Tuổi nghỉ hưu cán bộ nữ - 55 hay 60?

Theo Bộ luật Lao động (thi hành từ ngày 1-1-1995), tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55. Nhưng gần đây, khi chuẩn bị nhân sự cấp ủy mới, nhất là tìm cấp ủy viên nữ cho nhiệm kỳ 2010-2015, độ tuổi nghỉ hưu cán bộ nữ lại được đặt ra.

Năm 1995, thời điểm Việt Nam mới ra khỏi thời kỳ bao cấp, quy định 55 tuổi nghỉ hưu được coi là chính sách ưu tiên của  Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ lao động trực tiếp. Tuy nhiên, hơn 20 năm đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo điều kiện cho cán bộ nữ có nhiều cơ hội học tập, tham gia ngày càng nhiều công tác lãnh đạo, quản lý xã hội và có điều kiện nâng cao sức khỏe, chăm sóc gia đình tốt hơn.

Lúc này, quy định nghỉ hưu 55 tuổi dường như cản trở sự thăng tiến đối với phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo còn đủ điều kiện. Chính vì thế, càng ở chức vụ cao, cán bộ nữ càng ít tham gia.

Đầu nhiệm kỳ 2006-2010, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp trên cơ sở của Đảng bộ TPHCM bình quân là 21,86%, trong đó khối quận-huyện là 26,62%; khối thành phố: 18,33%; khối Trung ương: 12,50%. Tỷ lệ 21,86% dù vượt yêu cầu đề ra (trên 15%) nhưng thấp hơn 1,10% so với nhiệm kỳ trước (22,96%).

Gần đây, nhiều quận-huyện, nhất là khối sở-ngành TPHCM rất vất vả tìm nguồn nhân sự cán bộ nữ để bảo đảm tỷ lệ cấp ủy nữ phải đạt từ 20% trở lên.

Một nghịch lý là cán bộ nữ phải trải qua thời gian dài đào tạo, tốn kém về sức lực, kinh phí để hoàn thiện các tiêu chuẩn cán bộ nhưng quỹ thời gian cống hiến của chị em lại ngắn hơn nam giới 5 năm.

Tuổi đề bạt lần đầu của cán bộ nam cũng muộn hơn so với cán bộ nữ là 5 năm, trong khi nam giới có nhiều lợi thế so với cán bộ nữ về quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Thêm vào đó, việc quy định đồng loạt 55 tuổi nghỉ hưu thời điểm đó hẳn là chưa tính hết đặc thù ngành nghề, cấp bậc, vùng, miền khác nhau trong 20 năm sau. Đó là sự lãng phí chất xám rất lớn.

Năm 2005, Trung ương cho phép nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ nữ giữ chức vụ phó bí thư Thành ủy (ở một số TP lớn) từ 55 lên 60 tuổi. 5 năm qua, thực tế ở TPHCM đòi hỏi mở rộng đối tượng nghỉ hưu 60 tuổi đối với phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học (có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên) hoặc cán bộ nữ giữ một số chức danh chủ chốt ở khối sở-ngành, quận-huyện trở lên.

Nếu chưa áp dụng hết, trước mắt, có thể giới hạn đối với cán bộ nữ giữ chức danh phó chủ tịch HĐND TP, phó chủ tịch UBND TP hoặc ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.  Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần sự thay đổi căn cơ từ nhận thức, cơ chế đến chính sách về tuổi đào tạo, tuổi đề bạt, tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ trong cả hệ thống chính trị.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục