Rải tiền, đốt vàng mã - lãng phí, ô nhiễm môi trường

Vào những ngày lễ tết, nhất là trong tháng Giêng, theo thói quen của nhiều gia đình Việt, đều đốt vàng mã… Việc làm này đang gây lãng phí và làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, nhiều người trong cuộc đã lên tiếng…
Rải tiền, đốt vàng mã - lãng phí, ô nhiễm môi trường

Vào những ngày lễ tết, nhất là trong tháng Giêng, theo thói quen của nhiều gia đình Việt, đều đốt vàng mã… Việc làm này đang gây lãng phí và làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, nhiều người trong cuộc đã lên tiếng…

Chị Nguyễn Thị Hải (Hà Nội) kể: Tôi sống gần một gia đình, vợ chồng nhà này ngày rằm, mùng 1, hay những ngày lễ tết đều mua và đốt rất nhiều đồ vàng mã. Không chỉ đốt ở nhà, bà vợ khi đi lễ chùa cũng luôn tâm niệm là phải đốt thật nhiều đồ vàng mã “dâng” lên... các ngài mới mong cầu được, ước thấy! Thời nay, đồ vàng mã phục vụ cho cõi âm được người ta thiết kế y chang các loại tài sản, đồ dùng sinh hoạt của người còn sống, nên không hề rẻ, có món đồ lên tới cả tiền triệu, thậm chí là vài triệu bạc… Có lần tôi hỏi thử bà hàng xóm, trung bình một năm bà chi hết khoảng bao nhiêu tiền cho việc cúng lễ đồ mã (?!). Bà nhẩm tính hồi lâu, bảo: “Mỗi tháng nhà tôi đốt vào ngày rằm và mùng 1, mỗi lần khoảng 200.000 đồng. Còn các dịp giỗ chạp hay các ngày trọng đại khác thì mỗi dịp phải là tiền triệu...”. Nghe bà ta kể mà tôi giật mình, vì như vậy thì mỗi năm nhà bà phải chi tới cả chục triệu đồng tiền thật cho việc mua đồ mã rồi mang đốt.

Hàng năm người dân cả nước lãng phí hàng tỷ đồng cho việc đốt vàng mã

Một gia đình đã vậy, thử hỏi hàng ngàn, hàng vạn gia đình trên cả nước đều giữ thói quen tín ngưỡng một cách thái quá, đầy hủ tục thì số tiền phí phạm dành vào việc... đốt đồ mã sẽ rất lớn. Thực tế, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không chỉ ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và đền chùa mà còn lan sang các cơ quan nhà nước, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình, trong các buổi lễ động thổ, khởi công. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội, TPHCM đã tiêu thụ mấy trăm tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã...

Anh Thái Hoàng (TPHCM) thì bức xúc: Ở các thành phố lớn khi thấy đám tang đi qua, người đi đường có thể thấy hình ảnh rải tiền lẻ cùng với những tờ tiền âm phủ xuống đường. Một hình ảnh không đẹp chút nào trong tang lễ. Trước hết, rải tiền âm phủ đồng nghĩa với xả rác, làm mất đi vẻ đẹp của đường phố, gây ô nhiễm môi trường. Đó là một thực tế. Con đường vừa được các cô chú lao công làm sạch, bỗng chốc đầy rác cũng bởi sự mê tín của con người.

Nhiều đám tang, người nhà “thương” ông bà, cha mẹ bằng cách dán những tờ tiền có mệnh giá rất lớn ở ngoài quan tài. Người ta “trầm trồ khen” con cháu giàu nên “gửi lộc”. Có người lại bỏ tiền vào quan tài, có người lại cầm tiền lẻ rải xuống huyệt khi chuẩn bị lấp mộ, có người lại thấy tiền rải dưới mộ còn ít nên móc ví ra lấy một số tiền rải tiếp. Phải chăng những hành động như vậy để chứng tỏ “chữ hiếu”, tình cảm đặc biệt dành cho người đã khuất? Hãy hành động thể hiện sự kính trọng, yêu thương bằng những việc làm thiết thực, sự chăm sóc tận tụy khi đấng sinh thành, người thân khi còn sống, đặc biệt là sự ân cần khi đau ốm, bệnh tật. Đó mới là chữ hiếu đích thực.

Theo một bác sĩ, giáo lý nhà Phật vẫn hướng mọi người không nên đốt đồ vàng mã mà khuyên con người ta sống ở chính cái tâm, lòng thành, bởi dù có đốt nhiều đồ vàng mã mà cái tâm không sáng thì cũng là vô nghĩa.

Thiết nghĩ, giá như người dân bỏ hủ tục đốt vàng mã thì có lẽ mỗi năm với số tiền đáng lẽ bị mang... đốt ra tro tàn ấy chắc sẽ đủ xây dựng được nhiều trường học phục vụ cho các thế hệ trẻ của tương lai đất nước ở các vùng còn nhiều khó khăn thiếu thốn!

Không chỉ lãng phí tốn kém, hủ tục đốt vàng mã còn ảnh hưởng rất nặng nề tới môi trường sống của chúng ta về lâu dài, mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng ra sông, suối, ao, hồ, để vứt, rải xuống với mong muốn cho người cõi âm dễ nhận được! Chính vì thế mà sau mỗi các dịp ngày rằm, mùng 1, hay các dịp lễ tết thì sông, suối, ao, hồ lại bị “tra tấn”, bị “đầu độc” bởi rất nhiều tro hóa vàng nổi lênh láng khiến cho mặt nước đen ngòm ô nhiễm.

Để tránh lãng phí tiền bạc cũng như cải thiện môi trường, trong mỗi gia đình, người dân cần hạn chế, tiến tới từ bỏ hẳn hủ tục đốt vàng mã và thói quen rải tro xuống mặt nước. Nếu người người, nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định và môi trường sống trở nên xanh - sạch - đẹp hơn...!

MINH THU (ghi)

Tin cùng chuyên mục