Xây dựng văn hóa từ chức


Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn tại nghị trường, vấn đề từ chức một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự. 

Có nhiều yếu tố cộng hưởng để thêm một lần nữa vấn đề này được nêu lên, trong đó có 2 yếu tố khá quan trọng: kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ và quy định nêu gương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra. Đại biểu Quốc hội đã chất vấn về trách nhiệm nêu gương và cơ chế từ chức của cán bộ, công chức hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ chức là vấn đề mới, là hình thức tự nguyện nếu như cán bộ được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín, hay có vi phạm. Trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức. Do đó, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII, có quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì Chính phủ sẽ cụ thể hóa quy định của Đảng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị xã hội.

Như vậy, tới đây Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề từ chức. Trong việc xem xét vấn đề từ chức, ngoài tự nguyện, nếu cán bộ có vi phạm, bỏ phiếu tín nhiệm không đạt thì vẫn bãi nhiệm theo quy định. Trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm nếu có của cán bộ, công chức thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay là bị xử lý hành chính, kỷ luật đảng, theo đúng quy định. Thông điệp của Chính phủ là khá rõ ràng. Đây là điều mà nhân dân, thực tiễn đã mong có từ lâu nhưng chưa thực hiện được, nhất là khi thời gian qua, xảy ra một số vụ cán bộ cấp cao trong Đảng vi phạm pháp luật, mặc dù đã bị xử lý nhưng cũng làm cho uy tín trong Đảng, trong nhân dân giảm sút và có tác động ảnh hưởng lớn.

Từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ quan niệm cán bộ có sai sót nên mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình thì từ chức ngang với cách chức, coi từ chức là một dạng của cách chức, do đó từ chức trở thành vấn đề rất nặng nề. Tuy nhiên, đã đến lúc cần hiểu rằng từ chức có rất nhiều lý do: làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu, thậm chí ê kíp làm việc không thông thuận cũng có thể từ chức. Tức là từ chức phải thành một nét văn hóa, thể hiện sự văn minh, lịch sự của một chính khách. Khi từ chức, người ta vẫn có thể bảo tồn cho mình các giá trị, để khi có cơ hội, họ vẫn có thể xuất hiện trở lại trên chính trường. Nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh, lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Văn hóa từ chức rất cần thiết trong cuộc đời của người có quyền lực.

Từ trước đến nay, không có quy định về từ chức thì tâm lý của cán bộ đảng viên, muốn từ chức cũng khó, nay đã có quy định rồi sẽ có cơ sở để thực thi. Quy định về từ chức sẽ mở đường cho cán bộ, đảng viên tự xây dựng cho mình văn hóa từ chức khi có những sai phạm, làm mất uy tín trong Đảng, trong nhân dân. Quy định cũng sẽ tạo tiền lệ, tạo tiền đề cho việc cán bộ, đảng viên tự nhận ra sai phạm của mình, sẽ chủ động từ chức trước khi bị xử lý kỷ luật.

Ngày 4-11, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”. Ngay từ quy hoạch ban đầu sẽ lựa chọn được những “hòn sỏi” đẹp, loại bỏ những “hòn sỏi” mục ruỗng. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Như vậy, cùng với việc chuẩn bị, quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, cộng với quy định về từ chức, chúng ta hy vọng bộ máy cán bộ lãnh đạo sẽ được chấn chỉnh để chỉ còn những con người ưu tú nhất.

Tin cùng chuyên mục