Vì những bữa ăn an toàn

Trước thực trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị lạm dụng nhiều loại thuốc độc hại, các bà nội trợ Việt đang nỗ lực chống chỏi bằng nhiều cách khác nhau nhưng đều chung một “chiến tuyến” là bữa ăn an toàn cho gia đình.
Vì những bữa ăn an toàn

Trước thực trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị lạm dụng nhiều loại thuốc độc hại, các bà nội trợ Việt đang nỗ lực chống chỏi bằng nhiều cách khác nhau nhưng đều chung một “chiến tuyến” là bữa ăn an toàn cho gia đình.

Vì những bữa ăn an toàn ảnh 1

Niềm vui ở Phiên chợ Xanh tử tế


Từ các vườn rau tại gia…

Trong lúc nguồn thực phẩm sạch trên thị trường còn khá bấp bênh thì nhiều bà nội trợ Việt đã tự cứu lấy mình bằng giải pháp tự cung, tự cấp. Có thể thấy, phong trào tự trồng rau sạch tại gia đang phát triển khá rầm rộ. Đáp ứng nhu cầu, các nhà cung cấp đã nhanh chóng cho ra đời nhiều tiện ích như: khay kệ trồng rau, đất sạch, hệ thống tuần hoàn trồng rau, nuôi cá... Mới đây, trên thị trường còn xuất hiện máy trồng rau nhằm tiết kiệm thời gian cho những người bận rộn. Dịch vụ cho thuê đất trồng rau ở các quận ven cũng phát triển.

Chị Đỗ Thanh Mai (quận 3) cho biết, nhà chị chỉ có một cái ban công trước đây dùng để phơi đồ, mỗi lần chị về quê thì lại mang đất và hạt giống lên, rau muống thì trồng trong thùng xốp, càng cua, ớt thì rải hạt vào chậu. Kinh nghiệm của chị là chỉ cần vài hộp xốp, một ít đất sạch và hạt mầm là đã có thể bắt đầu trồng rau sạch cho gia đình. Để tận dụng không gian, chị còn nhờ ông xã làm giá xếp tầng hoặc mua ở các cửa hàng. Còn chị Trần Thụy Thu Hiền (quận 2) chia sẻ không ít khó khăn của những ngày đầu trồng rau sạch: “Nhà có con nhỏ nên việc chọn rau sạch cho con và cả gia đình là điều mình quan tâm nhất. Nghe chị bạn đồng nghiệp rủ rê, mình cũng bắt tay tự trồng rau cho cả nhà. Vốn sống ở thành phố từ bé, không biết bắt đầu từ đâu, mình lên các diễn đàn, hỏi thăm ý kiến của mọi người. Cũng phải qua vài phen thất bại”. Giờ thì trên sân thượng nhà chị đã trồng được khá nhiều các loại rau thơm, cà chua, rau dền, ớt..., ông xã và các con cũng tham gia tưới bón nên cả nhà đều vui.

…đến các phiên chợ tử tế

Gần hai tháng nay, các bà nội trợ ở thành phố truyền cho nhau một tin vui về một phiên chợ rau sạch. Nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm hẹn thú vị của các bà nội trợ vào dịp cuối tuần. Chị Cao Thị Phương (quận 8) chia sẻ: “Lúc đầu mình cũng bán tín bán nghi, không ngờ khi đến nơi mới biết đây đều là những nông sản sạch chính hiệu nhà vườn, từ những nhà nông uy tín ở Củ Chi, Thủ Đức đến các tỉnh miền Tây. Có lẽ đây là chợ phiên duy nhất mà người bán cũng chính là người trồng, cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch với người tiêu dùng. Mình đi chợ về mà thấy nhẹ cả lòng, thêm niềm tin và an tâm hơn hẳn”.

Phiên chợ mà chị Phương nhắc đến là Phiên chợ Xanh tử tế được mở vào thứ bảy và chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba mỗi tháng tại số 163 Pasteur (phường 6, quận 3). Phiên chợ này xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng muốn mua rau củ sạch thì chẳng biết mua ở đâu, còn nhà vườn trồng rau tử tế thì không cạnh tranh nổi với rau “bẩn”. Dự án “Sáng tạo khởi nghiệp” cho thanh niên thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tạo nên Phiên chợ Xanh tử tế nhằm giải quyết bài toán kết nối cung cầu, giúp người trồng rau, hay rộng ra là những người nông dân làm ra nông sản, có thể sống tử tế với nghề và người tiêu dùng có thể yên tâm lo bữa cơm cho gia đình. Chị Diệp Mai (nông dân ở Củ Chi) đem tới chợ 50kg rau, sau hơn 1 giờ đã bán hết sạch. Chị cho biết mấy năm gần đây, nông dân trồng rau sạch không cạnh tranh nổi với thị trường vì rau không phun thuốc trông còi cọc mà giá bán cao hơn rau củ ngoài chợ. Dù có giải thích rằng rau trồng không phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích nhưng người mua vẫn không tin tưởng. “Khi hay tin về Phiên chợ Xanh tử tế chuyên bán nông sản sạch, tôi  đăng ký tham gia ngay. Nhờ khâu kiểm định sản phẩm kỹ lưỡng của đơn vị tổ chức, nông sản của chúng tôi có đầu ra, người tiêu dùng cũng an tâm phần nào”, chị cho biết.

Một phiên chợ thực phẩm sạch khác cũng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng là Phiên chợ Lương Nông, cũng do những người tâm huyết với sức khỏe cộng đồng gầy dựng. Phiên chợ họp vào sáng thứ bảy hàng tuần tại số 45 Lý Tự Trọng, chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho các bà nội trợ theo phương thức: Từ trang trại đến bàn ăn.

Đồng hành cùng các phiên chợ xanh còn có dự án phi chính phủ “Từ hạt giống đến bàn ăn (Seed to table)” do một  phụ nữ người Nhật Bản là cô Mayu Ino phụ trách nhiều năm, đã kiên trì đồng hành cùng nông dân Bến Tre xây dựng các vườn rau hữu cơ… Tất cả đều đang nỗ lực vì bữa ăn an toàn cho mọi gia đình.

Như Ý

Tin cùng chuyên mục