Sẽ xử lý nghiêm nếu Uber Việt Nam tiếp tục hoạt động không phép

Sẽ xử lý nghiêm nếu Uber Việt Nam tiếp tục hoạt động không phép

>> Công ty Uber chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh

Các dịch vụ vận tải của Uber vẫn tiếp tục hoạt động bình thường sau khi Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam dừng cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành. Những sai phạm này là gì và sẽ được xử lý như thế nào, những người tham gia vào mạng lưới cung cấp dịch vụ của Uber sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, vì sao Công ty TNHH Uber Việt Nam chưa được phép hoạt động, trong khi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam lại được chấp thuận?

- Thứ trưởng NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG: Bộ GTVT đã nêu rất rõ những nội dung chưa hoàn thiện của đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam. Trong đó, điểm quan trọng nhất là ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, chứ không có giấy phép cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, đề án thí điểm chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách, chưa đăng ký “ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử” với Bộ Công thương… Vì vậy, Bộ GTVT chưa thể chấp thuận đề án của Uber Việt Nam và đề nghị bổ sung các giấy phép theo quy định. Trong khi đó, đề án thí điểm của Grab đã được Chính phủ đồng ý thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh và sắp tới Bộ GTVT sẽ có đánh giá sau thời gian thí điểm.

* Vậy sai phạm cụ thể của Công ty TNHH Uber Việt Nam là gì?

- Uber Việt Nam chưa có giấy phép nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải, bao gồm cả việc đưa các xe tư nhân độc lập vào mạng lưới cung cấp dịch vụ vận tải là vi phạm pháp luật Việt Nam. Nếu muốn tham gia điều hành vận tải thì doanh nghiệp này phải có giấy phép, phải thành lập các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam hoặc liên kết với doanh nghiệp vận tải nào phải đăng ký để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý về mọi mặt, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp nói chung và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia vào hệ thống, cũng như người sử dụng dịch vụ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ GTVT không cấm Uber Việt Nam hoạt động mà ở đây là yêu cầu Uber Việt Nam phải hoạt động theo đúng giấy phép đã đăng ký. Nếu Uber muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động thì phải đăng ký bổ sung.

* Thực tế Uber vẫn đang hoạt động, sai phạm này sẽ xử lý thế nào?

- Thời gian vừa qua, Hà Nội và TPHCM đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp xe hợp đồng, ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu Công ty Uber Việt Nam tiếp tục hoạt động ở những nội dung chưa đăng ký, Bộ GTVT sẽ xử lý theo thẩm quyền. Bộ GTVT sẽ giao Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra các hoạt động vận tải, Uber sai phạm đến đâu xử lý đến đấy, các doanh nghiệp nào tham gia cùng Uber cũng bị xử lý theo quy định.

* Hiện nhiều khách hàng vẫn muốn sử dụng dịch vụ của Uber, người dân có xe vẫn muốn tham gia vào mạng lưới dịch vụ này, vậy làm thế nào để hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra?

- Bộ GTVT đã công bố thông tin rõ ràng về những sai phạm của Uber Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó nêu rõ, giấy ủy quyền của Công ty Uber BV (Hà Lan) cho Công ty Uber Việt Nam không đảm bảo ràng buộc, không xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có tranh chấp, khiếu nại của khách hàng. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm của Uber Việt Nam, các chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải cũng cần hiểu và dừng tham gia vào mạng lưới này, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đồng thời, khách hàng cũng cần cảnh giác khi sử dụng dịch vụ không phép để tránh thiệt hại.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

BÍCH QUYÊN thực hiện

Tin cùng chuyên mục