Xây dựng pháp luật vẫn còn tình trạng "nửa đường đổi ý" ​

Cho rằng những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật “không phải là vấn đề mới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, nếu không cương quyết khắc phục, "10 năm sau những tồn đọng trong công tác xây dựng pháp luật sẽ vẫn y như hiện nay"

Sáng nay 18-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, thời gian vừa qua, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế, thiếu sót chậm được khắc phục, dẫn đến việc Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không bảo đảm thực hiện được đúng kế hoạch đề ra; chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn có quy định thiếu tính khả thi; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết Trung ương còn chậm so với yêu cầu.

Thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện là rất nhiều, bên cạnh các dự án đã được đưa vào Chương trình, còn nhiều dự án phải bổ sung theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương để bảo đảm hoàn thành trong năm 2019…
Xây dựng pháp luật vẫn còn tình trạng "nửa đường đổi ý" ​ ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác. Đặc biệt, trong 6 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật. Chất lượng đa số dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm, các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, đều được Quốc hội, UBTVQH thông qua với tỷ lệ cao…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; tài liệu, hồ sơ của một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức dẫn đến việc phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đó là, dự án Luật Dân số, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị phải rút ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ Năm; chuyển từ quy trình 2 kỳ họp thành 3 kỳ họp như dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tình trạng xin rút, lùi ra khỏi Chương trình và gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra, ĐBQH chậm so với thời gian quy định…

Cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên “không phải là vấn đề mới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, nếu không cương quyết khắc phục, 10 năm sau những tồn đọng trong công tác xây dựng pháp luật sẽ vẫn y như hiện nay.

"Thậm chí, hiện nay còn phát sinh tình trạng, Chính phủ nửa đường đổi ý", bà Nga thẳng thắn.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng sau đó, trình Quốc hội lại là dự án Luật sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, đơn cử như dự án Luật Đặc xá, việc chuyển từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thành Luật sửa đổi đã khiến cơ quan thẩm tra “chạy theo” rất mệt mỏi, khó bảo đảm tiến độ xây dựng dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và nhiều ĐBQH đều bày tỏ mong muốn Chính phủ đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc các bộ bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản; khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.

Tin cùng chuyên mục