Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo

“Sau 2 năm thực hiện sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều điều bất cập, làm ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Vậy sơ hở ở đâu, TPHCM có kinh nghiệm và giải pháp gì?”. Đó là vấn đề cần tìm hiểu của đoàn công tác các ban Đảng Trung ương khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vào đầu tháng 10-2009.
Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo

“Sau 2 năm thực hiện sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều điều bất cập, làm ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Vậy sơ hở ở đâu, TPHCM có kinh nghiệm và giải pháp gì?”. Đó là vấn đề cần tìm hiểu của đoàn công tác các ban Đảng Trung ương khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vào đầu tháng 10-2009.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (bìa trái) cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM giám sát việc thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VIII đã đề ra.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (bìa trái) cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM giám sát việc thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VIII đã đề ra.

Dân chủ từ công tác cán bộ

Bức xúc về công tác cán bộ, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo thẳng thắn: “Trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ hiện vẫn chưa rõ ràng, nên khi kiểm điểm sai phạm, chúng ta không biết địa chỉ, trách nhiệm thuộc về ai”. Theo quy trình, việc quản lý và đề bạt cán bộ phải qua nhiều công đoạn thẩm tra, giám sát chặt chẽ từ ban tổ chức, ủy ban kiểm tra, bảo vệ nội bộ, ban cán sự, Đảng ủy khối đến cơ quan quản lý ngành dọc, nhận xét của chi bộ nơi công tác, nơi cư trú… vậy mà trong bộ máy luôn luôn có “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất”.

Quy trình trên dường như cho thấy đơn vị nào cũng có quyền quyết, vậy mà trong thực tế, không đơn vị nào chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Do vậy, từ trước  tới nay, chẳng cá nhân ký quyết định hay ban Đảng nào bị kỷ luật về quyết định bổ nhiệm cán bộ sai lầm.

Thử đặt lại vấn đề trong công tác đề bạt cán bộ: ai giới thiệu, ai tán thành, ai không đồng ý, có phiếu trắng không; khi đưa ra Ban Thường vụ, ai không chấp nhận, ai tán thành, có ghi và lưu vào biên bản, hồ sơ những ý kiến đó không?... Nếu làm chặt chẽ thì một thời gian sau nhìn lại, chúng ta có cơ sở đánh giá ai giới thiệu được nhiều cán bộ tốt, có thể biết đó là người lãnh đạo hoặc cán bộ tổ chức công tâm, có quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ đúng.

Ở nhiều cấp ủy quận-huyện đã xảy ra tình trạng, khi Thường vụ bàn bạc để cất nhắc một cán bộ nào đó, mà có một vài ý kiến khác, thì khi quyết định tất nhiên là tập thể theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

“Trong công tác cán bộ, cấp ủy mà trước hết là người đứng đầu càng công tâm thì việc đánh giá và bố trí cán bộ càng ít mắc sai lầm” - Lê Hữu Đức, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. 

Nhưng điều quan tâm là những ý kiến “trái chiều” ấy hầu như không được trình bày tại Ban chấp hành, vì ngầm hiểu rằng “đã được thống nhất trong Thường trực theo đa số rồi”.

Nhiều người biết, trong bố trí nhân sự, thông thường Bí thư gọi Trưởng ban Tổ chức làm việc trước về người này, người kia. Sau đó Ban Tổ chức đưa ra Thường trực, Thường vụ, rồi Thường vụ trình ra Ban chấp hành xem xét…

Không nói ra ai cũng biết: Bí thư đã quyết như thế rồi, đừng nên có ý kiến khác! “Nhiệm vụ sắp tới đòi hỏi phát huy dân chủ hơn nữa trong sinh hoạt Đảng, nhất là trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Sinh hoạt dân chủ, chất lượng cao sẽ làm cho Đảng mạnh. Một tổ chức Đảng có năng lực và sức chiến đấu còn thể hiện ở khả năng quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức và lối sống” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Xuân Biên nhận định.

Lãnh đạo và quản lý - tách bạch như thế nào?

Có ý kiến cho rằng, không thể lẫn lộn chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Nhà nước, nhưng cũng không nên tách bạch cứng nhắc, bởi 2 chức năng đó quan hệ khăng khít với nhau, xen kẽ vào nhau ở một chừng mực nhất định, đặc biệt ở cấp cơ sở, chức năng của chính quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ủy đối với UBND phường, xã (kể cả một số đầu việc của cấp quận -huyện) là “rất khó phân biệt, vì đây là cấp thực hiện”.

Lại có ý kiến cho rằng, không nên quan niệm Đảng lãnh đạo chỉ giới hạn ở đường lối, chủ trương chung chung mà lãnh đạo phải cụ thể, thiết thực, nhất là phải quan tâm mọi nhu cầu thiết thực của người dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nói: “Khi bàn về kinh tế, các kỳ họp của Ban chấp hành Đảng bộ TP gần đây không đi quá sâu vào các con số của UBND TP mà tập trung bàn về lĩnh vực bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao chất lượng sống của người dân”.

Không chỉ đổi mới  phương thức lãnh đạo mà đổi mới  cả phong cách lãnh đạo. Hiện nay, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ TP đối với UBND TP chủ yếu là dựa trên quy chế làm việc, bảo đảm sự phân công và phối hợp nhịp nhàng, năng động và có hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự hài hòa giữa chỉ đạo của Thành ủy TPHCM và chỉ đạo của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với các cơ quan Nhà nước cấp TP.

Các cấp ủy cũng phân cấp trách nhiệm nhằm tránh tình trạng bên cấp ủy bỏ việc lớn mà lại can thiệp sâu vào công việc thuộc chức năng chính quyền, bao biện làm thay. Ngược lại, thực hiện quy chế làm việc cũng tránh tình trạng chính quyền ỷ lại, dựa dẫm vào cấp ủy, việc gì cũng xin chỉ thị cấp ủy.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Lê Hồng Liêm băn khoăn: “Có nhiều việc Thường vụ không biết, nhưng khi xảy ra sự cố, Thường vụ lại tham gia giải quyết, nên việc xử lý khó khăn”.

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị phải thường xuyên gắn với đổi mới phong cách và lề lối làm việc ở từng cấp theo hướng thật sự dân chủ, thiết thực, nói phải đi đôi với làm.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục