Việt Nam vẫn còn khoảng 800.000 tấn bom mìn sót lại sau chiến tranh

Ngày 28-3, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH tổ chức họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

(SGGP).- Ngày 28-3, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH tổ chức họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Theo số liệu công bố ước tính của Bộ LĐTB-XH, hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha (chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước). Vì vậy, Việt Nam vẫn đang được coi là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do bom mìn gây ra. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh và thành phố nhưng nằm tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Việt Nam vẫn còn khoảng 800.000 tấn bom mìn sót lại sau chiến tranh (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách quan tâm và hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra, đồng thời cũng triển khai nhiều chương trình để rà phá, giảm thiểu ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. Cả nước hiện xây dựng được 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập để hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có người bị ảnh hưởng do bom mìn. Tuy nhiên Bộ LĐTB-XH đề nghị trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng và đẩy mạnh dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật và người bị ảnh hưởng bởi bom mìn gây ra.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục