Giao thông khu vực Nam bộ - Oằn mình quá tải

 Kẹt cả làn đường dành cho xe ô tô lẫn làn đường dành cho xe 2 bánh, là hình ảnh thường thấy ở nhiều tỉnh, thành khu vực Nam bộ vào cuối tuần hoặc dịp lễ, tết. Thế nhưng, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải chưa cho thấy có sự đầu tư hợp lý đối với khu vực này. Trong khi đó, Nam bộ đã, đang và sẽ tiếp tục là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất nước. Nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng liên tục.

Thời gian đi lại chưa được rút ngắn

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách lâu năm ở TPHCM cho biết, hầu như không có sự thay đổi nhiều ở những cung đường khu vực phía Nam. Vẫn là những tuyến đường nhỏ làm từ trước năm 1975 mà 2 ô tô đi ngược chiều nhau phải hết sức cẩn thận, nếu không muốn bị va chạm. Mặc dù đã có một số cầu nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch đã được xây mới, như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu… song vẫn còn tồn tại hàng chục cây cầu khác chỉ đảm bảo cho một làn xe lưu thông. Những cây cầu nhỏ “vô tình” đã trở thành nút thắt cổ chai trên không ít tuyến đường từ các tỉnh miền Tây Nam bộ về TPHCM. Từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận dài khoảng 70km nhưng có đến gần 20 cây cầu như vậy. Quốc lộ 1đi từ TPHCM về miền Tây Nam bộ tuy một số đoạn đã được mở rộng thêm mỗi bên 1 làn xe, song nhiều chỗ vẫn rất quá tải. Đặc biệt đoạn đi qua thị xã Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, vào các dịp cuối tuần, hoặc các dịp lễ, tết, ô tô dừng chờ đèn đỏ ở đây có khi kéo dài cả cây số; làn đường dành cho xe máy 2 bánh nhiều đoạn đã nằm… ngay sát cửa nhà dân.

Phương tiện giao thông từ ĐBSCL vào TPHCM theo quốc lộ. Ảnh: CAO THĂNG

“Dù không phải đợi phà hàng giờ để qua sông Tiền và sông Hậu như trước, nhưng thời gian đi từ TPHCM về thủ phủ của miền Tây Nam bộ vẫn khoảng 5 giờ, như cách nay gần 50 năm” vị giám đốc này nói. Quốc lộ 60 dẫn vào cầu Rạch Miễu đi các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng cũng luôn trong tình trạng xe… chen xe. Ngành chức năng của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre đã bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại hầu hết các giao lộ suốt từ xã Tân Hương huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đến cầu Mỹ Thuận và khu vực gần cầu Rạch Miễu nhưng cũng không giải quyết căn cơ được tình trạng kẹt xe.

Từ TPHCM ngược về khu vực Đông Nam bộ và khu vực Nam Trung bộ, nhiều tuyến đường đã được cải tạo mở rộng như quốc lộ 51, quốc lộ 13… Cùng với đó, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Thế nhưng, cũng như khu vực Tây Nam bộ, nhiều tuyến đường ở khu vực này vẫn quá tải do lượng xe lưu thông đã tăng gấp nhiều lần trong những năm vừa qua. Sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như sự phát triển mạnh mẽ của cụm cảng biển Vùng TPHCM đã làm tăng nhu cầu chuyên chở của cả khu vực. Xe tăng nhiều nhưng hệ thống đường tăng không đáng kể là nguyên nhân chính làm cho thời gian đi lại trong khu vực vẫn khá dài.

Theo nhiều tài xế có thâm niên cầm lái hàng chục năm, thời gian đi từ TPHCM tới Nha Trang hoặc Phan Thiết, Ninh Thuận hầu như không được rút ngắn bao nhiêu so với cách nay… 50 năm.

Thật khó tin là cho đến nay cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ mới có hai đoạn cao tốc là TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài chưa được 100km. Trong khi khu vực phía Bắc tính từ Hà Nội đi các hướng đều có đường cao tốc với chiều dài hàng trăm kilômét mỗi tuyến.

Giảm sức cạnh tranh của hàng hóa

Thời gian đi lại kéo dài, đã vậy trên suốt đường đi, lại có thể bị ùn tắc giao thông bất cứ lúc nào, không những làm hành trình của người dân mệt mỏi mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hành hóa của khu vực Nam bộ.

Miền Tây Nam bộ có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, song đa phần có độ bồi lắng cao nên việc hình thành các tuyến đường thủy phục vụ chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn rất khó. Hiện từ khu vực này lên TPHCM gần như chỉ có tuyến kênh Chợ Gạo có thể chạy được những sà lan tải trọng loại lớn. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy theo hình thức sà lan kéo lại có hạn chế rất lớn là tố độ di chuyển chậm. Hình thức này chỉ thích hợp để chuyên chở các loại hàng hóa như phân bón, máy móc… Trong khi đó, miền Tây Nam bộ là vùng sản xuất lương thực, nông - thủy sản trọng điểm lớn, có tính quyết định đối với đất nước. Ngoài ra, nơi đây còn có các vùng chuyên canh nhiều loại cây ăn trái chất lượng cao. Muốn đưa những mặt hàng này được tươi, ngon đến tay người tiêu dùng, thời gian chuyên chở phải được rút ngắn.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển ở miền Tây Nam bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do các cửa sông thường bị bồi lắng. Kết quả, có tới 70% - 80% nông sản nơi đây muốn xuất đi nước ngoài phải chuyên chở lên các cảng biển ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Với chỉ khoảng 40km đường cao tốc, còn lại hầu hết là đường nhỏ, cầu cũ kỹ, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ miền Tây Nam bộ lên TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Theo ước lượng của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, hệ thống đường bộ của miền Tây Nam bộ chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vận chuyển hàng hóa và trở ngại này đã và đang làm giảm đi sức cạnh tranh của nông, thủy sản miền Tây Nam bộ. Trong nhiều hội thảo về logistics do Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đã được nêu là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng chi phí logistics của Việt Nam tăng gần 20% so với các nước trong khu vực.

Giao thông bằng đường bộ ở khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ có thêm hệ thống đường sắt hỗ trợ, song tình trạng quá tải vẫn diễn ra cục bộ ở nhiều nơi. Một trong những điểm nóng về quá tải giao thông đường bộ ở khu vực này là ở nhiều đoạn trên quốc lộ 51. Đây là trục giao thông xương sống nối từ các khu công nghiệp - khu chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… đi ra cụm cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Mấy năm gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã mở rộng quốc lộ 51, thế nhưng vào giờ cao điểm vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Cũng giống như khu vực Tây Nam bộ, khu vực Đông Nam bộ cũng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc.

Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, nếu để tình trạng trên kéo dài, không những trì kéo sức phát triển của Nam bộ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của đất nước. Do đó, ngay trong năm nay và những năm tiếp theo, đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông khu vực Nam bộ cần được ưu tiên, đặc biệt là trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình Fulbright, Đại học Kinh tế TPHCM, những đoạn tuyến cao tốc cần được ưu tiên là Trung Lương - Cần Thơ, Dầu Giây - Phan Thiết và Nha Trang - Phan Thiết. Đây là những tuyến đường kết nối tới nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc trung tâm đô thị, trung tâm du lịch lớn. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng nên ưu tiên dùng các nguồn vốn vay, vốn ngân sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối thông thoáng giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng TPHCM. Bởi đó sẽ là cơ sở quan trọng giúp cho khu vực phát triển cũng như giúp cho TPHCM giải quyết được vấn nạn kẹt xe.

NGUYỄN KHOA - QUỐC HÙNG 

Tin cùng chuyên mục