Một khoảng trống khó lấp đầy…

Nghệ sĩ Nhân dân KIM CƯƠNG: “Xin từ biệt người cộng sản chân chính”
Một khoảng trống khó lấp đầy…

Nhiều nghệ sĩ bàng hoàng trước hung tin đồng chí Dương Đình Thảo, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TPHCM vừa qua đời tối 15-1. Trong niềm xúc động, một số văn nghệ sĩ đã nói về ông với sự trân trọng, thương yêu và tiếc nuối. Xin chia sẻ cùng bạn đọc…

Đồng chí Dương Đình Thảo

Nghệ sĩ Nhân dân KIM CƯƠNG: “Xin từ biệt người cộng sản chân chính”

Trong lòng tôi, anh Sáu Thảo là đại diện của những người cộng sản chân chính, sống chỉ biết phục vụ cho lợi ích nhân dân, không nghĩ đến cá nhân, quyền lợi riêng tư. Tấm lòng của anh Sáu dành cho văn nghệ sĩ chúng tôi đầy ắp sự trân trọng, yêu thương và gắn bó.

Còn nhớ khi con trai tôi bị bắt cóc, anh cùng các anh trên Sở Văn hóa và Thông tin TP túc trực ở nhà tôi, an ủi má, động viên tôi. Ở cương vị Giám đốc sở khi đó, anh đã có những hành xử rất can đảm, thể hiện chính kiến, đầy sự cảm thông, chia sẻ với văn nghệ sĩ và chúng tôi, có thể nhiều người không biết được anh đã phải chịu rất nhiều áp lực. Thời đó, chỉ có anh mới dám đứng ra vận động cho vợ anh Thành Được bán nhà để qua Tây Đức hội ngộ với chồng; chỉ có anh mới dám ký tên bảo lãnh cho Quốc (chồng ca sĩ Họa Mi) dẫn mấy đứa con ra nước ngoài để gia đình đoàn tụ và cũng để Quốc có cơ hội chữa đôi mắt sắp mù… Và vẫn là anh, đều đặn mười mấy năm sau khi mẹ tôi mất, năm nào đám giỗ bà, anh cũng mua trái sầu riêng tới thắp nhang cho bà (mẹ tôi ưa sầu riêng lắm), không năm nào anh quên.

Tôi nhớ “cái kiềng ba chân” lúc đó của Sở VH-TT TP là anh Sáu Thảo, anh Hai Trúc và anh Bảy Thưởng, ba anh đã làm rất nhiều việc cho văn nghệ sĩ, có công “chống đỡ” cho nền sân khấu TP vượt qua khó khăn để vươn ra thế giới.

Tôi nhớ hoài câu anh nói: Tui cưng văn nghệ sĩ vì nghệ sĩ đi đâu cũng có quần chúng theo. Sau này tui chết, nghệ sĩ tới viếng thì nhất định có quần chúng theo đông. Bây giờ anh đi thật rồi…

Nhà viết kịch LÊ CHÍ TRUNG: “Thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp”

Có những người lãnh đạo văn hóa văn nghệ mà khi họ mất đi ta cảm thấy như có một khoảng trống không thể lấp đầy. Chú Dương Đình Thảo là một người như vậy. Chú luôn hể hả, thẳng thắn chân tình, không hề kiểu cách với anh em văn nghệ, thậm chí với nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ thuộc hàng con cháu. Người ta luôn thật lòng tin tưởng, coi chú là người anh đáng mến, người bạn đi trước mình, chứ không phải một ông “quan” văn nghệ. Chú giống như một anh hai Nam bộ, dám chơi hết mình, nghĩa khí chơi xả láng bảo vệ đám đàn em văn nghệ trong lúc khó khăn và thắp lên trong lòng họ niềm tin vào những điều tốt đẹp. Nếu ai từng sống trong những tháng năm trì trệ của tư tưởng quan liêu bao cấp, trước thời kỳ đổi mới giữa thập niên 80, mới hiểu hết nhiều trận chú Dương Đình Thảo, với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP, đã phải giơ lưng chịu đòn cho những tác phẩm sáng tạo, dám vượt qua rào cản hoàn cảnh của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ... Chú Dương Đình Thảo đã góp công rất lớn cho sự ra đời của những tác phẩm sân khấu có giá trị, như Muôn dặm vì chồng, Hoa độc trong vườn…

Nghệ sĩ Nhân dân NGỌC GIÀU: “Thương tiếc ông Sáu quá!”

Tôi rất thương và kính trọng một ông Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP như ông Sáu Thảo. Đối với văn nghệ sĩ, ông yêu thương, bênh vực, lo lắng như người nhà.

Khi Sở Văn hóa và Thông tin TP thành lập đoàn cải lương 284, chọn một số nghệ sĩ đưa đi các nước Tây Âu biểu diễn các vở Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa,... tôi nhận vai Bảy cán vá trong Đời cô Lựu, chỉ ra sân khấu nói vài câu. Tôi đã xin ý kiến anh “chăm chút” thêm cho Bảy cán vá. Tôi còn nhớ anh rất vui và nói: “Em làm có duyên lắm, vậy đi em”. Nghe ông khuyến khích, tôi thiệt mừng… Khi ông Sáu không làm giám đốc nữa, tụi tôi buồn lắm. Còn nhớ sau khi đi đoàn 284 về, cuộc sống khó khăn chật vật quá, đâu có đi hát được nhiều nên tôi xoay qua buôn bán quần áo may sẵn ở chợ Bến Thành. Vậy mà ông và ông Tư Thắng (Chánh án Tòa án lúc đó) ra chợ Bến Thành đi lòng vòng kiếm tôi. Chừng thấy hai ông mồ hôi đầm đìa đi tới, tôi cảm động hết sức. Lãnh đạo mà quan tâm văn nghệ sĩ như vậy là quá mức tưởng rồi… Thương tiếc ông Sáu quá !

Nghệ sĩ Nhân dân BẠCH TUYẾT: “Vị Bồ Tát của nghệ sĩ cải lương”

Nghệ sĩ chúng tôi, nhất là những người đã thành danh sau ngày đất nước thống nhất, biết ông đều quý trọng muôn phần. Ông là người đã đưa văn hóa TP, đưa nghệ thuật cải lương lên đỉnh cao, nâng bước văn nghệ sĩ vượt ra biên giới, đưa tinh hoa nghệ thuật dân tộc giới thiệu ra nước ngoài, ngay trong thời điểm đất nước còn rất nhiều khó khăn. Khi đương chức, ông lo từ việc lớn đến việc nhỏ, việc nào cũng chu đáo, ân cần, như một người anh chăm sóc, nâng đỡ chúng tôi. Với người cầm bút, ông là chỗ dựa tin cậy của những sáng tạo mới mẽ, là nguồn động viên văn nghệ cống hiến không mệt mỏi. Ông là người cương trực, dám đương đầu, khi đã quyết là làm tới cùng, không sợ khó khăn và bất cứ áp lực nào. Những năm sau này, tôi vẫn đến thăm ông, trao đổi với ông mới thấy rằng, ông chưa bao giờ về hưu. Mọi thông tin thời sự ông nắm chắc, nắm rõ và vẫn còn ưu tư, vẫn là một tâm hồn rất trẻ… Với nhiều mảnh đời riêng, ông không dừng lại ở sự chia sẻ và thấu cảm mà ông hành xử, trong khả năng của mình như một người cùng hoàn cảnh. Nhiều nghệ sĩ vẫn gọi ông Sáu Thảo là vị Bồ Tát của nghệ sĩ cải lương.

LIÊN CHI (ghi)

Tin cùng chuyên mục