Tháo gỡ một số vướng mắc về con nuôi

Nhiều quy định liên quan đến công tác tìm kiếm gia đình thay thế (gia đình nhận con nuôi) còn cứng nhắc, rườm rà. Vô hình trung, luật khiến tiến độ thực hiện chậm trễ, thậm chí bế tắc; làm ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. Chính vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc bằng cách điều chỉnh các điều luật gắn liền thực tế hơn nữa.
Tháo gỡ một số vướng mắc về con nuôi

Nhiều quy định liên quan đến công tác tìm kiếm gia đình thay thế (gia đình nhận con nuôi) còn cứng nhắc, rườm rà. Vô hình trung, luật khiến tiến độ thực hiện chậm trễ, thậm chí bế tắc; làm ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. Chính vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc bằng cách điều chỉnh các điều luật gắn liền thực tế hơn nữa.

Trầy trật xác minh, lấy ý kiến

Làng Thiếu niên Thủ Đức (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM) là mái nhà chung của 175 trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt. Làng là cầu nối giữa trẻ với nhiều cá nhân, gia đình có nguyện vọng nhận con nuôi.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm, ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, nhận thấy quy trình tìm gia đình thay thế gặp không ít vướng mắc. Hiện làng có 5 em trên 10 tuổi chưa tìm được gia đình thay thế. Đa số các em có xuất thân phức tạp, không nhớ gì về gia đình nên việc làm rõ thông tin cá nhân rất khó. Phổ biến hơn, người mẹ bỏ đi khỏi nơi cư trú, gia đình không hề biết con em mình sinh và bỏ rơi đứa trẻ. Vì vậy, thời gian xác minh nguồn gốc trẻ kéo dài, thậm chí bế tắc. Một số trẻ được cá nhân hay gia đình nhận nuôi, giấy khai sinh có tên cha, mẹ nhưng không phải cha, mẹ ruột. Vì họ nuôi dưỡng không tốt nên địa phương chuyển trẻ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Khi giới thiệu con nuôi, cơ quan chức năng buộc phải lấy ý kiến người nuôi dưỡng trước kia vì họ đứng tên trên giấy khai sinh. Công tác này thường trầy trật vì những người này không hợp tác.  

Trẻ ở Làng Thiếu niên Thủ Đức học tập, sinh hoạt theo mô hình gia đình nên dễ hòa nhập với gia đình mới

Phường 7, quận Bình Thạnh là nơi có số trẻ cần tìm gia đình thay thế đông hơn nhiều địa bàn khác. Bà Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, Chủ tịch UBND phường 7, phản ánh địa phương nhận nhiệm vụ trực tiếp lấy ý kiến cha, mẹ ruột và những người liên quan; họ phải có mặt khi giao nhận con nuôi. Tuy nhiên, chính quyền đành bó tay khi cha, mẹ ruột của trẻ ở nước ngoài hoặc bị tạm giam, tạm giữ, chấp hành hình phạt tù. Bên cạnh đó, thủ tục nhận con nuôi thường chậm trễ đối với cá nhân, gia đình khó chứng minh thu nhập thực tế (lao động, kinh doanh tự do) hay không cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Vũ băn khoăn, dù nằm trong danh sách cần tìm gia đình thay thế nhưng trẻ bị bạo hành, nạn nhân trong vụ án mua bán trẻ em… không thuộc diện bị bỏ rơi, trong hồ sơ vẫn lưu lý lịch cha, mẹ ruột. Một số trường hợp cha, mẹ ruột không đồng ý giao trẻ làm con nuôi nên cơ quan chức năng đắn đo khi lập danh sách.

Thêm, bớt thủ tục cho hợp lý

Nhằm khắc phục bất cập về thể chế, ông Nguyễn Văn Vũ đề nghị Cục Con nuôi (thuộc Bộ Tư pháp) sớm nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với các điều luật liên quan, sát thực tế. Ông Vũ dẫn chứng, luật không quy định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi chưa thành niên, cha mẹ nuôi qua đời hoặc không đủ điều kiện nuôi dưỡng; người nhận con nuôi và cha, mẹ ruột cùng mong muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ.

Tương tự, bà Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa bổ sung: “Nếu con nuôi chưa thành niên hoặc tật nguyền mà cha, mẹ nuôi không đủ khả năng nuôi dưỡng; qua đời, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì cần quy định thêm vấn đề chấm dứt quan hệ giữa hai bên. Pháp luật cần có thêm quy định về thay đổi thông tin cha, mẹ ruột thành cha, mẹ nuôi trong trường hợp nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi”.

Theo ông Đinh Hữu Tuyến, cơ quan chức năng có thể lập danh sách trẻ đủ điều kiện giới thiệu con nuôi mà không cần ý kiến người thân trong trường hợp người mẹ không rõ tung tích và trên 18 tuổi. Ngoài ra, nếu hồ sơ thể hiện người đứng tên trên giấy khai sinh không phải cha, mẹ ruột; đồng thời, họ không có quyết định công nhận nuôi con nuôi do cơ quan chức năng cấp thì không cần thiết phải lấy ý kiến. Về mặt pháp luật, những người nhận nuôi như vậy không có bất cứ mối quan hệ nào với trẻ.

Ghi nhận ý kiến từ cơ sở, bà Nguyễn Thị Hảo, Cục trưởng Cục Con nuôi, góp ý trong tất cả tình huống, cơ quan chức năng nên linh động, mạnh dạn lập danh sách gửi lên Cục Con nuôi để đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Sau đó, các cấp cùng nhau đưa ra cách thức tháo gỡ đối với từng trường hợp.

Lệ phí đăng ký và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài là khoản tiền cha mẹ nuôi người nước ngoài đóng vào phục vụ công tác giải quyết con nuôi, chăm sóc trẻ. Song, một số tỉnh, thành đưa nguồn kinh phí trên vào ngân sách phục vụ công tác khác. Sự nhầm lẫn dẫn đến tình trạng tiền tồn trong khi nhiều nơi thiếu kinh phí hoạt động. Đơn cử, TPHCM còn gần 800 triệu đồng từ nguồn nói trên chưa giải ngân. Phó chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng đã đề nghị Sở Tài chính và Sở Tư pháp phối hợp tháo gỡ dứt điểm ách tắc trước ngày 31-12-2016.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục