Quá tải cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện

>> Hai phần ba sinh viên thích làm trong khu vực nhà nước

>> Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Đã khóa gần 20 triệu SIM rác”

(SGGPO).- Sáng 18-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, UBTVQH đã tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung. Đây là lần đầu tiên ông Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trực tiếp của ĐBQH.

Kiên quyết xử lý hiện tượng trục lợi chính sách người có công

Khẳng định quan điểm tập trung xử lý hồ sơ người có công bị tồn đọng, chưa được giải quyết chính sách, song sẽ làm cẩn thận, chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thông tin cho ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau): “Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số hơn 2 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ chiếm 95,75%; số kê khai hưởng chưa đầy đủ là chiếm 4,16% và số phát hiện hưởng sai chính sách là gần 1.900 trường hợp (chiếm 0,09%)”.

Thừa nhận vẫn còn tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi từ chính sách người có công, Bộ trưởng Dung cho biết, trong 3 năm gần đây, đặc biệt năm 2016, đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương đẩy mạnh thanh tra, giờ này đã thanh tra xong 5 quân khu của quân đội và 29 địa phương, chú trọng những nơi có nhiều đơn thư phản ánh, đã phân loại cụ thể để giải quyết thấu tình đạt lý. Với các trường hợp không đủ hồ sơ thì điều chỉnh, bổ sung, các trường hợp khai sai thì yêu cầu đình chỉ ưu đãi, yêu cầu hoàn trả. Giải pháp quan trọng tới đây, theo Bộ trưởng là tăng cường công khai minh bạch trong quá trình giải quyết chính sách người có công, đặc biệt coi trọng ý kiến các đồng chí lão thành Cách mạng, cựu chiến binh, tăng cường giám sát...

Liên quan đến chất vấn của ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) về sự chậm trễ trong giải quyết chính sách cho lực lượng thanh niên xung phong hy sinh, bị thương… Bộ trưởng Dung cho biết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg về điều chỉnh chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí, điều chỉnh trợ cấp đối với đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 4817/LĐTBXH-NCC, qua đó thống nhất ý kiến của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam về việc đề nghị tặng thưởng Huy chương cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tuy nhiên, hiện nay chính sách đối với thanh niên xung phong thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ”, ông Dung giải thích thêm và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Về vấn đề chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ được ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTBXH đã được Thủ tướng giao chuẩn bị kế hoạch chi tiết, hướng tới mục tiêu tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng, trong dịp này sẽ có 16 hoạt động cấp quốc gia, từ đó các địa phương vận dụng sáng tạo ở cơ sở. Một số hoạt động nổi bật là lễ kỷ niệm cấp quốc gia, dự kiến tổ chức trọng thể sáng 27-7 tại Thủ đô Hà Nội; lễ tuyên dương 700 người có công tiêu biểu nối cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu của cả nước; chương trình nghệ thuật Linh thiêng Thành cổ tại Quảng Trị… Tối 26-7, tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ sẽ tổ chức lễ thắp nến tri ấn tưởng niệm các anh hùng,  liệt sĩ. Bên cạnh đó, các chương trình lâu dài có chiều sâu khác cũng được tiếp tục đẩy mạnh, trong đó có việc từ nay đến hết năm 2017 tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ kê khai là người có công tồn đọng, chưa được giải quyết chính sách; đẩy mạnh rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Rất cần sự hỗ trợ của ngành công an

Trước đó, mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) hỏi về tình trạng học viên cai nghiện trốn trại, gây bất ổn, đề nghị Bộ trưởng nêu rõ nguyên nhân, giải pháp cho tình trạng này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận đây là một bức xúc thực tế nổi lên trong thời gian qua, nhất là ở một số tỉnh thành trọng điểm phía Nam. Giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, người đứng đầu ngành LĐTBXH nhấn mạnh, việc thực hiện cai nghiện bắt buộc ở một số địa phương chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, nhiều nơi nôn nóng muốn làm trong sạch địa bàn thì đưa hết người sử dụng ma túy vào mà chưa phân biệt các đối tượng: người nghiện, người sử dụng, người lạm dụng ma túy…  Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện còn hạn chế, dẫn đến quá tải.

“Đồng Nai thực chất chỉ có thể thu xếp chỗ cho 500 đến 600 học viên, nhưng có thời điểm có tới gần 1.500 em. Đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại các Trung tâm cai nghiện tập trung lại rất thiếu, đãi ngộ thấp, một cán bộ phục vụ tối thiểu 10 học viên, công việc vất vả, nguy hiểm rình rập; trong khi lương có hơn 2 triệu đồng/ tháng. Họ lại cũng không được trang bị bất kỳ công cụ hỗ trợ gì để đảm bảo an toàn cho chính mình, xin thưa thật với ĐBQH như vậy”, ông Đào Ngọc Dung trần tình. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, là một ngành dân sự, ngành LĐTBXH rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, sự hỗ trợ của cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự không chỉ bên ngoài mà ngay cả bên trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai ngăn chặn các học viên cai nghiện trốn trại vào ngày 7-11-2016


Sẽ xử lý triệt để tình trạng “trung tâm bỏ không, thiết bị “đắp chiếu”

Trả lời ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) về hiệu quả hoạt động không cao của các trung tâm dạy nghề, đặc biệt là ở các trung tâm cấp huyện, đòa tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Dung cho biết, phản ánh của ĐB là hoàn toàn xác đáng. Bên cạnh cái được thì đúng là vẫn có những trường dạy nghề được xây to, nhưng để… cho thế, vì quá ít người học; thiết bị, đồ dùng dạy nghề còn “đắp chiếu”, Bộ trưởng đề nghị các hội, đoàn thể, tổ chức có cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp tổng rà soát. “Từ nay đến hết quý 3 Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy định không lập mới các trường dạy nghề công lập không cam kết lộ trình tự chủ phù hợp, đồng thời sắp xếp, tinh giản hệ thống các trường hiện có. Thậm chí có thể 2-3 tỉnh mới lập 1 trường dạy nghề công lập công lập. Các trường trung cấp, cao đẳng có thể sát nhập, chuyển giao sang lĩnh vực khác, đảm bảo sử dụng hết công suất”, ông Đào Ngọc Dung khẳng định.

Song song với việc tinh giản hệ thống trường công lập, sẽ tăng cường tính tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Đối với các ngành, nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích tài năng. Tiến tới bình đẳng trong chính sách nhận hỗ trợ của nhà nước đối với người học ở trường công lập, trường ngoài công lập...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục