của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) và Viện Nghiên cứu Phát triển TP, Liên Sở Tài chính - Sở Giao thông Vận tải - Sở NN& TPNT đã trình UBND TP phố 4 phương án cho lộ trình 2016-2020, cụ thể: Phương án 1 tỷ lệ thất thoát nước đầu kỳ là 30,66% đến cuối kỳ là 26%. Giá nước sạch đối với đối tượng sinh hoạt trong định mức đầu kỳ là 5.300 đồng/m³ đến cuối kỳ là 7.300 đồng/m³. Ưu điểm của phương án này phản ánh thực tế tỷ lệ thoát thoát nước tại đơn vị cấp nước, tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước cao dẫn đến giá thành nước tăng cao.

Phương án 2 tỷ lệ thất thoát nước là 26% cố định hàng năm. Ưu điểm của phương án này làm cho giá nước hàng năm tăng thấp hơn phương án 1 là 300 đồng/m³, tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước áp dụng không sát với thực tế dẫn đến đơn vị cấp nước cố gắng giảm thất thoát nước trong năm đầu về 26% và không tạo động lực giảm thất thoát nước cho các năm tiếp theo do cố định tỷ lệ thất thoát nước 26% cho tất cả các năm trong lộ trình.

Phương án 3 tỷ lệ thất thoát nước năm đầu là 29%, và mỗi năm giảm 1,5% để đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát nước còn 23%. Giá nước từ 5.300 đồng/m³ đến 6.900 đồng/m³. Ưu điểm của phương án này có mức giá nước thấp nhất trong các phương án, tỷ lệ thất thoát nước theo đề xuất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có tỷ lệ giảm thất thoát nước hàng năm cao nhất (1,5%/năm và đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát nước chỉ còn 23%) sẽ tạo động lực cho đơn vị cấp nước phấn đấu hơn cao hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ thất thoát nước để đạt được lợi nhuận như đề xuất.

Trong các phương án giá nước sạch do Liên Sở và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đề xuất nên trên, UBND TP thống nhất chọn phương án 3 vì đây là phương án tối ưu nhất, có giá nước thấp nhất trong các phương án và khắc phục được nhược điểm của các phương án trước. Do việc điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn TP lộ trình 2016-2020 sẽ có tác động đến cuộc sống của người dân, nên UBND TP đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và Thường trực HĐND TP cho ý kiến về phương án giá nước sạch lộ trình 2016-2020 theo đề nghị của Liên Sở nêu trên.

Trước đây, các đơn vị trên cũng đề xuất 3 phương án tương tự nhưng giá nước cao hơn với đề xuất hiện nay.

Cụ thể, phương án 1 áp dụng tỷ lệ thất thoát nước đầu kỳ là 33,5% đến cuối kỳ là 30% thì giá nước sạch đối với đối tượng sinh hoạt trong định mức đầu kỳ là 6.000 đồng/m³ đến cuối kỳ là 8.900 đồng/m³.

Phương án 2 áp dụng tỷ lệ thất thoát nước theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về phương án giá nước sạch giai đoạn 2010-2013 chỉ đạo không đưa tỷ lệ thất thoát nước thực tế vào giá nước sạch, mà giá nước sạch năm 2010 chỉ tính tỷ lệ thất thoát nước là 28%, mỗi năm giảm 0,5% để đạt 26% vào năm 2013. Trên cơ sở đó, Liên Sở đề xuất giữ nguyên tỷ lệ thất thoát năm cuối trong lộ trình 2009-2013 và cố định hằng năm cho cả lộ trình 2016-2020 là 26%. Giá nước sạch đối với đối tượng sinh hoạt trong định mức đầu kỳ là 5.800 đồng/m³ đến cuối kỳ là 7.900 đồng/m³.

Phương án 3 (phương án chọn): áp dụng theo đề án giảm thất thoát nước thực tế tại quý I/2015 là 30,66% đến cuối kỳ là 26%. Giá nước sạch đối với đối tượng sinh hoạt trong định mức đầu kỳ là 5.800 đồng/m³ đến cuối kỳ là 7.900 đồng/m³.

Phương án 4 áp dụng tỷ lệ thất thoát nước như phương án 3, đồng thời điều chỉnh hệ số tính giá theo mục đích sử dụng nước theo hướng điều chỉnh tăng hệ số tính giá đối với đối tượng sử dụng nước lớn. Giá nước sạch đối với đối tượng sinh hoạt trong định mức đầu kỳ là 5.700 đồng/m³ đến cuối kỳ là 7.400 đồng/m³.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục