Chia sẻ để hạnh phúc hơn

Nhu cầu tư vấn tâm lý trong cộng đồng đang tỷ lệ thuận với đà phát triển của nhịp sống hiện đại, tuy nhiên những cơ sở tham vấn đủ khả năng và dễ tiếp cận vẫn chưa nhiều.
Chia sẻ để hạnh phúc hơn

Nhu cầu tư vấn tâm lý trong cộng đồng đang tỷ lệ thuận với đà phát triển của nhịp sống hiện đại, tuy nhiên những cơ sở tham vấn đủ khả năng và dễ tiếp cận vẫn chưa nhiều.

Vừa qua, lần đầu tiên, tại một địa điểm công cộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình tư vấn tâm lý miễn phí có tên gọi Sống hạnh phúc đã được tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân (với biệt danh Dr Pepper) - chuyên gia trị liệu hôn nhân gia đình tổ chức.

Chương trình Sống hạnh phúc diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Hãy cùng trò chuyện

Sống hạnh phúc là một chuỗi hoạt động tư vấn tâm lý miễn phí dành cho cộng đồng sẽ luân phiên đến các trường học, khu công nghiệp, ký túc xá... Chương trình mở đầu trong năm 2017 với buổi tư vấn đầu tiên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ 7 - 11 giờ ngày 12-2. Tiến sĩ Phan Thị Huyền Trân chia sẻ: “Tôi hy vọng Sống hạnh phúc sẽ được tổ chức thường xuyên tại các nơi cộng cộng, đặc biệt là các vùng ngoại thành, nhằm mục đích trao cho những người đang gặp bế tắc một nơi để trò chuyện, để tìm lời khuyên và động lực thay đổi để sống hạnh phúc hơn. Chương trình tư vấn tâm lý Sống hạnh phúc nằm trong chuỗi hoạt động cộng đồng năm 2017 của trường Merry Kingdom do tiến sĩ Phan Thị Huyền Trân sáng lập. Sau hơn 3 năm hoạt động, Merry Kingdom đã có hơn 30.000 học viên, không chỉ dừng lại ở tư vấn trị liệu tâm lý mà còn là những lớp học giúp phụ nữ  trở nên xinh đẹp, tự tin, quyến rũ hơn.

Chị Nguyễn Thị Trúc chia sẻ cảm nghĩ: “Trước đây mình chưa bao giờ nói với bất kỳ ai về câu chuyện của mình, có người nghĩ mình quá yếu đuổi, quá kỳ cục. Ngày hôm ấy mình đã khóc khi trò chuyện với cô, mình khóc vì nhận ra mình không đơn độc và mình vẫn còn có thể sống tốt hơn, thậm chí hạnh phúc hơn khi mình không bị động với cuộc sống nữa”.

Theo tiến sĩ Phan Thị Huyền Trân, ở nước ta, đời sống tâm lý của mỗi người chưa được quan tâm đúng mực. Nhiều người quan tâm mình có đẹp không, sự nghiệp thế nào, con cái học hành ra sao… nhưng ít ai để ý xem mình có hạnh phúc không, mình căng thẳng vì điều gì, cuộc sống hôn nhân có thực sự tốt chưa… Thật ra tâm lý là gốc rễ của một con người, khi bạn hạnh phúc, không có vấn đề tâm lý gì thì bạn trở nên tự tin hơn, tươi tắn hơn, sự nghiệp, tài chính và các mối quan hệ trở nên thuận lợi hơn… Khi bạn ổn về tâm lý, bạn có sức mạnh từ bên trong, có khả năng làm được nhiều điều cho chính mình và người khác. Và ngược lại, khi bạn gặp vấn đề, bạn không chỉ không tìm được hướng ra cho mình mà còn tỏa ra một “nguồn năng lượng xấu”, bạn cáu gắt với những người xung quanh, xao nhãng công việc, tự cô lập bản thân, lảng tránh các mối quan hệ.

Sức khỏe tâm lý cần được nhìn nhận đúng đắn hơn

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Cứ 100 bệnh nhân trầm cảm thì có 15 người chết do tự tử.  Ở Việt Nam  có đến 20% dân số đang mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Những chuyên gia tâm lý cho biết, ngay khi vừa chào đời trẻ đã có nhiều nguy cơ bị rối loạn tâm lý do các yếu tố: đột biến gien, thai nhi nhiễm những loại virus từ trong bụng mẹ hay ảnh hưởng của thuốc, hóa chất... Ngoài ra, còn do những sang chấn trong sản khoa gây tổn thương não, màng não. Áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu - nghèo, ly hôn, thất nghiệp... cũng là những lý do.

Tuy nhiên, số lượng người bệnh rối loạn tâm lý được chữa trị còn cực kỳ thấp, trong đó, điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. Chưa kể số nơi có khả năng điều trị tâm lý còn rất ít. Những dấu hiện như căng thẳng, mất ngủ, dễ bực tức, tự cô lập... thường là những triệu chứng ban đầu không rõ ràng và thường bị bỏ qua, thậm chí chính người bệnh cũng không nhận ra, cho đến khi bệnh trở nặng. Một vấn đề nữa là nhận thức của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết xem nhẹ hoặc đánh đồng tất cả những bất thường về tâm lý là “điên”... dẫn đến tình trạng giấu giếm bệnh tật. Thông thường chẳng ai xem việc thi trượt đại học, chia tay người yêu hay mất việc là nguyên nhân có thể dẫn đến việc một người bị suy sụp tinh thần và sang chấn tâm lý. Một đứa trẻ nếu đột ngột chỉ được sống với cha hoặc mẹ thì đứa trẻ đó sẽ phải thích nghi dần.

Chị Huỳnh Huyền Trân - Giám đốc Truyền thông Dự án Sống hạnh phúc cho biết: “Hiện tại khó khăn duy nhất của chúng tôi đó là tâm lý ngại chia sẻ câu chuyện của chính mình trước nhiều người khác. Chúng tôi mời các bạn tham gia tư vấn ghi hình để chia sẻ câu chuyện của họ thông qua video, về cách họ giải quyết vấn đề thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực. Đôi khi, chúng tôi phải thuyết phục là chương trình này mong muốn câu chuyện của bạn cũng sẽ là bài học giúp người cùng cảnh ngộ khác nhận ra bài học cho riêng họ. Nếu họ ở nơi xa xôi, không có tiền đi tư vấn tâm lý thì vẫn có thể tìm ra được một giải pháp nhanh cho vấn đề của mình. Nhưng nhiều bạn vẫn còn e ngại nên đề nghị quay hình từ phía sau lưng”.

Trong các số tiếp theo Sống hạnh phúc dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, các khu chế xuất tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

PHAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục