Xây dựng ý thức giữ vệ sinh chung!

Một lần, sau khi đi tham quan một vòng thành phố Hồ Chí Minh, tôi hỏi người bạn Singapore có ấn tượng gì về thành phố từng mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” này, anh ta thật thà nói ngay “Thành phố của bạn đẹp nhưng sao có… rác nhiều quá!”.

Câu trả lời khiến tôi không sao tránh khỏi một cảm giác tự ái, nhưng sau đó nhìn kỹ lại, tôi thấy thành phố thân yêu của tôi… quả có thế thật! Thật vậy, bất cứ ai ở thành phố này, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã có thể nhìn thấy đủ mọi loại rác. Đường lớn có, đường nhỏ có, trong hẻm lại càng nhiều. Từ các loại phổ biến nhìn đâu cũng thấy như vỏ lon, bịch ni lông, hộp sữa, chai nước… đến các loại như phân chó, xác chuột chết... cũng có nốt. Do thế, không đâu khổ bằng khách bộ hành của ta. Cứ phải vừa bước đi vừa nhìn xuống đất để coi chừng, bởi lơ mơ đạp nhầm một cái thì chỉ có nước… đi cà nhắc với cái tức cứ anh ách trong lòng.

Đó mới chỉ là rác dưới mặt đất. Thử nâng cao tầm mắt một chút, mọi người lại thấy rác nằm nghênh ngang trên các gốc cây, các cột điện… Đó chính là các loại quảng cáo rao vặt lăng nhăng thiếu thẩm mỹ, thậm chí nhảm nhí như trị yếu sinh lý, khoan cắt bê tông, luyện thi bảo đảm đậu...

Sau các loại rác nhìn được này là đến các loại rác không nhìn được nhưng cũng làm khổ người dân không ít. Đó chính là các loại rác âm thanh. Để mời khách, các hàng quán thi nhau mở nhạc ầm ĩ, khiến những người không muốn nghe cũng phải bị vạ lây những âm thanh đinh tai nhức óc. Nhưng như thế cũng còn may, vì các hàng quán này thường ở các con đường lớn; những chiếc xe bán kẹo kéo, keo diệt chuột… mới thật sự khủng khiếp. Chúng cứ len lỏi các hẻm sâu, vào sát cửa nhà rồi cứ ra rả một điệp khúc khiến ai trầm tĩnh nhất cũng muốn phát điên khi cứ phải nghe đi nghe lại đến hàng trăm lần.

Cứ thế, rác đủ mọi loại, đủ mọi kiểu vẫn cứ ngang nhiên xuất hiện. Một số người nghĩ, đường phố là của chung, ai dơ mặc ai miễn nhà mình sạch là được! Do vậy, thành phố ngày càng nhiều rác, mặc dù lực lượng công nhân vệ sinh đã đầu tắt mặt tối để thu dọn.

Vậy phải làm sao để thành phố này xanh - sạch - đẹp, để được gọi là một đô thị văn minh? Chắc chắn chẳng còn cách nào khác là phải xây dựng cho bằng được một nếp sống “Văn minh đô thị” cho tất cả những người dân sống trong thành phố. Trong đó, thiết nghĩ, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung là điều cần thiết trước hết. Còn xây dựng như thế nào, tất yếu phải cần những nhà chuyên môn và sự đồng thuận của cả xã hội.  

TRẦN HOÀNG PHƯƠNG
(Lê Văn Sỹ, Q. Tân Bình)

Nếp sống văn minh: Cần giáo dục từ gốc

Đầu năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, phường xã, quận huyện và toàn dân. Mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động này là hết sức cần thiết nhằm thiết lập một đô thị hiện đại, văn minh.

Theo tôi, chúng ta nên xem đây như là một điểm khởi đầu của một quá trình thực hiện dài hơi và liên tục chứ không phải trong một năm, qua cuộc vận động rồi đâu lại vào đấy. Mà muốn được như vậy, thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp trước mắt nhằm nhanh chóng phát huy hiệu quả, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược, đón đầu. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Có thể đem chương trình giáo dục “Tác phong văn minh đô thị Việt Nam” vào chương trình giáo dục công dân các cấp trường học, vào các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành.

Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines hay Malaysia… cũng đã thành công trong việc giáo dục học sinh, sinh viên và người dân nói chung tôn trọng trật tự giao thông, vệ sinh công cộng, nếp sống văn minh đô thị. Để tạo thành một nếp sống văn minh đô thị như hiện tại, các nước này đã kiên trì dành cả chục năm trời triển khai chương trình giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên của họ thói quen về trật tự, giữ gìn vệ sinh hay tác phong lịch sự văn minh đô thị. Môn công dân được dạy rất cụ thể và nghiêm túc, gồm cả giáo dục luật lệ giao thông, ý thức bảo vệ của công, phép lịch sự xã giao hàng ngày v.v… Đó là cách giáo dục từ gốc rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập và vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện cụ thể của nước ta.  

HƯNG NGUYÊN (Q.Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục