Xử lý nghiêm khắc hơn những sai phạm về thông tin trên mạng

>> 

>>  Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Đã khóa gần 20 triệu SIM rác”

• Phát triển mô hình mạng xã hội của các cơ quan Nhà nước

(SGGPO).- Báo cáo trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 18-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn cho biết, qua theo dõi, quản lý hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, Bộ TT-TT nhận thấy có tình trạng một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải nhiều video clip, tin bài có nội dung thông tin xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP

Trong trường hợp xác định các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin sai phạm, thì tùy theo mức độ, Bộ TT-TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời - ông Trương Minh Tuấn khẳng định dứt khoát.

Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép (nếu có), thu hồi tên miền, hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin phản động từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam) thì việc xử lý thông tin vi phạm trên các trang mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Mới đây, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động trang thông tin điện tử và mạng xã hội nước ngoài, đồng thời cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ TT-TT phân định, làm rõ phạm vi, trách nhiệm của từng bộ, ngành và xây dựng cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm.

Về phần mình, Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm. Năm 2016, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 180 triệu đồng. Trong Quý I/ 2017, đã xem xét và xử lý 16 cá nhân và doanh nghiệp; phối hợp với các Sở TT-TT tỉnh, thành phố, A68, A87 xử lý 20 trường hợp các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 400 triệu đồng.

Nội dung trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề về công tác quản lý an toàn thông tin mạng. Ảnh minh họa: Internet

Bộ TT-TT cũng đã chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn thông tin xấu độc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội. Theo đó, bắt đầu cuối tháng 2-2017, Bộ TT-TT đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ một số video clip xấu độc trên YouTube. Kết quả, đến ngày 16-3-2017, Google đã hợp tác, ngăn chặn gỡ bỏ 42/46 video xấu độc theo yêu cầu của Bộ TT-TT. Hiện tại, Bộ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Google để nghiên cứu các giải pháp khả thi nhằm giải quyết hiệu quả nhất về vấn đề này.

Một giải pháp quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để theo sát thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý. Đồng thời, xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới, tốc độ truyền tải cao với số lượng người sử dụng ngày càng tăng, tính chất thông tin ngày càng đa dạng, phức tạp...

Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết sẽ nghiên cứu phát triển mô hình mạng xã hội của các cơ quan Nhà nước, coi đây là một kênh thông tin hữu ích để người sử dụng có thể tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng với chủ trương, chính sách của Nhà nước; ngược lại, các cơ quan nhà nước cũng sẽ kịp thời nhận được những phản ánh của người sử dụng về những bất cập trong chính sách quản lý.

Phân định trách nhiệm bộ, ngành trong hoạt động quảng cáo

Về việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, có một nghịch lý là cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, song hầu hết những vấn đề chủ yếu trong quảng cáo và phương thức quảng cáo (báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, xuất bản phẩm, mạng viễn thông di động, mạng internet …) lại do Bộ TT-TT quản lý và cấp phép.

Mặt khác, nội dung quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa lại do các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm. Ví dụ, các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… do Bộ Y tế quản lý; thậm chí các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế còn phê duyệt toàn bộ nội dung kịch bản, hình ảnh, lời thoại của từng clip quảng cáo cho từng sản phẩm hàng hóa. Chất lượng sản phẩm hàng hóa trong quảng cáo bán hàng trên truyền hình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Hàng giả, hàng nhái liên quan đến các sản phẩm hàng hóa quảng cáo, bán hàng trên truyền hình lại do lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công Thương quản lý...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định, trước những diễn biến phức tạp hiện nay của hoạt động quảng cáo, cần đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Sau khi Luật Quảng cáo được sửa đổi, bổ sung, Bộ TT-TT sẽ xây dựng các nội dung hướng dẫn việc quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.

Cảnh báo tình trạng sản phẩm bị gắn trong video có nội dung xấu độc

Liên quan đến việc tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, vừa qua, Bộ TT-TT đã phát hiện có tình trạng một số nhãn hàng, sản phẩm dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị gắn trong một số video có nội dung xấu độc trên Youtube, vi phạm quy định của pháp luật hiện hành như: sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha... – ông Trương Minh Tuấn cung cấp thông tin.

Các nội dung quảng cáo nói trên đều đã được đăng ký, kiểm duyệt và cấp phép quảng cáo tại thị trường Việt Nam, có nội dung lành mạnh và đã xuất hiện trên các báo điện tử, các đài truyền hình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các quảng cáo này lại được gắn trong các clip xấu, độc trên YouTube.

Bộ TT-TT nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng cần xử lý kịp thời. Bộ TT-TT đã có văn bản cảnh báo tình trạng này đến các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo; phối hợp kịp thời với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam) để có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng này. Bộ cũng đã triển khai tập hợp các bằng chứng về hành vi sai phạm của Google, YouTube, Facebook và các công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam để chấn chỉnh, buộc các đơn vị này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

ANH PHƯƠNG

Xử lý nghiêm khắc hơn những sai phạm về thông tin trên mạng ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục