Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

Cuối tuần qua, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, nhiều đại biểu nêu mối quan ngại về môi trường văn hóa, cho rằng vấn đề quan trọng đối với sự phát triển đất nước còn là chuẩn chất văn hóa; nguyên nhân sâu xa của các tệ nạn xã hội, thực trạng phạm tội, xuống cấp đời sống… là vấn đề văn hóa.

Vậy ta đã quan tâm vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước chưa, được đầu tư như thế nào, Chính phủ có chính sách gì để khắc phục các bất cập này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các đại biểu, cho rằng các nghị quyết đều khẳng định, quan tâm đến văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế; văn hóa không được đi sau kinh tế. Về những bất cập đang tồn tại, Thủ tướng cho biết Việt Nam phải xây dựng môi trường lành mạnh; người Việt Nam thân thiện, nhân ái, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Để làm được điều đó phải gắn văn hóa với du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam phải được thể hiện nhiều hơn trong thời gian tới. Chủ trương này tới đây sẽ được triển khai quyết liệt, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện.

Nhóm vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm: Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; vấn đề định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đạo đức xã hội; có hay không thông tin từ mạng xã hội đang lấn át báo chí chính thống. Vậy, giải pháp gì để nâng cao dân trí và hạn chế những tiêu cực này. Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời, cho rằng trong bối cảnh giao lưu mở rộng, không thể đi ngược lại xu hướng tiếp cận mạng xã hội và Internet; đồng thời nó cũng gây ra những tác hại không nhỏ như thông tin bôi nhọ, dựng chuyện xúc phạm danh dự cá nhân, kích động bạo lực, khiêu dâm… Không nên coi mạng xã hội là xấu, mà phải xem ý thức và sự sàng lọc của người sử dụng như thế nào.

Về giải pháp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đã xử lý mạnh các nguồn phát tán thông tin độc hại, yêu cầu gỡ bỏ hàng ngàn clip của nhà cung cấp mạng xã hội nước ngoài đưa thông tin có nội dung xâm hại lợi ích của Nhà nước và cá nhân… Bộ trưởng nêu giải pháp tiếp tục chỉ đạo báo chí đẩy mạnh thông tin; tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt. Hệ thống báo chí phải là hạt nhân định hướng đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội.

Những vấn đề nêu trên cho thấy tính cấp bách của việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Thực tế, kinh tế nước ta từ một nước nghèo đã tiến lên trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, về đẳng cấp văn hóa đã tiến kịp thế giới mức độ nào là điều khó định vị. Chỉ riêng bộ mặt đô thị, với người dân trong nước chứ chưa kể du khách quốc tế, rất khó nhìn nhận đạt chuẩn văn minh do việc giao thông, buôn bán, xả rác bừa bãi, ứng xử với nhau rất tùy tiện, còn mang tính làng quê, thiếu tôn trọng chuẩn mực pháp luật.

Trật tự văn minh đô thị, nếp sống văn hóa người đô thị tự nó không hình thành mà cộng đồng phải góp phần xây dựng. Nếu nông thôn xưa nước ta có “Hương ước” điều chỉnh hành vi dân cư thì ở đô thị phải có ý thức “Trọng luật”, nếu không trật tự xã hội sẽ rối loạn. Thực tế cho thấy, việc xây dựng nếp sống văn minh - văn hóa đô thị không phải là câu chuyện một sớm một chiều, làm theo phong trào hay tập trung đẩy mạnh mang tính chiến dịch. Ngoài việc nâng cao ý thức của người dân, các quy định pháp lý cần thực thi mạnh mẽ hơn, như xử phạt nặng hành vi vứt kẹo cao su, hút thuốc lá nơi công cộng, không đúng quy định ở nước ngoài. Từ những “việc nhỏ” này sẽ dần hình thành thói quen trọng nguyên tắc, chấp hành các quy định pháp luật, giúp hình thành chuẩn mực văn minh người đô thị.

Bản sắc văn hóa, văn minh ứng xử được hiểu là nội dung cốt lõi của một dân tộc. Các văn kiện của Đảng đã chỉ ra, “là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng, sự tế nhị trong cư xử, tính giản dị trong lối sống…”. Trong bối cảnh hội nhập rộng mở, trước sự giao thoa của nhiều nền văn hóa càng đòi hỏi phải phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh đặc trưng để không bị hòa tan hoặc bào mòn trước sự tiếp biến của thời cuộc, đủ “quyền lực mềm” chống lại những hành vi phản văn hóa, các sản phẩm độc hại trái với thuần phong mỹ tục, tạo sức đề kháng trước những thông tin tiêu cực, vô căn cứ tô đen, bôi nhọ các thành quả và sự phát triển của đất nước.

Xây dựng hệ giá trị riêng của người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là yêu cầu bức thiết đang đặt ra. Muốn giữ được nền nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, giáo dục ý thức thế hệ trẻ; có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, hành vi bạo lực, tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc. Đây là nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều cấp; trong đó có vai trò của báo chí. Với vai trò cổ vũ cái đẹp, phê phán cái xấu, báo chí phải góp phần xây dựng đời sống văn hóa - văn minh, cư xử nhân ái, hòa nhịp cùng tiến bộ của nhân loại; tạo dựng được hình mẫu là kênh thông tin khả tín, chuẩn mực; đấu tranh hiệu quả với cái xấu, cái ác, bóp méo sự thật, phản văn hóa… nhằm góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục