Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Đánh giá về sự liên kết để cùng tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đang đầu tư và phát triển phù hợp với chủ trương của Chính phủ hiện nay về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. 
Lễ ký hợp tác thỏa thuận giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Lễ ký hợp tác thỏa thuận giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trong đó, khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận quốc tế, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tạo giá trị gia tăng

Hiện nay, xu hướng sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ đang ngày càng phát triển trên toàn thế giới. Việt Nam là nước có lịch sử sản xuất nông nghiệp và phương thức canh tác hữu cơ truyền thống lâu đời; đặc biệt đang dần phát triển nhiều mô hình sản xuất hữu cơ theo phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta hiện ước đạt khoảng hơn 76.000ha, tăng 3,6 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cấp chứng nhận hữu cơ cho doanh nghiệp vì chưa ban hành bộ tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ, cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ. Trước thực tế đó, dù mới phát triển với quy mô và phạm vi chưa lớn, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Đại diện Control Union - đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn organic của Mỹ và EU, cho biết, hiện có khoảng 150 đơn vị tại Việt Nam được cung cấp chứng nhận đạt chuẩn organic các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, một số sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể kể đến là mặt hàng trà, gia vị, tinh dầu, sữa, gạo... Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, châu Âu. Đơn cử, chỉ tính riêng trong chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 8-2017 do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tổ chức vào đầu tháng 6 cho thấy, đã có hơn 1.000 sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm organic tham gia chiến dịch. Sức tiêu thụ sản phẩm này tăng mạnh do mức độ quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe của người tiêu dùng rất cao.   

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết thêm: “Việc Saigon Co.op chủ động tham gia vào nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ - USDA và châu Âu, không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng để sản phẩm đến tay người dân phải là sản phẩm có giá trị tốt nhất, không phải qua khâu trung gian như trước đây. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất ra sản phẩm đảm bảo không làm tổn hại đến môi trường, nguồn tài nguyên, sinh vật... góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”. 

Liên kết sản xuất và chế biến

Để thực hiện chủ trương, chính sách xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững, gia tăng giá trị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh với quốc tế, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định cho Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood tham gia đầu tư. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay: Tỉnh sẽ tạo điều kiện để Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood hợp tác phát triển ngành cà phê, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, khuếch trương thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong xu hướng liên kết các nhà để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chuẩn quốc tế, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hộ nông dân đã liên kết hình thành tổ hợp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo TS Trần Du Lịch, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, xu hướng bảo hộ nội địa diễn ra ở nhiều thị trường lớn, nhất là hàng nông sản thực phẩm, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập, kể cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa. Chính vì vậy, hợp tác để cùng phát triển đang là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhằm xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa “4 nhà” ngày càng chặt chẽ hơn, các chuyên gia đề xuất: Những đơn vị tư vấn, sản xuất cần tăng cường thông tin để mở rộng mạng lưới và tạo gắn kết với những đối tác trong và ngoài nước; đồng thời mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, từng bước tiến đến đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mới, độc đáo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là khai thác lợi thế đặc sản vùng miền, nhóm sản phẩm theo lợi thế quốc gia.
Về phía Chính phủ, cần xây dựng hành lang pháp lý, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh quy hoạch các vùng chuyên canh, định hướng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị cao, tiến đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Cùng với các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động giám sát quá trình sản xuất của các hộ nông dân; hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống cho người sản xuất. Đồng thời, tăng cường quảng bá các sản phẩm của mình ra thị trường và người tiêu dùng…

Tin cùng chuyên mục