Xây dựng bộ hồ sơ giới thiệu 80 thị trường trọng điểm cho doanh nghiệp

Ngày 10-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, đằng sau cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc là chiến tranh chính trị, an ninh và khoa học công nghệ. Tác động của cuộc chiến này sẽ dàn trải, không đồng đều trong các lĩnh vực nhưng một trong những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là doanh nghiệp. Việt Nam cần tránh nguy cơ trở thành đối tượng tấn công thương mại. Doanh nghiệp nên tự chuẩn bị cho mình các biện pháp tự vệ, đặc biệt là chú trọng thu thập thông tin vĩ mô, nắm bắt xu hướng và cục diện thế giới.

Các đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia và Israel cùng nhiều đại sứ đã chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, các thế mạnh của địa bàn phụ trách cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp, với hiệp hội khi hợp tác với nước ngoài. Các đại sứ đều khẳng định, dù nước lớn hay nhỏ, phát triển hay còn khó khăn, doanh nghiệp luôn có cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn, tự tin và tìm đúng cách thức để thâm nhập thị trường. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có những đặt hàng cụ thể, và kịp thời cập nhật cho cơ quan đại diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài. 

Các doanh nghiệp cho biết, các công ty Việt Nam hiện đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các xung đột thương mại và phản ánh xu hướng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài, đặc biệt là trường hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ kết nối với chính quyền sở tại và vận động chính quyền các nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn Bộ Ngoại giao giúp kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa hai bên.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan đại diện nghiên cứu triển khai các định hướng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm tận dụng thế mạnh của cơ quan đại diện, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá kết nối đối tác, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường hợp tác với ngành ngoại giao và các cơ quan liên quan, mở rộng tham vấn về nhu cầu hỗ trợ trong quá trình Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế ở từng địa bàn. Để phục vụ nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, khu vực và của từng địa bàn, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp xây dựng bộ hồ sơ giới thiệu 80 thị trường trọng điểm và bản tin ngoại giao kinh tế, với mong muốn đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.  

Tin cùng chuyên mục