Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Huỳnh Thành Lập:

Bộ máy chính quyền còn nhiều tầng nấc, chồng chéo

Bộ máy chính quyền còn nhiều tầng nấc, chồng chéo

Đâu là nguyên nhân yếu kém trong bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị (HTCT) ở TPHCM? Tại sao công tác phản biện chưa đạt hiệu quả cao? Vì sao tham nhũng không phải do đơn vị phát hiện mà do nơi khác phát hiện?... Đó là một số nội dung trao đổi giữa PV Báo SGGP với ông Huỳnh Thành Lập (ảnh), Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP - chủ biên đề tài cấp Nhà nước “Quan hệ giữa chính quyền với các thành tố trong hệ thống chính trị của TPHCM thời kỳ đổi mới” (mã số 5.01.02) vừa bảo vệ vào đầu tháng 6-2009.

- PV: Những năm qua, chính quyền và HTCT ở TPHCM từng bước kiện toàn, đạt nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH và chăm lo đời sống nhân dân, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đâu là nguyên nhân và tồn tại chính?

- Ông HUỲNH THÀNH LẬP: Những yếu kém, tồn tại có nhiều, trong đó phải kể tới chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức tổ chức, hoạt động giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể còn trùng lắp, chồng chéo. Bộ máy chính quyền nhiều tầng nấc, hoạt động chưa hợp lý, thiếu thông suốt. Nguyên nhân chính là quy chế mối quan hệ phân công, phối hợp công tác chưa theo kịp sự phát triển KT-XH; đó còn là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy có lúc chưa bao quát, toàn diện, có nội dung thiếu tập trung, kiên quyết; một bộ phận cán bộ, công chức xa dân. Thực tế này đã được Đảng bộ và chính quyền TP rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.

- Đề tài nghiên cứu đưa ra 5 giải pháp đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền và HTCT ở TPHCM. Vậy giải pháp nào quan trọng nhất?

Giải pháp quan trọng nhất là phải xác định rõ chức năng và mối quan hệ giữa các thành tố trong HTCT của TP bằng cơ chế vận hành, quy chế hoạt động để tránh bao biện làm thay và trùng lắp công việc. Chính quyền là khái niệm thuộc kiến trúc thượng tầng, rất dễ quan liêu, xa rời nhân dân, nên việc ra các quyết định cũng rất dễ hành chính, máy móc, xa rời thực tế. Vì vậy, một trong những giải pháp để các quyết định đi vào cuộc sống và được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân là phải thông qua MTTQ để lấy ý kiến nhân dân và ý kiến phản biện của các nhà khoa học.

- Nhưng việc phản biện của MTTQ và các hội đoàn thể chưa làm được bao nhiêu?

Trong chừng mực nào đó, các hoạt động phản biện của MTTQ và các hội đoàn thể ở TPHCM được xem là có hiệu quả, giúp các cấp lãnh đạo có thêm thông tin nhiều chiều. Mặc dù phản biện xã hội không mang tính chất thẩm định để đi tới quyết sách cuối cùng, nhưng TP đã chú ý xem xét nghiêm túc để thẩm tra lại trước khi đưa ra quyết định. Song cũng phải thừa nhận, MTTQ TP và hội đoàn thể chưa có điều kiện làm nhiều việc này; chưa chủ động kiến nghị TP về chế độ chính sách để đảm bảo đủ điều kiện phản biện xã hội. Thành công hay không còn phụ thuộc vào 2 yếu tố: dũng khí của người phản biện và thiện chí của người đứng đầu cơ quan. Sắp tới, việc giám sát, phản biện sẽ được phát huy nhiều hơn, nhất là ở những địa phương không tổ chức HĐND quận, phường.

- Nhiều người lo ngại, việc thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND quận, phường (BT-CT) ở những nơi không tổ chức HĐND dễ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán của người đứng đầu và khó khăn trong tiếp nhận ý kiến người dân?

Tôi không lo ngại lắm vì mọi công việc người đứng đầu thực hiện theo quyết định tập thể và chịu sự giám sát của cấp ủy, chính quyền (hàng tuần, hàng tháng đều họp và kiểm tra công việc). Thêm vào đó, xây dựng quy chế cụ thể, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các thành viên trong cấp ủy, chính quyền, đó là tiền đề để phát huy cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tạo ra tính chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ; tránh được tình trạng mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán của BT-CT.

Ngoài ra, cần mở rộng các kênh thông tin, tăng cường vai trò giám sát, đi cơ sở và ý thức trách nhiệm của MTTQ, đoàn thể, tổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP để tiếp nhận đầy đủ ý kiến và cả những khiếu nại, tố cáo của người dân.

- Theo ông, tại sao tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan lại do nơi khác phát hiện, tố cáo chứ không phải cấp ủy, chính quyền, quần chúng nơi đó?

Không có gì che được mắt nhân dân! Thực ra, không phải tổ chức, cán bộ công chức cơ quan không hay biết. Ngược lại biết rất rõ, thậm chí biết rất nhiều chuyện tiêu cực của đơn vị mình, chỉ có điều họ… không dám nói mà thôi, vì nói ra sợ động chạm, sợ bị trù dập, sợ mất quyền lợi, trong khi chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người đấu tranh tiêu cực. Chính vì thế, nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng do chính cán bộ công chức ở nơi đó tố cáo lên cấp trên hoặc cung cấp thông tin cho báo chí và cơ quan pháp luật.

Thêm vào đó, tính hình thức, dễ dãi trong tự phê bình, phê bình và trong đánh giá cán bộ đã trở thành khá phổ biến. Sinh hoạt Đảng mà đảng viên không dám phê bình, ngại đụng chạm, thậm chí còn bao che, giấu giếm khuyết điểm cho nhau thì chẳng khác nào khuyến khích thái độ thiếu thẳng thắn, thiếu trung thực. Lâu ngày, nó làm triệt tiêu sự bày tỏ chính kiến cá nhân, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, từ đó làm tăng nguy cơ thoái hóa trong Đảng.

- Cảm ơn ông.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục