Sử dụng đảng phí như thế nào?

- Tại sao tỷ lệ trích phần trăm đảng phí ở mỗi nơi làm một khác và việc sử dụng đảng phí như thế nào cho đúng?

- Quy định về chế độ đảng phí ban hành kèm theo Quyết định số 09-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX quy định như sau: “Các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở được trích để lại 30%-50%, nộp 50% đến 70% lên cấp ủy cấp trên”.

Theo Hướng dẫn số 724-HDQT của Ban Tài chính Quản trị TƯ: Chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã phường, các chi bộ đại đội, chi bộ đồn biên phòng, tàu hải quân trên các đảo trong QĐNDVN được trích lại 50%; các chi bộ khác của Đảng và các Đảng bộ bộ phận được trích để lại 30%”.

Theo quy định và hướng dẫn thì đảng phí được trích trở lại ở cấp nào thì cấp đó được sử dụng. Số đảng phí thu được ở các cấp ủy trong nước là đơn vị dự toán ngân sách Đảng không tính vào định mức kinh phí chi thường xuyên của đơn vị, mà được sử dụng, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ sở Đảng gặp khó khăn.

Số đảng phí được trích để lại ở các cấp cần được ưu tiên cho các khoản chi phục vụ công tác xây dựng Đảng như: mua báo, tạp chí, tài liệu học tập; văn phòng phẩm; chi học tập triển khai nghị quyết các cấp; chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Đảng, bồi dưỡng học tập cho cấp ủy viên, đảng viên mới, đối tượng kết nạp Đảng…

Nếu điều kiện kinh phí hoạt động cho phép, các cấp ủy được sử dụng chi thăm hỏi đảng viên ốm đau, phúng viếng đảng viên từ trần hoặc hỗ trợ các đoàn thể quần chúng và các khoản chi hoạt động khác của cấp ủy.

- Khi biểu quyết một vấn đề gì, đảng viên hoặc cấp ủy viên tỏ thái độ đồng tình bằng lời nói có được không?

- Trong sinh hoạt Đảng, đối với những vấn đề cần biểu quyết để thống nhất chủ trương, giải pháp thực hiện, tùy theo nội dung, hình thức, tính chất và tầm quan trọng của từng vấn đề mà dùng hình thức biểu quyết bằng phiếu kín, giơ tay hoặc thể hiện sự nhất trí bằng lời nói.

Riêng các vấn đề bầu cử, kết nạp đảng viên, khai trừ đảng viên thì theo quy định, nhất thiết phải biểu quyết bằng bỏ phiếu kín. Đối với hình thức biểu quyết bằng giơ tay hoặc bằng lời nói, mỗi lần lấy biểu quyết, người chủ trì cần lần lượt hỏi rõ và ghi vào biên bản hội nghị: số người tán thành, số người không tán thành, số người có ý kiến khác.

TUẤN SƠN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục