Câu chuyện chủ nhật

Xây và chống

Thời gian gần đây, sau hàng loạt câu chuyện thương tâm xảy ra trong thế giới thực với sự tiếp tay trực tiếp của một bộ phận “thế giới ảo”, cộng đồng mạng và toàn xã hội mới bừng tỉnh đòi phải có những chế tài nghiêm khắc, trừng trị thích đáng những hành vi lệch chuẩn, tương tự như cuộc chiến chống ma túy.

Khi một nhân vật đình đám trên mạng xã hội là Khá “Bảnh” bị bắt vì tội hình sự, hành động đầu tiên đáng khen ngợi là hàng loạt doanh nghiệp đã có động thái gỡ bỏ tất cả các quảng cáo nhãn hàng gắn với các video clip dung tục, bạo lực của nhân vật từng kiếm 450 triệu đồng/tháng này, nhờ “sự cởi mở”, “thông thoáng” trên kênh YouTube. Nhưng thật ra, Khá “Bảnh” mới chỉ thuộc hàng em út trong một thế giới đầy rẫy những tay anh chị số má đang đảo điên vì kiếm tiền bằng mọi giá. Vì chỉ nhìn thấy chóp tảng băng trôi, người ta dễ quên phần chìm của nó là các sản phẩm mệnh danh “văn hóa” của một bộ phận không nhỏ những người hoạt động trong giới showbiz. Đầu tiên phải kể đến loại hình web drama (phim trực tuyến) đang bùng nổ trên YouTube mà nội dung đa phần… động chạm đến bọn “xã hội đen” với hình ảnh tục tĩu, bạo lực, phản cảm.

Năm 2018, web drama có tên Thập Tam Muội của Thu Trang - Tiến Luật được tung ra đã mau chóng chạm đến mỏ vàng “view” với tập 1 thu hút tới 41 triệu lượt xem. Tuy có lồng ghép yếu tố hài, nhưng vì là theo đuổi chủ đề “xã hội đen”, phim có nhiều cảnh đấm đá, bạo lực, phơi bày tự nhiên chủ nghĩa những góc tối từ mại dâm đến kinh doanh bar. Tiếp theo đó là cả một làn sóng phim ăn theo như Vi cá tiền truyện, Chết thì chịu, rồi thì Thập tứ cô nương… đều cùng dán mác “phim giang hồ” bạo lực và thường xuyên xuất hiện trong top trending của YouTube. Và không chỉ có web drama, ca nhạc phát trên ứng dụng này của Google cũng không kém, như phim ca nhạc Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ (Ưng Hoàng Phúc), Người trong giang hồ (Lâm Chấn Khang), Thiếu niên ra giang hồ (Hồ Quang Hiếu)…, thậm chí Người trong giang hồ phần 6 còn lọt vào danh sách 10 video “nổi bật nhất thế giới”. Nghĩa là loại phim ca nhạc cái gì cũng có, có bạo lực, đánh đấm, có xác chết... Chỉ có thể lắc đầu về sự thoái hóa của văn hóa vì câu view, vì hấp lực của đồng tiền, và Khá “Bảnh” với khoảng 2 triệu lượt người theo dõi thật ra chỉ là… ruồi muỗi so với giới cộm cán showbiz.

Tất nhiên là phải chặn, kiểm soát các ứng dụng mạng xã hội mang nội dung xấu, phản cảm. Nhưng bằng cách gì? YouTube đang kiếm bộn tiền từ các nhà quảng cáo tất nhiên sẽ trì hoãn việc đóng các tài khoản “ăn khách” và bắt họ phải thực hiện “trách nhiệm xã hội”, nên rất khó nếu không muốn nói là không thể. Tại Việt Nam, dù đã đóng tài khoản Khá “Bảnh” sau đề nghị của nước sở tại, nhưng trên YouTube vẫn còn nhan nhản hàng chục, hàng trăm ngàn tài khoản khác có nội dung tương tự, vì như con rắn Medusa trong thần thoại Hy Lạp, chặt đầu này sẽ lại mọc lên muôn vàn Khá “Bảnh” khác. Hiểu được vấn đề này, từ khi mạng Internet mới manh nha và phát triển vào năm 1990, Trung Quốc đã quyết định xây dựng hệ sinh thái không gian mạng riêng, không phụ thuộc các ông lớn công nghệ. Đến nay, bức tường lửa được ví với “vạn lý trường thành” đã được dựng lên, lọc, phân tích, loại bỏ các tin giả, các thông tin xấu, phản cảm và theo ghi nhận đa phần trong số hơn 800 triệu người sử dụng mạng ở Trung Quốc hài lòng với những ứng dụng “cây nhà lá vườn”. Internet ở Trung Quốc là một thế giới riêng, có luật riêng, có hệ thống cửa hàng “Taobao”, có công cụ tìm kiếm Baidu, có mạng xã hội Wechat và nền tảng chuyên về video ngắn Tik Tok... Điều đáng nói là một số ứng dụng của Trung Quốc còn vượt trội, hơn hẳn cả Facebook lẫn Google như chức năng chuyển tiền của Wechat hay chức năng quét được mã vận chuyển của Baidu.

Nước Nga của ông Putin cũng đã quyết định “tự chủ” về thông tin, sẵn sàng ngắt kết nối mạng với thế giới bên ngoài một khi nổ ra chiến tranh mạng trong tương lai. Trong dự luật về chương trình quốc gia kinh tế số, Duma Nga đã cho phép cơ quan quản lý viễn thông Nga giám sát, ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng những dữ liệu được truyền tải giữa người dùng Internet ở Nga sẽ chỉ lưu chuyển trong nước Nga, không được điều hướng đến các máy chủ ở nước ngoài. Khác với Trung Quốc, Nga không cấm các mạng của Google hay Facebook mà đẩy mạnh phát triển các nền tảng nội địa như Yandex, Mail.ru, Vkontak…và phần nào đã thành công trong cuộc cạnh tranh công nghệ. Điều đáng nói là với các nội dung thiếu lành mạnh như nói xấu chế độ, tung tin nhảm (fake), tuyên truyền bạo lực, mại dâm..., nước Nga đã áp dụng các biện pháp mạnh tay như phạt tiền tới 23.000USD kèm hình phạt tù giam 15 ngày.

Rõ ràng, so với Nga và Trung Quốc, nền tảng công nghệ, tài chính và nhân lực của chúng ta kém hơn rất nhiều, không cho phép áp đặt những điều kiện đối với các gã khổng lồ về công nghệ thông tin. Và vì vậy, phải tận dụng tối đa các nguồn lực nhỏ, vừa “xây” vừa “chống” các biểu hiện lệch chuẩn trên mạng xã hội, trong đó lấy “xây” làm chính với xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh dựa trên tam giác trường học - gia đình - xã hội.

Tin cùng chuyên mục