Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm Tây Nguyên

Ngày 28-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội thảo Tổng kết Kết luận 60-KL/TW ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020); phương hướng xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Qua 10 năm thực hiện Kết luận 60, từ một đô thị loại II, Buôn Ma Thuột đã được quy hoạch, xây dựng và phát triển thành đô thị loại I (ảnh), có bản sắc Tây Nguyên; huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm tăng bình quân hằng năm 13,98%... Tuy nhiên, cho đến nay, một số định hướng phát triển thành phố chưa được triển khai, do các quy hoạch đã được phê duyệt thiếu nguồn kinh phí thực hiện trong khi công tác thu hút đầu tư còn hạn chế. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn, việc sử dụng năng lượng, tài nguyên còn lãng phí; thế mạnh du lịch chưa được phát huy…

 Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: “Chúng ta có cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện tốt, thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Giải pháp về cơ chế chính sách đột phá là giải pháp chính để thu hút nguồn lực. Chúng ta quy hoạch không gian tốt nhưng quy hoạch kiến trúc không có gì khác biệt. Tây Nguyên có thế mạnh là còn tinh khôi, chúng ta phải làm sao giữ được bản sắc, phải có kiến trúc của Tây Nguyên. Chúng ta phải đặt Buôn Ma Thuột trong tổng thể vùng Tây Nguyên, khi xây dựng phải có tầm nhìn 10 năm sau cho vùng Tây Nguyên”.

Tin cùng chuyên mục