Dân vận khéo, việc gì cũng thành công

Nghe dân nói mới tin!
Dân vận khéo, việc gì cũng thành công

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - đó là đúc kết từ các mô hình “Dân vận khéo” ở TPHCM tại buổi trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận của 24 quận, huyện (diễn ra vào cuối tháng 8-2009). Với phong cách làm việc “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhiều nơi ở TPHCM nắm bắt và giải quyết kịp thời bức xúc của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Nghe dân nói mới tin!

“Nghe báo cáo thôi chưa đủ, mà phải nghe dân nói mới tin. Khi đi giám sát, cũng phải “nói có sách mách có chứng”, không thể chung chung được”, là kinh nghiệm của MTTQ quận Tân Bình khi đi giám sát thực tế ở cơ sở.

Bà Phạm Thị Mỹ Loan, Phó ban Dân vận Quận ủy Tân Bình, kể: “Trên một tuyến đường chạy qua phường 2 và 4 nhưng nơi này vỉa hè bị chiếm dụng, nơi kia thì không. Thấy vậy, chúng tôi mời lãnh đạo 2 phường tới xem… một đoạn video clip (do MTTQ quận thực hiện) quay thực trạng con đường này để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, bàn cách tháo gỡ. MTTQ làm việc này độc lập, không phụ thuộc vào chính quyền”.

Cũng cách làm tương tự, Quận ủy quận 10 ra “Nghị quyết giám sát lề đường” khi thấy tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn. Quận 10 thành lập đoàn giám sát đi kiểm tra 3 phường có nhiều “điểm nóng” và các đơn vị liên quan (công an, quản lý thị trường, tài nguyên-môi trường…) để từ đó rút kinh nghiệm chung. Không báo trước, đoàn giám sát quận 10 trực tiếp xuống hiện trường quan sát, hỏi người dân địa phương, rồi quay phim, chụp hình những đoạn đường, vỉa hè bị lấn chiếm, sau đó mới làm việc với cấp ủy địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (bìa trái) nghe bà con phường 10 (quận Gò Vấp) kể về việc sử dụng hiệu quả vốn xóa đói giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (bìa trái) nghe bà con phường 10 (quận Gò Vấp) kể về việc sử dụng hiệu quả vốn xóa đói giảm nghèo.

Với cách làm này, phường không thể “qua mặt” đoàn kiểm tra được, nhờ đó Quận ủy có cơ sở đánh giá công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của phường và đơn vị, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Từ nghị quyết “giám sát lề đường”, cấp ủy còn phát hiện việc xây dựng nghị quyết chi bộ quá giản đơn, không sát thực tế, chưa gắn với trách nhiệm của đảng viên.

Qua công tác giải tỏa ở 3 lô chung cư Nguyễn Kim sắp sập, Ban Dân vận Quận ủy quận 10 đúc kết: Nhiều hộ dân ở chung cư Nguyễn Kim (có diện tích nhà trên dưới 40m²) chưa chịu di dời vì chưa thông chính sách.

Do vậy, bà con đề nghị, việc đề ra chính sách và thực hiện chính sách phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng và công khai. “Dân không nói mới đáng ngại, chứ nói ra những tồn tại, khuyết điểm của cấp ủy Đảng, chính quyền thì đáng mừng, vì như thế mình mới biết sai chỗ nào để sửa chữa, khắc phục” – đánh giá về công tác dân vận ở quận 6, Bí thư Quận ủy quận 6 Nguyễn Văn Thọ đã đưa ra nhận định.

Lấy điển hình nhân điển hình

Quận 6 có bài học “lấy điển hình nhân điển hình”. Từ việc tiếp thu ý kiến bà con, quận chỉ đạo và kiểm tra cấp ủy, chính quyền khắc phục và sửa chữa những tồn tại mà dân phản ánh, đồng thời chọn mỗi đơn vị, khu phố, đoàn thể một “mô hình hay, cách làm tốt” để biểu dương và nhân rộng.

Trong những lần tiếp xúc đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội, cử tri quận 6 nêu lên 7-8 vụ việc kéo dài. Quận ủy quận 6 tập trung chỉ đạo, xuống tận khu phố khảo sát thực trạng, nghe dân nói và sau đó chính quyền đã giải quyết dứt điểm.

“Đối với những mâu thuẫn và khiếu kiện phát sinh trong nội bộ nhân dân, nếu chính quyền thực sự dựa vào dân, đưa ra nhân dân phân tích có lý có tình thì dù phức tạp đến đâu cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa” - ông Nguyễn Văn Thọ nói.

Ở phường 15 quận 5, hàng tháng UBND phường tổ chức tiếp thu ý kiến nhân dân và thông báo kết quả giải quyết cho nhân dân với ban điều hành tổ dân phố. Ở quận 4, mỗi khi Thường trực UBND quận tiếp dân đều có các phòng ban chuyên môn tham gia để cùng giải quyết…

Những điển hình “Dân vận khéo” đó góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức, phẩm chất, tác phong của cán bộ công chức theo hướng dân chủ, công khai, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

“Mấy năm trước, chúng tôi tổ chức Đoàn công tác đến quận 6 để “copy bản quyền” về dân vận khéo, nên bây giờ quận Gò Vấp đã nhân ra một số mô hình vận động nhân dân” - Trưởng ban Dân vận Quận ủy Gò Vấp Đỗ Văn Tánh “bật mí”. Từ “địa chỉ thân thiện” để tư vấn miễn phí cho bà con về pháp luật ở một phường, đến nay, tất cả 16 phường ở quận Gò Vấp đều có “địa chỉ” này, với sự cộng tác của 63 luật sư, luật gia.

Để tập hợp và giáo dục thanh niên, cuối năm 2008, Hội LHTN quận Gò Vấp thành lập CLB Sao Bắc Đẩu với 15 thành viên, đến nay đã thu hút thêm 60 bạn trẻ tham gia sinh hoạt đều đặn ở Công viên Gia Định vào sáng chủ nhật hàng tuần để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, cắm trại, dã ngoại, sơ cấp cứu, công tác xã hội, nâng cao nghiệp vụ công tác Đoàn - Hội…

Mô hình đối thoại với dân gần đây được nhiều nơi áp dụng và đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đối thoại với dân ở quận 6, 7, 12, Tân Bình, Tân Phú, lãnh đạo địa phương hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng và những băn khoăn, khúc mắc và cả nỗi oan trái của người dân, từ đó giúp cho người lãnh đạo thấu hiểu được thái độ của người dân đối với các chủ trương, chính sách, những kẽ hở trong công tác chỉ đạo, quản lý.

 “Đây là một kênh thông tin quan trọng để chính quyền các cấp điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp cuộc sống, đồng thời kết hợp với đi cơ sở để xem chính sách vào thực tiễn thế nào. Từ lâu, Thành ủy TPHCM đã chủ trương, từng đồng chí trong Ban Thường vụ sắp xếp thời gian đi cơ sở, nắm tâm tư, nguyện vọng của dân” - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân cho biết.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục