Nhớ anh Sáu Thảo ngày sát cánh cùng báo chí đổi mới

Nhớ anh Sáu Thảo ngày sát cánh cùng báo chí đổi mới

Vốn là một nhà báo ở Hà Nội, năm 1987 tôi vào TPHCM làm chuyên viên giúp việc về báo chí ở Thành ủy TP đúng vào năm bắt đầu thời kỳ đổi mới. Vị thủ trưởng đầu tiên của tôi chính là đồng chí Dương Đình Thảo, người được cả cơ quan gọi là “anh Sáu Thảo”, “chú Sáu Thảo”, hoặc chỉ vắn tắt “anh Sáu” theo kiểu Nam bộ.

Điều làm tôi ngạc nhiên đầu tiên là, một vị Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, có bao nhiêu việc, bao mối quan hệ lớn, nhưng mỗi khi ra Hà Nội họp hành, ông đều tự tìm đến nhà thăm mẹ tôi mà không hề báo trước.

Ngày 30-7-2015, đoàn đại biểu TPHCM đến tặng hoa chúc mừng đồng chí Dương Đình Thảo (thứ ba từ phải sang) nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng

Những năm tháng đó, tàu liên vận Bắc - Nam đi 3 ngày 3 đêm, điện thoại thông minh chưa có, đứa con xa nhà để lại mẹ già đau yếu, việc làm ấy của anh khiến gia đình tôi ngạc nhiên và cảm động. Mẹ tôi bảo: “Con cố gắng công tác tốt. Đời người cán bộ có một người thủ trưởng tốt là một hạnh phúc”.

Mãi sau này, đến khi đã nghỉ hưu, ngẫm lại suốt những năm giúp việc về báo chí ở một TP đặc biệt năng động, có sức bật dám làm cái mới, có một nền báo chí sôi động vào loại bậc nhất, thì lời mẹ tôi nói không chỉ là việc cư xử cá nhân của người thủ trưởng với nhân viên, mà niềm hạnh phúc còn lớn hơn thế.

Tôi đã trưởng thành, giữ được nghề nghiệp, lớn lên cùng đội ngũ nhà báo TP. Có lẽ, nhiều nhà báo cũng sẽ đồng ý với tôi khi nhớ lại “mặt trận báo chí” ngày đó: Lãnh đạo TP sát cánh, thấu hiểu, cùng phấn đấu thực sự cho nhiệm vụ của TP và đất nước đi lên, chuyển mình từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Anh Sáu Thảo lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn, hàng tuần giao ban báo chí, anh thường giữ tác phong dân chủ và là một trí thức lớn từng làm công tác ngoại giao, từng dự những hội nghị quốc tế lịch sử như Hội nghị Paris, từng làm chuyên viên cao cấp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nên anh lắng nghe cả các chuyên viên. Chúng tôi, cán bộ về báo chí giúp việc anh, đều là các nhà báo như Phan Hồng Chiến, Tô Minh Nguyệt, anh Tiến… và chúng tôi dám “bướng” với anh, bảo vệ ý kiến của mình. Anh thân ái và thẳng thắn, đầy sức thuyết phục.

Có những chỉ đạo từ Trung ương chưa sát với TP, chúng tôi mạnh dạn đề nghị anh phản ánh và thay đổi. Tiếng nói chân thành của anh đã làm cho “hanh thông” rất nhiều khúc mắc.

Nhớ lại những ngày ấy, báo chí rất hay, được mong chờ hàng ngày. Thời “hoàng kim” ấy các tờ báo phát hành lớn lắm, có nhiều tờ như Công an, Tuổi Trẻ,… phát hành tới 500.000 bản mỗi sáng với các phóng sự hấp dẫn và các nhà báo tên tuổi lẫy lừng. Nhân dân náo nức, tin yêu báo chí, đón đọc chuyện TP sáng kiến “xé rào” mà góp phần đổi mới nhiều chính sách chung cho cả nước.

Anh Sáu Thảo và các lãnh đạo TP rất sát sao bàn bạc, trao đổi, nâng đỡ, tập hợp được đội ngũ báo chí có lửa, yêu say sống chết với nghề, với lợi ích của nhân dân và lẽ phải. Cứ sáng sớm đến cơ quan, anh hay nói chuyện, say mê, vui mừng trước thành tựu của báo chí, thẳng thắn phân tích những thiếu sót và tìm hiểu, lắng nghe từ phía báo chí. Mọi ý kiến đều chân thành và hợp lý, hợp tình. Có lần, anh “khoe” với chúng tôi là, anh “được” vài người nhận xét, cho là anh “hữu khuynh”, nuông chiều báo chí, yêu các nghệ sĩ (anh đã từng là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM). Có khi anh lo lắng vì một nghệ sĩ do anh tin tưởng cử đi biểu diễn nước ngoài rồi “ở lại” (ngày đó việc này rất to chuyện). Nhưng anh tâm sự với chúng tôi rằng anh vẫn tin đó là những người tốt. Họ hành động vì hoàn cảnh nào đó thôi. Những suy nghĩ như vậy ngày đó thật hiếm hoi.

Khi đi đây đó, có ai tặng quà lưu niệm, “phong bì” ăn trưa hội nghị, anh thường chia sẻ cho chúng tôi, cho các lái xe. Khi nghỉ hưu là anh trả xe, trả hết các chế độ, đi xe ôm lên cơ quan lấy báo về đọc.

Khi tuổi anh đã cao, sức yếu, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng ghé qua nhà anh. Một lần, khi tiễn ra cổng, tôi nài nỉ anh đừng ra vì bước chân anh đã khó khăn. Nhưng anh bá vai tôi, nheo mắt tinh nghịch như ngày nào: “Để anh đi, còn… biểu dương lực lượng chứ”.

Nụ cười nhân hậu, tinh nghịch và trí tuệ mẫn tiệp, người lãnh đạo cũng thuộc “thế hệ vàng” như anh, khiến tôi nhớ lại câu nói của mẹ tôi. Hạnh phúc của người đi làm có ông thủ trưởng tốt, hơn thế nữa, anh còn là thủ trưởng góp phần vào trang vàng của báo chí TPHCM thời kỳ đổi mới. Chắc chắn mọi người kính yêu và nhớ anh.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Tin cùng chuyên mục