Xây dựng lực lượng: Bài toán khó của tổ chức Đoàn - Hội

Trong 9 tháng đầu năm 2009, tại TPHCM, đã có gần 1.500 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng và hơn 40.000 thanh niên trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, so với hơn 600.000 thanh niên trong tuổi Đoàn nhưng nằm ngoài tổ chức Đoàn-Hội, thì số lượng nêu trên vẫn còn là con số khá… khiêm tốn.
Xây dựng lực lượng: Bài toán khó của tổ chức Đoàn - Hội

Trong 9 tháng đầu năm 2009, tại TPHCM, đã có gần 1.500 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng và hơn 40.000 thanh niên trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, so với hơn 600.000 thanh niên trong tuổi Đoàn nhưng nằm ngoài tổ chức Đoàn-Hội, thì số lượng nêu trên vẫn còn là con số khá… khiêm tốn.

“Vùng trắng”

Qua trao đổi với một số cán bộ Đoàn-Hội, hiện nay, khu vực được cho là khó khăn nhất trong việc tiếp cận của tổ chức này chính là khu vực thanh niên công nhân. Đây là khu vực đặc thù, bởi đối tượng là những thanh niên trình độ văn hóa không cao, lại bị giới hạn thời gian tăng ca, làm ngoài giờ liên tục...

Thời gian qua, Thành Đoàn và Hội LHTN TPHCM đã có một số giải pháp để tiếp cận khu vực này như: tổ chức các sân chơi cuối tuần cho công nhân, tổ chức chi hội thanh niên nhà trọ với nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau… Tuy nhiên, dường như những loại hình trên vẫn chưa đủ sức để “lấp chỗ trống”.

Theo khảo sát, chỉ có hơn 15% thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia tổ chức Đoàn, Hội. Cụ thể, tại 13 khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-CN) TP, cơ sở Đoàn mới ở con số vài chục, trong khi tại các KCX-CN TP, có đến hơn 245.000 lao động trẻ đang làm việc tại 994 doanh nghiệp!

Vậy Đoàn-Hội đã làm gì để tiếp cận họ? Quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy Đoàn-Hội tổ chức các đêm văn nghệ, hội thi, giao lưu… trong khi áp lực của thu nhập thấp, tăng ca liên tục khiến công nhân không còn thời gian để nghĩ đến chuyện vui chơi, giải trí. Dù Đoàn-Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân nhưng nhìn chung việc tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức này trong công nhân vẫn chưa tương xứng…

Một “vùng trắng” khác là địa bàn dân cư, với đối tượng là những thanh niên trí thức. Ngoài các bạn trẻ sinh hoạt trong cơ quan có tổ chức Đoàn-Hội thì những thanh niên trí thức, sau giờ làm lại không mặn mà với hoạt động phong trào ở cơ sở.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng có lẽ chủ yếu nhất là do trình độ của cán bộ Đoàn-Hội ở cơ sở còn yếu; phương thức để thu hút thanh niên còn xơ cứng và nặng về phong trào, thiếu tính thực tiễn, không gắn với tâm tư nguyện vọng của đối tượng này. Điều đó dẫn tới tình trạng, thanh niên “ngoảnh mặt” với Đoàn-Hội và tự tìm đến những hoạt động mà họ cho là bổ ích hơn như tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm rèn luyện kỹ năng sống...

Từ thực tế khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên tổ chức Đoàn-Hội cũng lúng túng trong việc giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú trong khu vực này. Do vậy, những đoàn viên ưu tú được giới thiệu phát triển Đảng chủ yếu dựa vào lực lượng “hồng” ở các trường học, cán bộ Đoàn-Hội ở cơ sở.

Thanh niên công nhân cần những sân chơi bổ ích để đến với Đoàn - Hội (Trong ảnh: Thanh niên công nhân Công ty Huê Phong tại một lớp học vi tính do Thành Đoàn TPHCM tổ chức).

Thanh niên công nhân cần những sân chơi bổ ích để đến với Đoàn - Hội (Trong ảnh: Thanh niên công nhân Công ty Huê Phong tại một lớp học vi tính do Thành Đoàn TPHCM tổ chức).

Xây dựng lực lượng - cách nào?

Có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng lực lượng ở khu vực thanh niên lao động hay thanh niên trí thức gặp khó khăn như thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cán bộ Đoàn chuyên trách có tâm và tầm, nhưng quan trọng hơn cả là thiếu một “định hướng” đúng.

Có thể thấy, muốn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên thì trước hết Đoàn phải tạo được niềm tin để thanh niên tự nguyện đến với tổ chức Đoàn-Hội. Khi thanh niên đang có xu hướng “tách biệt” khỏi hoạt động Đoàn-Hội, thì trước hết tổ chức Đoàn-Hội phải “nhìn lại” mình. Chỉ có nhìn lại và làm mới công tác tập hợp, mô hình sinh hoạt để đưa ra những hoạt động phù hợp với thực tế của đối tượng thì tổ chức Đoàn - Hội mới mong thu hút,

xây dựng được lực lượng trong thanh niên. Ngay cả khu vực thanh niên công nhân, dù việc tập hợp có khó khăn hơn những khu vực khác nhưng nếu tăng cường kinh phí hoạt động, cán bộ Đoàn-Hội chuyên trách có nghiệp vụ và quan trọng hơn, có một “định hướng” đúng – tìm ra những hình thức và nội dung hoạt động mà thanh niên khu vực này đang cần - thì chắc chắn công tác xây dựng lực lượng sẽ khởi sắc.

Một vấn đề khác là sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ sở đối với công tác thanh niên. Các cấp ủy phải xem công tác thanh niên, công tác Đoàn - Hội là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm chăm lo giáo dục, rèn luyện thanh niên, tạo sự chuyển biến mới có tính đột phá trong công tác thanh niên.

Có nhiều mô hình hay để xây dựng lực lượng thanh niên, quan trọng không kém là cách tiếp cận của các cấp ủy Đảng với Đoàn-Hội để kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo công tác thanh niên như: thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với thanh niên, đoàn viên ưu tú để nắm bắt, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng; phân công đảng viên lớn tuổi, có kinh nghiệm tham gia giáo dục chính trị, truyền thống cho thanh niên; vận động, giáo dục thanh niên chậm tiến… Do đó, việc quan tâm đến công tác thanh niên, làm tốt công tác lãnh đạo các tổ chức Đoàn - Hội phải trở thành một trong những tiêu đánh giá cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh thì mới có thể xây dựng tốt lực lượng trẻ để kế thừa. 

THẠCH THẢO

Tin cùng chuyên mục