Nhà mới đón xuân

Hơn 1.400 gia đình có công hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM đã và đang được xây mới, sửa chữa nhà ở. Việc xây sửa được gấp rút hoàn thành trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu để người dân có điều kiện đón xuân mới ấm cúng.   
Nhà mới đón xuân

Hơn 1.400 gia đình có công hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM đã và đang được xây mới, sửa chữa nhà ở. Việc xây sửa được gấp rút hoàn thành trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu để người dân có điều kiện đón xuân mới ấm cúng.   

Vui xuân trong nhà mới

Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Dù (87 tuổi, ngụ ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) rộn ràng tiếng đùa vui của các cháu trong căn nhà tình nghĩa vừa xây xong. Hai cháu nội của ông Dù bò qua bò lại trên nền gạch mới, sạch tinh. Vừa trông coi các cháu, ông Dù vừa chia sẻ, vợ ông đã qua đời từ lâu, còn con cái cũng không khá giả gì. Toàn bộ đất đai ông Dù cũng đã sang tên cho con. Lương hưu và chính sách thương binh 4/4 của ông tổng cộng được khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Một phần số tiền hàng tháng ông để mua sữa cho 2 cháu nội sinh đôi, không dám sửa sang nhà cửa. Vì thế, hàng ngày, ông lẻ loi ra vào trong căn nhà lụp xụp, nền bong tróc sỏi đất, tường nứt xiêu vẹo, mái thì dột nát. Cuối năm 2016, sau khi xã, huyện thẩm định, ông nhận được tin vui sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa mới. Qua 2 tháng thi công, căn nhà tình nghĩa rộng gần 36m² hoàn thành. “Nhà cửa xong xuôi, các cháu có chỗ vui chơi, tôi cũng an tâm những tháng năm tuổi già, không phải sợ nhà dột mỗi khi mưa nắng. Tôi còn sống ngày nào là vui ngày đó”, ông Dù chia sẻ.

Ông Trần Văn Dù (huyện Củ Chi, TPHCM) vui cùng các cháu trong căn nhà mới

Cùng niềm vui có nhà mới, bà Lê Thị Yến (68 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây) phấn khởi, giờ đây vợ chồng bà không phải lo nghĩ chuyện nhà cửa nữa. Nhớ lại những tháng ngày vất vả, bà Yến kể, cả hai vợ chồng đã lớn tuổi, bà lại thường xuyên đau bệnh. Trợ cấp của bà mỗi tháng chỉ được 700.000 đồng nên chồng bà năm nay 87 tuổi vẫn phải cấy cày mấy mảnh ruộng. Những năm gần đây, lúa thường bị sâu bệnh, nhiều lúc lúa đổ bệnh, gia đình không có tiền mua thuốc trị. Đến lúc có tiền mua thuốc thì ruộng đã bị sâu bệnh… phá xong, thành ra hoa lợi không còn nhiều, vớt vát chỉ đủ ăn, càng không dám nghĩ chuyện xây nhà. Sau 5 năm chờ đợi, cận Tết Nguyên đán, ước nguyện có ngôi nhà mới của vợ chồng bà đã thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ của địa phương.

Ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi, cho biết thời gian qua, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 556 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 23,8 tỷ đồng. Trong đó, 76 gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây mới nhà và các gia đình khác sửa chữa nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Theo ông Hồ Thành Đạt, cán bộ Phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi, nhiều người có công đã lớn tuổi như ông Dù, thường không đứng tên quyền sử dụng đất mà đã chuyển quyền này tặng, cho con cái. Để đảm bảo quyền lợi cho người có công, địa phương đã vận động con cái những người này ký cam kết phải để bố, mẹ được ở trong nhà tình nghĩa suốt đời; phòng ngừa trường hợp lợi dụng đã được đứng tên đất đai mà tranh đoạt nhà tình nghĩa.

Tại huyện Cần Giờ, do nền đất yếu, mức hỗ trợ xây mới nhà tình nghĩa là 70 triệu đồng/căn và 50 triệu đồng với gia đình sửa chữa nhà. Gia đình bà Trần Thị Hai (61 tuổi, ngụ ấp Long Hòa, huyện Cần Giờ) đang gấp rút những công đoạn cuối cùng hoàn thành ngôi nhà tình nghĩa. Chồng bà Hai cho biết, cùng với số tiền hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm hơn 10 triệu đồng nữa để làm căn nhà thêm chắc chắn, tươm tất. Gia đình bà Hồ Thị Chiến cũng được hỗ trợ 70 triệu đồng và vừa hoàn thành ngôi nhà. Cùng với gia đình bà Hai, bà Yến, ngay trước thềm năm mới, 82 gia đình khác ở Cần Giờ cũng kịp đón xuân trong nhà mới. Nhiều gia đình khác chưa muốn xây dựng trong năm 2016 thì ra tết cũng sẽ động thổ xây nhà.

Cơ bản đáp ứng nhà ở cho người có công

Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Chính sách có công Sở LĐTB-XH, cho biết toàn TPHCM có 1.414 trường hợp thuộc diện hưởng chế độ chính sách người có công được hỗ trợ nhà tình nghĩa. Trong đó, xây mới 133 ngôi nhà và sửa chữa 1.281 căn. Đây là những căn nhà được hỗ trợ xây mới và sửa chữa theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng về hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn TP.

Đặc biệt, những tháng gần đây, việc hỗ trợ nhà tình nghĩa được các quận, huyện thực hiện gấp rút, có phân công theo dõi, kiểm tra tiến độ xây sửa và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp người có công có nhà mới đón tết.

Ngoài việc hỗ trợ xây sửa nhà tình nghĩa theo Quyết định 22, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM, các quận, huyện đã rà soát lại hiện trạng số nhà tình nghĩa xây dựng lâu năm xuống cấp cần xây mới hoặc sửa chữa.

Theo Sở LĐTB-XH, TP có trên 16.000 căn nhà tình nghĩa. Hàng năm, UBND các cấp đều có kế hoạch sửa chữa, tu bổ nhà tình nghĩa xây dựng lâu năm đã bị xuống cấp. Ngay trong năm 2016, qua rà soát, toàn TP có thêm 222 căn nhà tình nghĩa đã hư hỏng xuống cấp; trong đó, 39 căn cần xây mới và 183 căn cần sửa chữa. Trước thực trạng này, các quận huyện đã vận động kinh phí được hơn 5,1 tỷ đồng để xây mới 30 căn và sửa chữa 152 căn. Với 40 căn còn lại ở các quận 4, 9, 12 và huyện Nhà Bè, Sở LĐTB-XH đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vận động hỗ trợ xây sửa với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. “Với sự hỗ trợ như thế, hiện nay, người có công trên địa bàn TPHCM cơ bản được chăm lo đủ về nhà ở”, ông Trần Thanh Hoàng nhận xét.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục