Trả vỉa hè cho người đi bộ - Giải bài toán mưu sinh căn cơ

VÂN ANH

Song song với quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, để giải bài toán mưu sinh cho bà con nghèo, UBND quận 1 vừa đề xuất thí điểm tổ chức hai khu vực được bán hàng rong trên vỉa hè cuối tuần. Dù được UBND TP chấp thuận như giải pháp tạm thời hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng vẫn còn đó nhiều ý kiến băn khoăn, cho rằng TP cần có giải pháp căn cơ hơn, bởi vỉa hè vốn chỉ dành cho người đi bộ, công viên chỉ dành cho nhu cầu giải trí và kế mưu sinh cho người dân cần được cải thiện chứ không chỉ quanh quẩn ở gánh hàng rong nơi vỉa hè.

Diện tích mỗi quầy hàng chừng 6m²

Cụ thể, theo đề xuất của UBND quận 1 hồi đầu tuần này, đối với vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, vị trí tổ chức có chiều dài 40m, chiều rộng 5m, dự kiến bố trí dài 40m x 3m, bố trí 20 hộ kinh doanh với diện tích mỗi quầy 2m x 3m. Tại Công viên Bách Tùng Diệp (mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng), diện tích khuôn viên được quy hoạch tổ chức là 8,7m x 33,5m, bố trí cho khoảng 15 hộ với diện tích mỗi quầy 2m x 2m.

Đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1), tuyến đường được UBND quận 1 đề xuất bố trícho người bán hàng rong kinh doanh trên vỉa hè. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về phương thức hoạt động, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng các hộ sẽ vận chuyển thực phẩm đã được chế biến sẵn tại nhà đến vị trí được bố trí. Ở khu vực bố trí bán hàng nói trên, các hộ kinh doanh chỉ hâm nóng thức ăn rồi cung cấp cho khách ăn uống tại chỗ hoặc có thể mang đi. Sau thời gian hoạt động quy định (buổi sáng từ 6 giờ - 9 giờ, buổi chiều từ 11 giờ - 13 giờ), bàn ghế, dù che sẽ được thu gọn, trả lại vỉa hè trống cho người đi bộ. 

Mặc dù đồng ý chủ trương cho phép chính quyền quận 1 triển khai thí điểm nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng bày tỏ không ít băn khoăn. Bởi lẽ, số người nghèo mưu sinh bán hàng rong trên địa bàn quận rất lớn so với số lượng chỉ vài chục hộ được bố trí buôn bán tại hai vị trí nói trên. “Cùng một đối tượng như nhau nhưng người này được bố trí bán, người khác lại không được, như vậy sẽ thiếu công bằng”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Năm, một người bán hàng rong trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) cho biết, nhiều năm qua bà đã quen với việc gánh hàng rong gồm bánh kẹo, trái cây đi nhiều tuyến đường khu vực trung tâm mới mong bán được hàng cho nhiều khách. “Một khi dồn về một chỗ, người bán sẽ đỡ cực hơn nhưng lượng khách có thể sẽ giảm, vì khách qua đường sẽ thấy bất tiện khi vào nơi bán tập trung, chưa kể người bán hàng rong nghèo thì nhiều lắm, không biết ai sẽ được chọn bố trí vào điểm bán tập trung?”, bà Năm băn khoăn. 

Cân nhắc triển khai thí điểm

Cũng tại cuộc họp đầu tuần này, sau khi nghe đề xuất của UBND quận 1, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết thỏa đáng đi kèm với phương án bố trí chỗ bán hàng tạm thời trên một số vỉa hè nói trên.

Chẳng hạn, khi tổ chức buôn bán trên vỉa hè tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm thì lối nào dành cho người đi bộ? Hết thời điểm hoạt động, bàn, ghế, dù sẽ dọn đi đâu? Việc nấu nướng, hâm nóng thức ăn liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Phương án thoát nước thải trong quá trình buôn bán ra sao? Góc đường Nguyễn Văn Chiêm - Hai Bà Trưng có mật độ xe rất đông vào giờ cao điểm nên quá trình vận chuyển, thu dọn bàn ghế chắc chắn gây cản trở giao thông, vậy giải quyết ra sao? Tương tự công viên Bách Tùng Diệp nằm trên các trục đường giao thông chính với lưu lượng giao thông khá cao, nhất là vào giờ cao điểm, nên nếu tổ chức buôn bán trong khu vực này, dự báo giao thông sẽ bị trở ngại đến mức nào để có giải pháp giải quyết thông suốt?...

Những khó khăn được nêu ra tại cuộc họp nói trên hoàn toàn có cơ sở, bởi đây không chỉ là những khó khăn trước mắt trong quá trình tổ chức hoạt động buôn bán trên vỉa hè, mà còn có khả năng dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp hơn cho trật tự đô thị và giao thông của khu vực trung tâm, một khi những khu vực vỉa hè nói trên dần được hình thành là những điểm buôn bán hàng hóa, thức ăn và đất công viên trở thành điểm kinh doanh, buôn bán tập trung. Bài học cho quận 1 trong việc di dời, giải tỏa những khu vực kinh doanh gây mất trật tự có lẽ vẫn còn nguyên giá trị, khi nhiều năm nay chính quyền quận 1 khá vất vả trong công tác di dời, giải tỏa chợ tạm ở lòng lề đường Tôn Thất Đạm, Đề Thám, Cô Bắc, Cô Giang…, cho đến giờ này vẫn chưa giải quyết xong do vướng đơn giá hỗ trợ di dời.   

Cũng có ý kiến cho rằng, bài học quản lý đô thị tại các nước cho thấy: vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ và tất cả cửa hàng, quán xá đều được bố trí trong khuôn viên nhà, không lấn chiếm lối đi dành cho giao thông. Do vậy, trước khi triển khai thí điểm, quận 1 nên tiếp tục cầu thị, lắng nghe thêm dư luận xã hội. Chưa kể, đối với bài toán giải quyết kế sinh nhai cho người nghèo, rất cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, căn cơ.

 Hỗ trợ người bán hàng rong kinh doanh qua mạng

Để có nhiều giải pháp giúp bà con nghèo kinh doanh sau khi phải trả lại vỉa hè cho giao thông, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các quận - huyện trên địa bàn TPHCM nghiên cứu triển khai phương thức hỗ trợ người bán hàng rong, thức ăn đường phố có thương hiệu kinh doanh qua mạng. Các quận 1, 5 được TP giao triển khai thực hiện thí điểm.

Chiều 22-3, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện UBND quận 1 cho biết đã giao cho lực lượng đoàn thanh niên phối hợp với 10 phường nghiên cứu lập facebook để hỗ trợ bà con bán hàng qua mạng. Trên trang mạng này sẽ cập nhật thường xuyên hình ảnh sản phẩm ẩm thực của người bán, cùng với thông tin liên hệ. Đi vào cụ thể, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết quận sẽ mời bà con tham gia tập huấn kinh doanh online. “Hiện nay có rất nhiều người thu nhập cao từ loại hình kinh doanh trực tuyến này, trong đó có thức ăn đường phố. Tỷ lệ người dân TPHCM sử dụng công nghệ thông tin và smartphone rất cao, quan trọng là thức ăn chế biến ngon và hợp vệ sinh thì chắc chắn việc kinh doanh của người dân sẽ đạt hiệu quả”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh nói.

Tương tự, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, cũng cho biết đã giao cho Phòng Kinh tế quận phối hợp với Quận đoàn quận 5 lập trang facebook, tổ chức vận hành, hỗ trợ người dân đưa các món ăn của mình giới thiệu lên mạng. Song song đó, tập huấn cho bà con cách thức kinh doanh nhận chuyển hàng qua mạng. “Đây là hình thức kinh doanh không mới, tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ bước đầu của chính quyền”, ông Phạm Quốc Huy nói.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục