Xây dựng cơ chế huy động vốn cấp nước

“Từ nay đến năm 2020, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) sẽ tập trung huy động nguồn lực về vốn để đầu tư phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước với hiệu quả cao; đồng thời, thực hiện kiểm soát hiệu quả chất lượng nguồn nước từ nguồn đến mạng”. Đó là một trong những nhiệm vụ được Sawaco đặt ra trong giai đoạn 2018-2020.
Xây dựng cơ chế huy động vốn cấp nước

Những kết quả bước đầu

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sawaco Dương Hồng Đệ chia sẻ: “Từ năm 2016, Sawaco bắt đầu triển khai thực hiện chương trình hành động của Đảng bộ Sawaco về “huy động nguồn lực xã hội cùng hợp tác phát triển ngành cấp nước, đảm bảo mục tiêu cung cấp nước sạch”. Đây cũng là năm UBND TPHCM và Sawaco tập trung thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân TP (gần 2 triệu hộ) được cung cấp nước sạch. Chỉ tiêu này đã được Sawaco hoàn thành vào đầu năm 2017.

Tính từ năm đầu nhiệm kỳ đến nay, Sawaco đã đầu tư gần 7.240 tỷ đồng để phát triển và cải tạo mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2, cấp 3; cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn quản lý và giảm nước thất thoát - thất thu, đảm bảo an toàn cấp nước. Trong đó, Sawaco đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng lắp đặt hơn 2.000km đường ống cấp 3 và gắn mới đồng hồ nước cho hơn 280.000 hộ để thực hiện đạt chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch.

Các kết quả trên đến từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc huy động nguồn lực về vốn đầu tư phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước với hiệu quả cao. Đơn cử, để thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch theo nghị quyết của HĐND TPHCM, Sawaco đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp 3. Sawaco cũng được huy động nguồn vay từ chương trình kích cầu đầu tư của TP cho các dự án phát triển mạng lưới cấp 1, cấp 2, góp phần tăng áp lực nước cho các khu vực đầu tư mới mạng đường ống cấp 3. 

Cùng với đó, Sawaco huy động nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật vận hành, quản lý hệ thống cấp nước, cải thiện nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước. Trong giai đoạn 2015-2017, Sawaco đã ký kết thỏa thuận hợp tác, trao đổi kỹ thuật với Cục Cấp nước Osaka cho giai đoạn 2015-2018 (ảnh). Dự kiến vào tháng 11-2018, Sawaco và Cục Cấp nước Osaka tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác mới. Ngoài ra, Sawaco cũng ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi kỹ thuật với nhiều đơn vị trong và ngoài nước khác như: Cục Cấp nước Yokohama, Cục Cấp thoát nước Kitakyushu (Nhật Bản); chương trình trao đổi hợp tác giữa Cục Cấp nước Busan (Hàn Quốc) và Sawaco (nằm trong chương trình hợp tác trao đổi hành chính giữa TP Busan và TPHCM)...

“Để nâng cao chất lượng cung cấp nước, Sawaco tập trung nguồn nội lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý tiên tiến, hiện đại; xây dựng Sawaco ngang tầm với các công ty cấp nước trong khu vực”, ông Dương Hồng Đệ thông tin. Đến thời điểm hiện nay, Sawaco đã xây dựng hệ thống điều hành quản lý mạng lưới cấp nước (DCC), thiết lập hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu mạng lưới cấp nước thông qua dự án GIS; xây dựng kế hoạch giám sát chất lượng nước, xây dựng phòng quản lý chất lượng nước đạt chuẩn... Đồng thời, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao hướng đến công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước bằng các phương tiện hiện đại, chính xác, hiệu quả cao; tổ chức quản lý điều hành hoạt động theo tiêu chuẩn ISO.

Cần cơ chế huy động vốn xã hội hóa

Sawaco khẳng định, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều nội dung chương trình theo đúng tiến độ, một số nội dung đã được hoàn thành. Song, Sawaco không huy động được nguồn lực về vốn từ các nhà đầu tư xã hội hóa nên chưa triển khai được một số chương trình như: công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước. Theo ông Dương Hồng Đệ, việc huy động các nguồn lực xã hội cùng hợp tác đầu tư cho các hoạt động cấp nước chỉ mới dừng ở bước tìm hiểu, chưa đạt được các thỏa thuận cụ thể. Trong khi đó, một số dự án đã đạt đến giai đoạn góp vốn cùng hợp tác đầu tư phải tạm ngưng vì UBND TPHCM yêu cầu tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng vì thiếu nguồn lực, Sawaco chưa thể triển khai các mảng công tác khác về cấp nước an toàn, nâng chất lượng cung cấp nước sạch. Mặt khác, giá nước lộ trình 2018-2022 chưa được phê duyệt nên Sawaco cũng gặp khó khăn trong việc triển khai các nội dung tiếp theo của chương trình.

Tuy vậy, ông Dương Hồng Đệ khẳng định, Sawaco đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nước bền vững, đảm bảo an toàn cấp nước và nâng cao chất lượng nước sạch. Theo đó, Sawaco có kế hoạch phát triển nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu nước thô cho các nhà máy, thích ứng với ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước và biến đổi khí hậu. Cùng đó, Sawaco đề xuất UBND TPHCM các giải pháp phát triển và đảm bảo an toàn nguồn nước (như hồ trữ nước thô, lấy nước từ hồ đầu nguồn, xây đập ngăn mặn...). Hiện nay, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương lập đề xuất dự án xây dựng tuyến ống truyền tải nước thô từ hồ Dầu Tiếng đến Nhà máy nước Tân Hiệp.

“Các dự án hạ tầng cấp nước không vì mục đích lợi nhuận nhưng có tầm quan trọng trong việc đảm bảm an toàn, gắn với an sinh xã hội TPHCM”, ông Dương Hồng Đệ phân tích. Các dự án này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nên Sawaco sẽ nỗ lực huy động vốn đầu tư phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước với hiệu quả cao. Trong đó, Sawaco sẽ tập trung huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư trong nước phát triển mạng lưới cấp nước từ hệ thống truyền tải đến hệ thống phân phối. Để có thể triển khai hiệu quả các nội dung chương trình đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Sawaco kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sớm thông qua lộ trình giảm nước thất thoát, làm cơ sở xây dựng phương án giá nước mới, lộ trình 2018-2022. Sawaco cũng kiến nghị TPHCM có cơ chế đặc thù về huy động vốn để thực hiện các dự án hạ tầng cấp nước.

Trong giai đoạn 2015-2017, Sawaco đã đầu tư gần 7.240 tỷ đồng phát triển và cải tạo mạng đường ống (cấp 1, cấp 2, cấp 3), cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân và giảm nước thất thoát, thất thu, đảm bảo an toàn cấp nước. Cụ thể:

- Vốn ngân sách: 33,5 tỷ đồng thanh quyết toán các dự án phát triển mạng cấp 1, cấp 2 Kênh Đông, các dự án tiếp nhận nước BOO Thủ Đức; 392,6 tỷ đồng cho chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

-Vốn vay kích cầu: 618,5 tỷ đồng đầu tư lắp đặt ống cấp 1, cấp 2 và xây dựng bể chứa tại Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp.

- Vốn vay thương mại: 2.289 tỷ đồng đầu tư phát triển ống cấp 3 và gắn mới đồng hồ nước để cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân.

- Vốn vay ADB: 689 tỷ đồng cho dự án giảm thất thoát nước, tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Sawaco giai đoạn 2011-2020.

- Vốn kinh doanh của Sawaco: 2.698 tỷ đồng đầu tư cải tạo, sửa chữa các tuyến ống cấp nước, đảm bảo an toàn cấp nước tại các nhà máy nước, giảm nước thất thoát, thất thu, trả nợ gốc vốn vay và lãi vay.

- Vốn đền bù di dời hệ thống cấp nước phối hợp với các dự án hạ tầng khác: 217 tỷ đồng.

- Vốn của các công ty cổ phần cấp nước, công ty TNHH MTV: 992 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục