Xây dựng tinh thần hướng thượng của lễ hội

Lễ hội thì nước nào cũng có. Chúng là hoạt động cộng đồng mang tính xã hội nên cứ có con người là có lễ hội. Chúng ta cũng không thể hình dung ra một đất nước bất kỳ mà không có lễ hội. 

Con số 8.000 lễ hội một năm của nước ta không phải là nhiều so với các nước khác xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Thậm chí, nếu lễ hội ở nước ta được coi “ra tấm, ra món” thì còn ít hơn nước Ý, Pháp. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là lễ hội của chúng ta ngày càng biến tướng và khó kiểm soát.

Ở nước ta, cứ đến ngày tết và sau Tết Nguyên đán thì các lễ hội diễn ra như… sôi lên sùng sục. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hiện tượng biến tướng của lễ hội mùa xuân ngày càng trầm trọng hơn. Những năm sau xu hướng “thần thánh hóa”, “thương mại hóa” và “bạo lực” ở nhiều lễ hội ngày càng kỳ quái hơn năm trước, mang một “hình thù dị dạng mới”. Nếu năm nay các nghi thức máu me như chém lợn ở làng Ném Thượng, tranh cướp hoa tre ở Hội Gióng được khắc chế thì bùng phát các lễ hội và nghi thức khác.

Thật ra, mùa lễ hội năm nay có một số điểm sáng, nhất là ở các tỉnh phía Nam, như lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu tại thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Lễ hội năm nay cả triệu người dự nhưng diễn ra trong trật tự, yên bình và thân thiện. Hơn thế, ở lễ hội này không có chặt chém, không rác rưởi, không giành giật. Khi kiệu rước trên đường, mọi người yên lặng chiêm bái, khấn tụng. Người hành hương được miễn phí các dịch vụ như giữ xe, vá xe, khăn lạnh, nước uống và cả nhang, cây phát tài, thậm chí người già còn có dịch vụ xe ôm miễn phí.

Tuy nhiên, điểm sáng như vậy là không nhiều. Năm nay ngoài sự quá tải đột biến ở lễ hội như ở chợ Viềng Nam Định, chùa Hương, chùa Phúc Khánh (Hà Nội), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), hàng trăm chùa chiền, đền miếu khác rải rác khắp miền Bắc diễn ra hiện tượng mới lạ. Đó là cảnh hàng trăm ngàn người chen chúc nhau thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn với thái độ hối hả, lo lắng, sợ sệt, tự ti xen lẫn khoe mẽ.

Vẫn biết đó là đời sống tâm linh, là nhu cầu của người dân nhưng rõ ràng có rất nhiều điều không ổn. Hàng trăm tỷ đồng tan ra thành mây khói từ việc đốt vàng mã, nhang đèn để nuôi dưỡng cho niềm tin mơ hồ nhưng rất mãnh liệt. Nhiều tỷ đồng “đổ” vào các nghi thức và mâm lễ giải hạn, cùng với việc hàng triệu người kéo đến chùa chiền là rác thải, không khí đặc quánh hương khói, tro bụi vàng mã lẫn mồ hôi người, nạn chặt chém, đánh chửi nhau, mất an ninh trật tự, phát sinh tệ nạn xã hội, làm tắc nghẽn giao thông… 

Lễ hội ở các nước có thể đông. Song, sự bát nháo và đan xen nhiều thái cực, nhiều tâm thế như ở các lễ hội ở nước ta là cực hiếm. Ngoài ái, ố, hỉ, nộ ra thì còn biết bao nhiều chuyện bi hài khác. Người thì hoan hỉ khi cướp được lộc thánh, được “giải hạn” tránh sao xấu, người thì đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả thương tật, mất mạng. Ai cũng biết “lộc thánh” là một miếng vải có ấn triện đỏ đỏ, hoa tre là bùi nhùi ở đầu thanh tre, tiền của chúa là những miếng giấy bản được in mệnh giá thủ công. Ngay cả việc dâng sao giải hạn cũng là nghi thức vốn đơn giản, xưa kia chỉ diễn ra ở đền, miếu thì nay được kịch bản hóa đưa vào chùa… Tất cả chỉ là “sản phẩm” do một ai đó - là người trần mắt thịt tạo ra, rồi sau đó hà hơi thêu dệt nên ảo ảnh. Sau nữa, chúng được những người có thế lực tiếp tay đẩy lên thành thứ “thiêng”.

Không thể kéo dài tình trạng nêu trên được nữa. Những người có trách nhiệm cần phải có nhận thức đúng, phải có thái độ đúng và hành xử đúng. Cái sảy nảy cái ung, nếu không cẩn thận hệ quả của nó không dừng lại ở sự nhốn nháo mà có nguy cơ đẩy dân tộc đến chỗ yếu đuối, tự ti và bạc nhược. Thay vì tiết kiệm, chăm chỉ lao động, nâng cao năng suất, sáng tạo thì tất cả gửi vào nhang khói, đồ mã, tiền tiến cúng và những cầu khấn ngây ngô.

Trong một sớm, một chiều, việc thay đổi thực trạng về lễ hội ở nước ta là không dễ. Một phần do quán tính của nó quá mạnh, phần khác lễ hội là bài toán rất phức tạp, chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và hội nhập, giữa trật tự xã hội và ngẫu hứng cá nhân… Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận buông xuôi mà phải có những động thái nhằm làm giảm bớt tiêu cực theo hướng mỗi năm một ít, và gia tăng các nhân tố tích cực để lấn át tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục