Xây dựng văn hóa an toàn hàng không

Trong 40 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất, ngành vận tải Việt Nam nói chung, vận tải hàng không nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hai năm gần đây trước nhiều biến cố về an toàn bay trên thế giới, chúng ta cũng phải nhanh chóng nhìn lại ngành vận tải hàng không Việt Nam, rà soát toàn bộ quy trình bay, công tác an toàn bay.
Xây dựng văn hóa an toàn hàng không

(SGGPO).-Trong 40 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất, ngành vận tải Việt Nam nói chung, vận tải hàng không nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hai năm gần đây trước nhiều biến cố về an toàn bay trên thế giới, chúng ta cũng phải nhanh chóng nhìn lại ngành vận tải hàng không Việt Nam, rà soát toàn bộ quy trình bay, công tác an toàn bay. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện cho rất nhiều người dân Việt Nam có thể đi lại bằng phương tiện hàng không, trong khi văn hóa, sự hiểu biết khi đi lại bằng đường hàng không còn hạn chế trong một bộ phận người dân.

Với thực tế trên, chiều nay 21-1, Báo SGGP phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Văn hóa an toàn hàng không”.

13 giờ 45

Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong những năm vừa qua toàn ngành giao thông vận tải có những cố gắng vượt bậc trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả ba mặt như số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương và số người chết. Đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, trong 18 năm qua đã không để xảy ra tai nạn, trong đó ngành đã triển khai giải pháp Nâng cao nhận thức văn hóa an toàn hàng không.

Tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong cho rằng, trong thời gian qua, ngành vận tải Việt Nam nói chung, vận tải hàng không nói riêng có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trước nhiều biến cố về an toàn bay trên thế giới, chúng ta cũng phải nhanh chóng nhìn lại ngành vận tải hàng không Việt Nam, rà soát toàn bộ quy trình bay, công tác an toàn bay.

Nhiều người dân Việt Nam đã có thể đi lại bằng phương tiện hàng không, trong khi sự hiểu biết vẫn còn hạn chế trong một bộ phận người dân. Tình hình trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong đó, Bộ GTVT, Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Hàng không là những đơn vị có trách nhiệm chính trong công tác này.

Các đơn vị truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong công tác góp phần đảm bảo an toàn hàng không, đó là truyền thông, đưa các thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, những hành khách của hàng không Việt Nam.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 2

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

14 giờ 15

Ông Nguyễn Phước Thắng, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014-2020 nhìn nhận, nói đến văn hóa là nói tới nhận thức của mỗi con người, như vậy Văn hóa an toàn hàng không phải được xây dựng trên cơ sở: Ngành Hàng không gương mẫu, đi đầu nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không trong tập thể cán bộ công nhân viên toàn ngành; xây dựng một môi trường Văn hóa an toàn hàng không lành mạnh để cho hệ thống bảo đảm an toàn hoạt động tối ưu; trên cơ sở đó lan tỏa Văn hóa an toàn hàng không cho cộng đồng xã hội.

Vì vậy, để nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn hàng không trong toàn ngành cần thực hiện 9 nội dung. Thứ nhất, tự hào và phát huy truyền thống lịch sử của ngành Hàng không dân dụng. Thứ hai, bảo đảm an toàn hàng không, không để xảy ra tai nạn vì đối với ngành hàng không không có khái niệm tăng giảm tỷ lệ tai nạn, bởi vì chỉ một tai nạn tàu bay cũng là đòn giáng khủng khiếp với những hệ lụy vô cùng lớn. Thứ ba, không tự mãn, chủ quan, không thỏa hiệp về an toàn hàng không vì bất kỳ lý do gì. Thứ tư, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo đảm an toàn hàng không trước hết phải từ tất cả các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị. Bởi lẽ, đối với ngành hàng không rất coi nặng lỗi hệ thống. Lỗi hệ thống được tính khi vi phạm xảy ra do khiếm khuyết trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn của một đơn vị hoặc trường hợp lãnh đạo của đơn vị thờ ơ với những lỗi nhỏ của nhân viên của mình. Thứ năm, nhận thức tính đồng bộ của hệ thống bảo đảm an toàn hàng không vì đảm bảo an toàn hàng không là một hệ thống. Thứ sáu, không có vi phạm an toàn nào là vi phạm nhỏ, lỗi nhỏ cũng dẫn đến tai nạn thảm khốc. Thứ bảy, khuyến khích báo cáo tự nguyện về an toàn hàng không. Thứ tám, văn hóa an toàn Hàng không là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa công sở, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp theo phương châm “4 xin và 4 luôn”. Thứ chín, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức cộng đồng xã hội về Văn hóa an toàn hàng không.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 3

Ông Nguyễn Phước Thắng đại diện Cục HKDD Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

14 giờ 30

Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Ban an ninh an toàn Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam cho biết, liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng không cho một chuyến bay có rất nhiều đơn vị phối hợp với nhau. Để đảm bảo an toàn hàng không, công ty đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý an toàn hàng không trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không; triển khai thực hiện chương trình an toàn đường CHC (cất hạ cánh) theo Quyết định số 349/QĐ-BGTVT; triển khai xây dựng hàng rào an ninh tại các cảng hàng không để ngăn ngừa gia súc, vật nuôi xâm nhập gây ảnh hưởng tới hoạt động bay; đẩy mạnh công tác bình giảng, rút kinh nghiệm các sự cố an toàn xảy ra và triển khai các hành động khắc phục cho các cảng hàng không; đẩy mạnh cuộc vận động “nâng cao nhận thức văn hóa an toàn hàng không” giai đoạn 2014-2020. Qua quá trình theo dõi, công ty phát hiện những hành vi gây mất an toàn thường gặp như đối với hành khách là hút thuốc trên máy bay, lấy áo phao trên máy bay, tung tin có bom, mở cửa thoát hiểm… Hiện các hành vi này đang có chiều hướng tăng gây nguy hiểm đến an toàn bay.

Bên cạnh đó, đối với những hành vi của người dân sống quanh khu vực cảng hàng không đang là mối nguy của an toàn hàng không như trồng cây trái phép ở quanh khu bay, gây ảnh hưởng tĩnh không tầm nhìn; nuôi chim, vật nuôi xung quanh cảng hàng không; lấy trộm, phá hoại trang thiết bị cảng hàng không; thả diều quanh sân bay; đốt rơm rạ, rác hoặc vật gây khói ở quanh cảng hàng không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn; chăn thả gia súc trong khu bay; đi tắt, đi ngang trái phép qua khu vực đường cất hạ cánh hoặc vui chơi trong khu vực khu bay; xả rác trái phép vào khu bay.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn hàng không cần đẩy mạnh triển khai xây dựng hệ thống quản lý an toàn hàng không và chương trình an toàn đường cất hạ cánh; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Nâng cao nhận thức văn hóa an toàn hàng không” giai đoạn 2014-2020; tăng cường cung cấp thông tin về an ninh, an toàn hàng không cho hành khách đi máy bay thông qua truyền hình, báo chí; phối hợp với đơn vị quản lý nhà nước tuyên truyền cho người dân sống xung quanh cảng hàng không những hành động gây mất an toàn hàng không.

14 giờ 40

Ông Phạm Chí Cường, đại diện Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ năm 2010, mức độ nguy hiểm đến an toàn bay giảm. Sự cố tính trên 1.000 chuyến bay, năm 2014, không có tai nạn, hỏng động cơ 2 vụ. Năm 2015, phấn đấu không để tai nạn xảy ra, sự cố giảm 5% - 10%. Liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn của hành khách, trong năm 2014, một số hành vi của hành khách liên quan đến tình hình an toàn bay như khách sử dụng giấy tờ giả 22 vụ giảm 22 vụ so với 2013; khách mang theo vật cấm 26 vụ giảm 4 vụ (2013); khách trộm cắp trên máy bay 20 vụ tăng 8 vụ (2013); khách gây rối, không chấp hành hướng dẫn là 15 vụ tăng 5 vụ so với 2013; khách hút thuốc trên tàu bay là 13 vụ tăng 3 vụ (2013); khách sử dụng điện thoại di động là 6 vụ tăng 5 vụ (2013); khách dọa bom, chất nổ là 5 vụ tăng 4 vụ (2013); khách mở cửa thoát hiểm 2 vụ tăng 2 vụ (2013)…

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 4

Đại diện Tổng Công ty hàng không Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

Đối với các hành vi này, hãng đã có những giải pháp chấn chỉnh như đối với khách sử dụng điện thoại di động hãng thông tin cho hành khách bằng cả hình ảnh và phát thanh về quy định không sử dụng điện thoại di động trên máy bay, lập biên bản đối với những hành khách cố ý vi phạm; đối với khách mở cửa thoát hiểm đã thông tin cho hành khách qua hệ thống phát thanh, tiếp viên trực tiếp báo với hành khách được xếp ngồi các ghế gần cửa thoát hiểm; đối với khách hút thuốc đã thông tin cho hành khách bằng cả hình ảnh và phát thanh về quy định của Chính phủ Việt Nam, báo cáo cảng hàng không xử phạt hành chính khi vi phạm; đối với khách gây rối, tổ tiếp viên theo dõi những biểu hiện bất thường của hành khách để kịp thời ngăn chặn, phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách sân bay để xử lý hành khách gây rối… Kiến nghị cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về an ninh, an toàn hàng không. Kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng mức xử phạt hành chính, đưa vào danh sách cấm bay những hành khách có hành vi ảnh hưởng đến an toàn, an ninh chuyến bay.

14 giờ 55

Đại diện Công ty Cổ phần hàng không Vietjet chia sẻ, hiện hãng đang nâng cao năng lực quản lý an toàn bay. Trong đó, tập trung xây dựng văn hóa an toàn. Cụ thể, cam kết các cấp trong tổ chức đều thấu hiểu giá trị và tầm quan trọng của an toàn; công bằng hành vi đảm bảo an toàn; đảm bảo chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, cá nhân trong tổ chức; nhận thức của lãnh đạo và nhân viên; thích ứng và ứng xử phù hợp với sự cố…. Giá trị xây dựng của hãng an toàn là trên hết.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 5

Đại diện Vietjet Air chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

15 giờ 30

Ông Nguyễn Đình Công, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho rằng: Hiện nay hoạt động bay gia tăng gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Năm 2015, nâng cao trách nhiệm văn hóa an toàn từ cá nhân đến tập thể.

Về các giải pháp khắc phục sự cố, liên quan đến công tác điều hành bay rà soát lại toàn bộ hệ thống đường bay không lưu và dân sự; rà soát lại toàn bộ các quy trình trong quá trình tác nghiệp toàn bộ hệ thống để xác định mối nguy hiểm; bố trí, sắp xếp lực lượng kiểm soát không lưu hợp lý; xây dựng văn hóa an toàn. Bên cạnh giải pháp liên quan đến tổ chức, kêu gọi các tổ chức tham gia.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 6

15 giờ 45

Đại diện Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, trong năm 2014, đã phát hiện một số vụ việc liên quan an ninh an toàn bay như hành khách hút thuốc trên tàu bay là 29 vụ chiếm 51%; hành khách gây rối tại quầy thủ tục và trên tàu bay là 17 vụ chiếm 30%; hành khách sử dụng điện thoại trên tàu bay là 2 vụ; hành khách say rượu, không làm chủ hành vi là 2 vụ….

Đối với các trường hợp vi phạm, lập biên bản và bàn giao cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hãng không nhận được ý kiến phản hồi về việc xử lý các trường hợp này. Do đó, hãng mong muốn nhận sự chia sẻ về việc xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến an toàn bay từ các hãng hàng không khác. Xây dựng chương trình an toàn hàng không trong đó chương trình văn hóa an toàn và văn hóa công bằng.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 7

Đại diện Jetstar Pacific Airlines (đứng) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

16 giờ

Ông Hà Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý chất lượng Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO cho biết: Hiện công ty đang thực hiện giải pháp nâng cao công tác đảm bảo an toàn trong bảo hành đó là nâng cao độ tin cậy thiết bị, hệ thống máy bay; giảm sai lỗi bảo dưỡng. Về xây dựng văn hóa an toàn, thiết lập chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển văn hóa an toàn; xây dựng các tiêu chí văn hóa an toàn như văn hóa báo cáo, văn hóa công bằng; kết nối nhận thức bằng việc triển khai yêu cầu của hệ thống quản lý an toàn tới mọi thành viên, thiết lập module quản lý an toàn trên website của công ty, nhận thức về văn hóa an toàn hàng không.

16 giờ 20

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu cho rằng: Cho đến thời điểm hiện nay, hàng không là phương tiện giao thông an toàn nhất trong các loại phương tiện giao thông. Về chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay của Việt Nam là hàng không hạng 3 sao, các khu vực lân cận là 4 và 5 sao. Đối với hàng không Việt Nam, mặc dù có một số sự cố uy hiếp an toàn, nhưng trong 17 năm qua Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn hàng không ở khu vực và trên thế giới.

Qua một số vụ tai nạn hàng không gần đây có thể thấy tính thảm khốc; tính bí hiểm, làm phát sinh một số vấn đề kỹ thuật hóc búa, chưa có câu trả lời, cũng vì thế làm phát sinh nhiều đồn đại, thậm chí mê tín; yếu tố con người (hầu hết các vụ tai nạn máy bay xuất phát từ các nguyên nhân kỹ thuật và thời tiết…, nhưng cũng hầu hết các vụ tai nạn máy bay có nguyên nhân cuối cùng là sai sót con người trong xử lý). Vì vậy, để đảm bảo an toàn hàng không trước mắt nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân viên; tăng cường chất lượng đào tạo chuyên môn; hoàn thiện hệ thống kiểm cấp chứng chỉ VAR; hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách; tuyên truyền sâu rộng đến người dân; các biển cảnh báo “cấm” trên máy bay và tại sân bay cần ghi kèm mức xử phạt tiền.

Xây dựng văn hóa an toàn hàng không ảnh 8 

Liên quan đến hàng không chung, trong tương lai, theo xu thế thế giới, máy bay hàng không chung sẽ nhiều hơn máy bay vận tải thương mại, cách hoạt động có nhiều khác biệt. Do đó, cần hoàn thiện quy hoạch không phận theo khu vực địa lý và độ cao cho các loại không phận từ A đến G (theo phân loại không phận của ICAO); phương thức bay, quản lý, điều hành, hỗ trợ bay và phương thức thông tin liên lạc cho các loại không phận từ A đến G; sớm ban hành quy chế bay tầm thấp thuận lợi cho hàng không chung; quy tắc bay, quản lý, điều hành các máy bay bay bằng mắt (VFR) trong khu vực tiếp cận sân bay các máy bay bằng thiết bị (IFR); cập nhật, bổ sung bộ quy chế an toàn hành không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (VAR), đặc biệt là về hàng không chung. “Trong hàng không nếu cảm thấy không yên tâm tuyệt đối không cất cánh, trước khi hạ cánh cảm thấy điều kiện không đủ không nên hạ cánh. Do đó, an toàn hàng không là yếu tố quan trọng nhất trong chất lượng hàng không. An toàn hàng không là vô cùng quan trọng và không bao giờ thỏa hiệp về an toàn hàng không vì bất cứ lý do gì”-ông Nam khuyến nghị.

16 giờ 55

Ở góc độ người tiêu dùng, ông Đặng Văn Khoa, nguyên Đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, buổi tạo đàm đề cập đến vấn đề không có gì mới nhưng nó là vấn đề nóng bỏng và tiếp tục kéo dài trong tương lai. Vấn đề văn hóa an toàn hàng không là vấn đề cần được toàn xã hội quan tâm, nó ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông. Văn hóa an toàn hàng không đối với người đi máy bay đó là cách cư xử của hành khách đi máy bay.

Cụ thể, hiểu biết đúng và đủ khi tham gia hàng không; ý thức, nhận biết và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về những trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn hàng không; thực hiện một cách hòa nhã khi tham gia hàng không. Hành khách phải chấp nhận sự hạn chế tự do của mình để đảm bảo an toàn. Đối với cơ quan chức năng rà soát tăng cường các vấn đề đảm bảo an toàn hàng không. Nhà nước, đặc biệt các cơ quan hàng không cần đa dạng các hoạt động truyền thông về an toàn hàng không; trong đó không chỉ nêu các hành vi gây mất an toàn giao thông mà nêu rõ nguyên nhân, hậu quả, chế tài xử lý. Nghiên cứu hình thức động viên tinh thần cho hành khách đóng góp ý kiến, phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Nâng cao mức xử phạt vi phạm về an toàn hàng không.

17 giờ 15

PV Lê Nam báo Tuổi Trẻ: Hiện nay theo khảo sát hành khách không hiểu các quy định về quy định an toàn và xử phạt an toàn bay. Vậy liệu chúng ta làm cách mềm thông qua tranh biếm họa để hành khách đọc khi lên máy bay không vi phạm. Các hãng hàng không có mắc míu về vấn đề thoát hiểu vì hành khách.

17 giờ 18

Giảng viên Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Luật TPHCM: Hiện nay, chúng ta thiếu hẳn tuyên truyền về chế tài liên quan đến các quy định an toàn hàng không nên hành khách không biết thực hiện dẫn đến vi phạm. Trong khi đó, chúng ta muốn xử phạt hành khách phải cho người ta biết quy định.

17 giờ 21

Luật sư Dương Tuấn Lộc, Đoàn Luật sư TPHCM, hiện nay, có hàng loạt quy định về hàng không dân dụng, nếu không tuyên truyền thì làm sao hành khách biết để thực hiện và rất dễ vi phạm. Do đó, cần cung cấp thông tin cho hành khách, trong đó cần chú trọng đến nội dung cung cấp thông tin, thời điểm nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp điều cấm cho hành khách,…

Luật sư Dương Tuấn Lộc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Cao Thăng

17 giờ 43

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận những kiến nghị đề xuất của các đại biểu để xây dựng văn hóa an toàn hàng không thật sự hiệu quả. Ông Cường cũng cho biết, hiện chúng tôi có chương trình dài hơi từ 2014 -2020, gắn với văn hóa công sở, văn hóa ứng xử. Phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền giáo dục. Về vấn đề thông tin cho khách, tập trung tuyên truyền phổ biến dưới nhiều hình thức làm sao cho hành khách dễ hiểu, dễ nắm để thực hiện.

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (đứng) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Cao Thăng

18 giờ

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tạo đàm về an toàn hàng không. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề về an toàn hàng không. Xây dựng cuộc vận động văn hóa an toàn hàng không trong cả nước. Trong đó làm đồng bộ quyết liệt của cả hệ thống chính trị về xây dựng văn hóa an toàn hàng không; các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng địa phương; phổ biến đến toàn thể xã hội. Cụ thể, xây dựng văn hóa an toàn hàng không trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi, tọa đàm liên quan đến xây dựng văn hóa an toàn hàng không.

Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 18 giờ 10 phút

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục