Làm theo gương Bác bằng cả tấm lòng

Làm theo gương Bác bằng cả tấm lòng

Ở quận 5 (TPHCM), chỉ sau 1 tháng phát động, đã có 700 bài viết giới thiệu về “Người thật việc thật làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được gửi về Ủy ban MTTQ quận. Điều này cho thấy việc “làm theo” đã đi sâu vào các giới, các tầng lớp nhân dân. Báo SGGP xin giới thiệu 3 điển hình “làm theo” gương Bác bằng cả tấm lòng.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”

Lớp 12A2 Trường Trần Khai Nguyên nhớ như in cảm giác ngạc nhiên trong lần đầu gặp Lê Thành Nhân. Đó là một học sinh có nước da tái, ốm yếu và gương mặt đượm buồn. Sau lời “nói nhỏ” của cô giáo, tập thể lớp 12A2 biết rằng Nhân đang mắc bệnh về huyết học, phải “thay máu” 2 tháng một lần nên rất yếu ớt.

Bà Lê Thị Nương (phải) đang trao đổi công việc với lãnh đạo P14, Q5. Ảnh: M.A
Bà Lê Thị Nương (phải) đang trao đổi công việc với lãnh đạo P14, Q5. Ảnh: M.A

Em Trang Thị Tú, bạn của Nhân, kể: “Trong Nhân chứa đựng những điều thật lớn lao, những suy nghĩ cao xa hơn lớp chúng em rất nhiều. Ấy là khi học 4 chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân nói với bạn bè thích nhất là câu “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”. Lúc ấy chúng em đã cho rằng với “sức của mình”, bạn Nhân chỉ làm được những “việc nhỏ”…

Thế nhưng toàn bộ lớp 12A2 đã bất ngờ khi Nhân xung phong làm vệ sinh lớp học, đảm trách các hoạt động ngoại khóa, đi học rất đúng giờ, giúp đỡ các bạn học yếu hơn. Có khi thấy Nhân khuân bàn ghế quá sức bị xây xẩm tái người, hay những khi Nhân chảy máu cam ướt cả áo, cô giáo đã trách các nam sinh: “Sao lại để bạn làm vậy?”. Lúc ấy, Lê Thành Nhân cười hiền và nói: “Em tự nguyện mà cô. Với lại em cũng là nam sinh mà”.

Trang Thị Tú xúc động khi kể: “Rồi khi mọi người nghe mẹ của Nhân nói bạn Nhân chỉ sống được ít thời gian thôi, chúng tôi thật sự thương bạn. Tuy nhiên, vẫn có học sinh hỏi: “Vậy học làm chi cho cực?”. Nghe được câu hỏi đó, Nhân chỉ cười và nói rằng đã biết tình trạng bệnh tật của mình nhưng vẫn cố gắng theo đuổi ước mơ học ngành công nghệ thông tin.

“Ai cũng có cơm ăn áo mặc”

Xuất thân trong một gia đình người Hoa có truyền thống mộ đạo, nên từ nhỏ Tiêu Hán đã được xuất gia với pháp danh Thích Tôn Thật. Được giới Phật giáo tín nhiệm cử làm đại diện để tham gia Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, Thượng tọa Thích Tôn Thật đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đường sá xa xôi để đến với những người nghèo khổ ở mọi miền đất nước.

Ngoài bếp ăn từ thiện được thượng tọa duy trì tại địa phương, ông còn đứng ra vận động trên 14 tỷ đồng để chăm lo cho đồng bào gặp thiên tai ở các nơi khác. Chẳng thể nhớ nổi tất cả số lần hay số việc thiện mà Thượng tọa Thích Tôn Thật đã làm là bao nhiêu, chỉ riêng từ năm 1995 đến nay, thượng tọa đã chăm lo cho 30 cụ già neo đơn ở quận 5 mà chẳng chút nề hà!

Ngoài ra, để có tiền tặng gạo, tặng quần áo cho Trại dưỡng lão Bình Dương, Trại phong Buôn Ma Thuột, Trường Trẻ em khuyết tật Tương Lai…, thượng tọa còn tổ chức những lễ trai đàn để quyên góp tiền bạc. Khi đã có tiền, giúp được bữa cơm nóng, manh áo lành cho người nghèo rồi, thượng tọa khởi xướng thêm các chương trình quyên góp giúp người nghèo mổ tim, mổ mắt miễn phí và nhiều đoàn khám bệnh từ thiện đi khắp nơi…

Một đệ tử của Thượng tọa Thích Tôn Thật nói: “Thượng tọa từng nói với tôi rằng Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật và tôi còn hiểu thêm một ý nghĩa nữa là hành động ấy chính là thực hiện mong ước của Bác Hồ: Ai cũng có cơm ăn áo mặc.

Bác vừa bao la rộng lớn, lại rất đời thường

71 tuổi đời với 46 tuổi Đảng nhưng bà Lê Thị Nương vẫn xông xáo có mặt ở các khu phố mỗi ngày. Cũng chẳng phải vì “chức vụ” trưởng ban công tác mặt trận nên bà hay tham gia các phong trào chung của địa phương mà do tấm lòng của một đảng viên với người nghèo, thấy người dân khốn khổ bệnh tật đã khiến bà thương cảm, gần gũi với họ. Gương sáng tận tụy của bà thể hiện qua việc tự đi khảo sát hoàn cảnh sống của người già neo đơn, sau đó tự nấu suất cháo dinh dưỡng, rồi cùng với các chị em khác chia nhau đem đến tận giường các cụ.

Ông Ngô Ngọc Đậm (khu dân cư 6, P14 Q5) kể: “Một lần cùng chị Nương đến thăm người già đang cư ngụ trong Dòng Thánh Phao Lô, tôi thấy chị trăn trở: “Các cụ chắc chắn sẽ đau buồn lắm vì tuổi xế chiều mà vẫn chưa biết quê quán, gia đình của mình, vì các cụ vốn bị bỏ rơi từ bé”. Kể từ đó, bà Nương bắt đầu đến thăm, nấu cháo dinh dưỡng và tâm tình với từng cụ già để họ giãi bày nỗi lòng. Khi các cụ già yếu mất đi, bà lại đứng ra lo ma chay, cúng viếng, vận động nhiều người đến cúng viếng cứ như con cháu của các cụ. Bởi thế, mỗi lần bà Nương đến Dòng Thánh Phao Lô, những cụ già ở đây đều xem bà như người thân, ùa ra mừng rỡ.

Bà Nương tâm tình: “Bác Hồ vừa bao la, rộng lớn nhưng lại rất đời thường bởi những việc Bác làm có khi rất nhỏ, mà rất ý nghĩa với nhân dân. Mình học theo gương Bác, là phải làm được việc tốt, dù nhỏ”.

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục